Nhiều ngư dân tranh thủ tìm những gò cao để trú tạm cho kịp đánh bắt cá vào buổi chiều tối. Trong ảnh là nhiều ngư dân ở khu vực cặp kênh Vĩnh Tế chuyên giăng lưới cá mè Vinh đang neo đậu gần bờ - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, dọc theo tuyển tỉnh lộ 955A ven kênh Vĩnh Tế từ huyện Tịnh Biên ra TP Châu Đốc đâu đâu cũng thấy ngư dân tất bật với nghề đánh bắt cá mùa “nước giựt”, (một cách gọi khác của nước rút).
Thậm chí nhiều ngư dân còn neo đậu chực chờ trên đồng lũ để đánh bắt cho kịp với con nước rút.
Ông Lữ Cẩm Khường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang - cho biết hiện tại lượng thủy sản năm nay cũng dồi dào, tăng cao hơn so với những năm trước nên ngư dân phấn khởi hơn.
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, mùa lũ năm nay lớn hơn cùng kỳ, do vậy sản lượng thủy sản trong tự nhiên đánh bắt được có thể tăng từ 10 - 15% so với năm 2017.
“Nước vài ngày qua đã giựt xuống vài tấc/ngày rồi. Lượng thủy sản dồi dào tức là cung nhiều mà cầu ít nên dĩ nhiên các vùng đầu nguồn giá giảm” - ông Khường nói.
Một số người dân cho biết giá một số loại cá đã giảm mạnh.
“Nếu như hơn tháng trước giá cá Mè Vinh loại 3 con/kg có giá 40.000đ - 70.000đ/kg thì nay chỉ còn lại 20.000đ - 25.000đ/kg. Nhiều ngư dân đánh bắt nhiều đành làm mắm để phục vụ cho lễ hội vía bà Núi Sam năm sau” - anh Tuấn, ngụ ở xã Vĩnh Tế, nói.
Cá heo đồng giờ chỉ còn giá khoảng 40.000đ - 50.000đ/kg trong khi đầu mùa lũ có giá vài trăm ngàn đồng/kg - Ảnh: BỬU ĐẤU
Còn chị Nguyễn Thị Loan, 37 tuổi, ngụ P.Núi Sam, TP Châu Đốc mấy ngày qua tất bật với việc mưu sinh bằng nghề bán bông súng Cơm, một loại bông súng đồng chỉ có trong mùa lũ, cho biết, nước lũ năm nay lớn hơn năm rồi nên bông súng nhiều hơn.
Do loại bông súng đồng này ngọt, ngon hơn và chỉ có trong mùa lũ nên người dân rất thích - Ảnh: BỬU ĐẤU
Từ lâu, bông súng đồng trở thành đặc sản không thể thiếu đối với người dân vùng ĐBSCL mỗi khi bước vào mùa lũ - Ảnh: BỬU ĐẤU
Chị Loan cho biết mỗi ngày người dân Campuchia mang bông súng qua Việt Nam bán với giá 28.000đ/bó (mỗi bó 60 cây bông súng, dài 2m).
Chị Loan mua về, sau đó chia nhỏ thành từng khoanh (6 cây bông súng/khoanh) rồi bán lại với giá 5.000đ/khoanh.
“Mỗi ngày tui mua khoảng 40-60 bó bông súng rồi bán lại cho bạn hàng hoặc chia nhỏ ra rồi mang ra chợ bán. Gia đình nghèo không câu lưới, không đất đai sản xuất nhưng mùa lũ nhờ buôn bán bông súng cũng khá lắm” - chị Loan nói.
Chị Loan, cầm bó bông súng khoảng 60 cây mua từ người dân Campuchia giá 28.000đ/bó, rồi mang về chia nhỏ ra bán cho bạn hàng và các chợ khu vực - Ảnh: BỬU ĐẤU
Theo chị Loan, giá bông súng đồng năm nay so với năm rồi cũng bằng nhau nhưng năm nay bông súng dài hơn và nhìn “ngon” hơn.
“Bông súng này lớn theo con nước. Nên nước lũ cao đến đâu thì nó sẽ cao đến đó. Năm nay bông súng này đẹp và dài quá. Một mình em làm đâu xuể, phải mướn thêm người mới làm được hết. Nếu trừ đi chi phí chắc mỗi ngày có khoảng 200.000đ” - chị Loan nói.
Bông súng đồng loại đặc sản tự nhiên chỉ xuất hiện khi có lũ. điều đặc biệt là nước lũ cao đến đâu thì nó cao đến ấy. năm nay lũ lớn nên bông súng cùng dài hơn so với nhiều năm trước - Ảnh: BỬU ĐẤU
Chị Lê Thị Thúy (phải), 35 tuổi, ở Núi Sam, Châu Đốc, An Giang làm thuê bằng nghề bó nhiều cây bông súng lại thành từng khoanh nhỏ được trả công 50.000đ/buổi - Ảnh: BỬU ĐẤU
Không khó để bắt gặp hình ảnh người dân chở bông súng đi bán khắp các vùng biên giới ở An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận