Bên cạnh việc đồng tình "nâng tầm" nước mắm thì hàng loạt câu hỏi đặt ra như: Nước mắm là di sản là nước mắm truyền thống hay nước mắm nói chung? Tiêu chuẩn của di sản văn hóa phi vật thể là gì?...
Di sản thì phải có truyền thống, làng nghề
Ông Lương Thanh Hải, chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kiên Giang, cho hay vào tháng 12-2022, "nghề thủ công truyền thống tri thức dân gian nghề làm nước mắm Phú Quốc" đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo ông Hải, để gọi là nước mắm thì theo quy định hiện tại, nước mắm phải có trên 10 độ đạm.
Vì vậy, xung quanh việc có ý kiến cho rằng nước mắm Phú Quốc chỉ mới được công nhận chỉ dẫn địa lý, ông Nguyễn Lưu Trung, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, khẳng định đó là ý kiến không chính xác.
"Hiện tỉnh cũng đang xúc tiến nhanh việc xây dựng hồ sơ đầy đủ để trình Unesco công nhận nghề làm nước mắm truyền thống Phú Quốc là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới", ông Trung nói.
Trước đó vào tháng 8-2019, nghề làm nước mắm Nam Ô cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trả lời câu hỏi về đề xuất nước mắm thành di sản văn hóa phi vật thể, ông Trung nói ông không nghĩ dễ dàng mà Bộ VH-TT&DL công nhận vì đã là di sản văn hóa phi vật thể thì phải gắn liền với yếu tố truyền thống lịch sử, làng nghề.
Chủ tịch làng nghề nước mắm Nam Ô 2 (Đà Nẵng) Trần Ngọc Vinh chia sẻ việc đề xuất đưa "nghề làm nước mắm" của địa phương mình rằng: "Khi làm hồ sơ để đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, chúng tôi cùng ngồi lại và nhấn mạnh đến các yếu tố truyền thống, yếu tố làng nghề.
Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) là ngôi làng cổ có lịch sử hình thành lâu đời và gắn liền với truyền thống khai thác, đánh bắt thủy hải sản, làm nước mắm.
Chúng tôi có phương pháp, tiêu chuẩn làm nước mắm khác biệt là chỉ sử dụng cá cơm và muối để ủ và ủ không dưới 12 tháng.
Từ phương pháp thủ công truyền thống này mang đến hương thơm, mùi vị đặc trưng. Ở Nam Ô, sau khi nghề làm pháo bị cấm thì bây giờ còn mỗi nghề làm nước mắm trở thành tinh túy, thành thương hiệu làng nghề địa phương".
Quảng bá nước mắm là cần thiết
Ông Phạm Huỳnh Quốc Thanh, giám đốc Công ty TNHH MTV nước mắm Kim Hoa (TP Phú Quốc), cho hay nước mắm truyền thống Phú Quốc được các nhà thùng ủ chượp trong thùng gỗ và cá muối phân hủy tự nhiên để cho ra sản phẩm nước mắm nguyên chất.
Do đó nước mắm truyền thống Phú Quốc không thể đồng nhất với nước chấm công nghiệp.
"Không thể đồng nhất nước mắm chung chung vô như vậy được vì nó sẽ gây rất nhiều khó khăn cho nước mắm truyền thống Phú Quốc. Người tiêu dùng dễ nhầm lẫn nước chấm với nước mắm truyền thống Phú Quốc", ông Thanh nói.
Còn ông Đặng Thành Tài, quyền chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, cho hay ông rất bất ngờ việc Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cùng Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đề xuất công nhận thêm "nước mắm" cũng là di sản văn hóa phi vật thể.
"Tôi không rõ Hiệp hội Nước mắm Việt Nam lấy cơ sở nguồn gốc làm ra nước mắm đó từ đâu? Quá trình hình thành như thế nào? Nước mắm đó gắn liền với vùng miền ra sao? Còn nếu chỉ nói nước mắm không thì cơ sở nào để gọi là di sản?", ông Tài đặt vấn đề.
Ông Huỳnh Quang Hưng, chủ tịch UBND TP Phú Quốc, thông tin nước mắm truyền thống Phú Quốc đã trở thành thương hiệu đặc trưng, đặc thù và gắn liền với địa danh của địa phương.
Theo ông Hưng, nếu chỉ cho ra nước chấm theo quy trình và pha chế thêm một số thành phần (thành phần đó được ghi trên bao bì) thì sẽ làm ra nước chấm công nghiệp, giá thành rẻ hơn nhiều so với nước mắm truyền thống Phú Quốc.
Ông Trần Ngọc Vinh cũng thông tin hiện nay làng nghề nước mắm Nam Ô 2 chưa vào Hiệp hội Nước mắm Việt Nam vì làng nghề không có kinh phí đóng góp để tham gia hội.
"Vậy nên tôi cũng không rõ tinh thần và mục tiêu cụ thể mà hiệp hội hướng tới khi ra đề xuất này", ông Vinh nói.
Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng việc quảng bá nước mắm, gia vị gắn với bữa ăn mỗi gia đình Việt để thế giới biết đến là cần thiết. "Nếu chúng ta không tôn vinh, nâng cho đúng tầm thì sẽ thiệt thòi khi buôn bán", ông Vinh nói thêm.
Hiệp hội không có thẩm quyền lập hồ sơ, đề xuất
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cho biết thông tư 04 năm 2010 của bộ có quy định chi tiết trình tự, thủ tục lập và gửi hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia.
Theo đó giám đốc sở VH-TT&DL tổ chức lập hồ sơ khoa học, trình chủ tịch UBND cấp tỉnh để đề nghị bộ trưởng. Như vậy các hiệp hội nghề nghiệp không phải là đơn vị có thể lập và gửi hồ sơ khoa học để đề nghị.
Đại diện Cục Di sản văn hóa giải thích di sản là của cộng đồng. Các hiệp hội không phải là cộng đồng chủ thể của di sản, hoặc chỉ đại diện cho một nhóm cộng đồng. Cộng đồng của nghề làm mắm là những người làm nghề này, họ giữ những kỹ năng, bí quyết làm nghề và trao truyền từ đời này sang đời khác.
Vị đại diện này còn nêu ví dụ mấy năm trước, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam muốn đứng ra làm hồ sơ cho di sản phi vật thể liên quan tới áo dài nhưng làm như vậy không đúng theo quy định của pháp luật.
Vì vậy tỉnh Thừa Thiên Huế đã đứng ra lập và đang trình hồ sơ đưa di sản nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế vào Danh mục di sản, tiến tới đệ trình UNESCO ghi nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Công nhận rộng rãi, không bó hẹp "nghề nước mắm"?
Bà Lê Thị Thiết, chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định (tỉnh Nam Định), chia sẻ trước đó hiệp hội cũng xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Nước mắm Giao Châu" (xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).
Theo bà Thiết, việc công nhận nước mắm là di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam sẽ giúp cho ngành nước mắm nói chung phát triển, ghi danh thương hiệu nước mắm Việt Nam trên bản đồ ẩm thực quốc tế.
Theo bà Thiết, việc lập hồ sơ công nhận nước mắm sẽ mang ý nghĩa rộng rãi hơn so với việc bó hẹp ở "nghề nước mắm".
"Việc đơn vị nào đứng ra xây dựng hồ sơ công nhận không quan trọng, điều quan trọng là "nước mắm Việt Nam" được ghi danh, công nhận là di sản văn hóa phi vật thể", bà Thiết nhận định.
3 hiệp hội nói gì?
Có đến ba hiệp hội liên quan việc này: Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam và Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam. Vậy ba bên nói gì về vấn đề này?
Hiệp hội Nước mắm Việt Nam:
Hiện nay tất cả đều gọi là nước mắm truyền thống
Ông Trần Đáng, chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, khẳng định mặc dù nước mắm Việt Nam chưa chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế nhưng đó chỉ là vấn đề thủ tục.
Ông Đáng còn nói nước mắm tại Phú Quốc mới chỉ được chỉ dẫn địa lý, chưa phải di sản văn hóa phi vật thể. Cũng theo ông Đáng, trong dân gian nước mắm đã là di sản văn hóa phi vật thể của nhân dân.
"Để hợp thức hóa di sản này, hai hiệp hội là Hiệp hội Nước mắm Việt Nam và Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam thống nhất sẽ phối hợp xây dựng bộ hồ sơ theo đúng quy định của Nhà nước. Hồ sơ có thể sẽ phức tạp, mặc dù đã đủ tiêu chuẩn nhưng phải hợp thức hóa, có thể phải mất vài ba măm", ông Đáng chia sẻ.
Nói về việc di sản văn hóa phải gắn liền với làng nghề, cộng đồng được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trong khi Hiệp hội Nước mắm bao gồm cả doanh nghiệp nước mắm sản xuất công nghiệp, vậy "di sản" có đúng với tiêu chí về di sản văn hóa?
Ông Đáng khẳng định hiện nay tất cả đều gọi là nước mắm truyền thống. "Sản xuất nước mắm thì vẫn là truyền thống, cốt nước mắm không thể làm công nghiệp được, vẫn là ủ 13 - 14 tháng để lấy cốt, khi dùng thì pha ra để lấy cốt chứ rất ít ai dùng nước mắm nguyên chất, rất ít.
Từ nước mắm truyền thống trong nhân dân người ta vẫn pha chế để chấm, làm gia vị phù hợp với khẩu vị, đây là cách để pha chế phù hợp với nhu cầu sử dụng", ông Đáng trả lời.
Ông Đáng cũng cho rằng nếu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể sẽ giúp nước mắm khẳng định được là một nghề truyền thống, hỗ trợ cho cả ngành nước mắm phát triển chứ không chỉ cục bộ, riêng lẻ. "Tinh thần là quảng bá cho hình ảnh đất nước, cho ngành nước mắm Việt Nam", ông Đáng nói.
Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam:
Không thể đánh đồng
Chia sẻ về thông tin từ phía Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, bà Trần Thị Dung, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, cho rằng trước hết cần hiểu rõ nước mắm nào đã làm nên ẩm thực quốc hồn quốc túy của người Việt.
Theo bà Dung, ở Việt Nam hiện nay chia nước mắm thành hai dòng là nước mắm (sản xuất theo TCVN 5107:2018) và nước mắm truyền thống (đã được Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam đề nghị các bộ NN&PTNT, KH-CN cho xây dựng TCVN).
Nước mắm truyền thống được làm theo phương pháp truyền thống, từ trước đến nay không bao giờ pha chế hương liệu, chất bảo quản... và có bề dày lịch sử, làm nên văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Còn với nước mắm sản xuất theo TCVN 5107:2018 ngoài định nghĩa nước mắm nguyên chất ra, toàn bộ tiêu chuẩn đã cho phép pha chế, được cho chất bảo quản, phụ gia để tạo ra thứ nước chấm gọi là nước mắm.
Do đó không thể nào đánh đồng rằng nước mắm đã pha chế cũng là nước mắm truyền thống và mang ẩm thực quốc hồn quốc túy của người Việt được.
Bà Dung cho hay Hiệp hội Nước mắm Việt Nam (Bộ Y tế công nhận ban vận động thành lập hiệp hội) bao gồm đa số là các doanh nghiệp hội viên chỉ sản xuất để cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp hội viên khác mua về pha chế, bổ sung phụ gia các loại để thành nước chấm cho "vừa miệng khách hàng".
Còn Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam do Bộ NN&PTNT quản lý, hội viên chỉ gồm những nhà thùng/doanh nghiệp làm nước mắm truyền thống có lịch sử lâu đời, đặc trưng theo vùng miền. Giá trị của nước mắm truyền thống được xây đắp theo bề dày lịch sử và văn hóa của Việt Nam.
"Vậy Hiệp hội Nước mắm Việt Nam có xứng đáng đứng ra xây dựng hồ sơ để ngành nghề nước mắm truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia?", bà Dung đặt câu hỏi và cho rằng Hiệp hội Nước mắm Việt Nam vẫn có quyền đề nghị, vấn đề ở đây là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước phải cầm cân nảy mực, làm đúng theo quy định và dựa trên những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, truyền thống lâu đời.
Bà Dung cũng cho biết sau khi nước mắm Phú Quốc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam và ban lãnh đạo hiệp hội cũng đã nói đến làm hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho nước mắm truyền thống Việt Nam.
Vì một số lý do nên hiệp hội chưa thể chính thức đề nghị các cơ quan có thẩm quyền.
Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam: Vô cùng bất ngờ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho biết vô cùng bất ngờ trước thông tin sẽ cùng Hiệp hội Nước mắm Việt Nam nghiên cứu, xây dựng bộ hồ sơ trình Chính phủ công nhận nước mắm là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Vị này xác định đến nay chưa có đề án hay thảo luận nào được triển khai giữa hai bên về nội dung này.
"Có thể các chia sẻ đã bị diễn giải theo hướng khác đi. Hiện hiệp hội chỉ tập trung xây dựng nhiều chương trình để thúc đẩy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam, phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia", đại diện Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam chia sẻ.
Vị này cũng nói thêm, gọi nước mắm truyền thống hay không truyền thống là do cách đặt vấn đề, "quan điểm của hiệp hội là muốn phát triển nước mắm lên tầm cao mới thì trong nước chúng ta phải đoàn kết, phải có sự phối hợp.
Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ, muốn có tiếng "kêu" thật to thì chúng ta phải đoàn kết".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận