Ảnh chụp hôm 19-7 cho thấy cảnh xả lũ tại đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc - Ảnh: Tân Hoa xã
Hãng tin Tân Hoa xã cho biết vào lúc 20h tối qua (19-7), mực nước tại hồ chứa đập Tam Hiệp - công trình thủy điện lớn nhất thế giới - đã đạt 164,18 mét, mức cao kỷ lục trong suốt mùa lũ kể từ lúc con đập này được xây dựng. Trước đó, mức kỷ lục từng được ghi nhận là 163,11 mét.
Tuy nhiên, Tân Hoa xã cho biết lưu lượng nước đổ về hồ chứa đập Tam Hiệp xuống còn 46.000 m3/giây trong cùng khoảng thời gian trên, sau khi lập đỉnh mới 61.000 m3/giây. Nước lũ dâng cao buộc đập Tam Hiệp phải tăng cường xã lũ những ngày qua.
Cũng trong cuối tuần trước, Cục Văn vật quốc gia của Trung Quốc cho hay hơn 500 di tích văn hóa không thể di dời tại 11 khu vực cấp tỉnh ở Trung Quốc đã bị hư hại ở nhiều mức độ khác nhau do mưa lũ nghiêm trọng ở miền nam nước này trong năm nay.
Quan Âm Các, công trình được mệnh danh là "Vạn lý Trường Giang đệ nhất các" , trước (trái) và sau khi ngập một phần trong nước lũ hôm 17-7. Công trình này nằm giữa sông Trường Giang, đoạn ở thành phố Ngạc Châu thuộc tỉnh Hồ Bắc - Ảnh: Trung Quốc Tân Văn xã
Ông Tống Tân Triều, phó cục trưởng Cục Văn vật quốc gia của Trung Quốc, cho biết trong mùa lũ năm nay, các di tích văn hóa bị hư hại trên phạm vi rộng, với số lượng nhiều và là "năm các di tích bị hư hại nghiêm trọng nhất trong mùa lũ những năm gần đây".
Các di tích văn hóa trên nằm tại nhiều tỉnh như Giang Tây, An Huy, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Chiết Giang, thành phố Trùng Khánh... Trong đó có một số cây cầu cổ, các bức tường thành và các tòa nhà cổ đã bị phá hủy.
Cảnh cầu cổ Trấn Hải bị nước lũ phá hủy ở thành phố Hoàng Sơn, tỉnh An Huy ngày 7-7 - Video: Chinanews
Có hơn 70 cây cầu ở 11 tỉnh bị hư hại, trong đó có những đơn vị bảo tồn thuộc di tích văn hóa trọng điểm quốc gia. Cầu Trấn Hải ở An Huy, cầu Đạt Duy Hội Sư ở Tứ Xuyên, cầu cầu vòng Thanh Hoa ở Giang Tây đã bị phá hủy. Còn tường thành ở Tương Dương (Hồ Bắc)... cũng bị sập một phần.
Chẳng hạn hôm 7-7, cầu Trấn Hải (hay còn gọi là "cầu Lão Đại") ở thành phố Hoàng Sơn, tỉnh An Huy đã bị nước lũ cuốn sập. Nhiều người dân địa phương đã cầm dù che mưa đến xem trong sự nuối tiếc. Công trình này gần 500 năm tuổi, được xây dựng dưới triều đại nhà Minh (1368-1644).
"Trước mắt, một số tỉnh vẫn còn lũ lụt và tình hình đảm bảo an toàn cho các di tích văn hóa đang vô cùng gay go" - ông Tống đánh giá.
"Cầu cầu vòng" có từ triều đại nhà Tống ở tỉnh Giang Tây bị nước lũ phá hủy hôm 9-7 - Ảnh chụp màn hình
Vị quan chức trên cho biết Cục Văn vật quốc gia của Trung Quốc đã chuyển 3,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 500.000 USD) tới các khu vực bị ảnh hưởng để phục vụ công tác bảo vệ các di tích, đồng thời kêu gọi chính quyền các địa phương cùng những cơ quan liên quan và công chúng hỗ trợ.
Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc hôm 19-7 cho biết chỉ tính từ đầu tháng 7 tới nay, có 23,85 triệu dân ở 24 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Trong khoảng thời gian này, lũ lụt đã khiến khoảng 16.000 căn nhà bị đổ sập và gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp 64,39 tỉ nhân dân tệ (khoảng 9,21 tỉ USD).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận