Lao động nhập cư làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở Canada - Ảnh: AFP
Đại dịch đã làm xáo trộn lực lượng lao động tại nhiều nước, khi không ít người đã nghỉ hưu hoặc bị mắc kẹt đâu đó vì dịch bệnh chưa thể trở lại. Tại Nhật Bản, khoảng 300.000 người chưa thể quay lại nước này làm việc và học tập, theo báo Nikkei Asia.
Việc tìm người
Thiếu hụt lao động là tình trạng chung ở nhiều nước phát triển, theo báo New York Times. Một khảo sát với 5.700 công ty Anh hồi tháng 6 cho thấy 70% đang chật vật tìm nhân viên. Tại Úc, chỉ tính riêng lĩnh vực khách sạn đã có gần 100.000 công việc đang chờ người, các công ty khai thác mỏ buộc phải giảm mục tiêu doanh thu vì thiếu nhân công. Không có người thu hoạch, hàng tấn nông sản của Úc bị vứt bỏ.
Một số nước phát triển đã xây dựng các chương trình thị thực cởi mở, hiệu quả hơn để thu hút người nước ngoài, từng bước đưa họ trở thành một phần lâu dài trong xã hội sở tại. Tại Đức, Đạo luật nhập cư mới đã được thông qua.
Trước đó không lâu, giới chức Đức đã cảnh báo đất nước này cần thêm 400.000 người nhập cư mỗi năm từ tay nghề cao đến lao động phổ thông. Nhờ đó, người nước ngoài có thể có thị thực lao động trong thời gian cấp tốc và được cho 6 tháng đến Đức để tham quan, tìm việc. Canada có kế hoạch cấp thẻ xanh cho khoảng 1,2 triệu người nhập cư mới vào năm 2023.
Israel thì "phi nước đại" về phía trước để tìm người và đang mở rộng các thỏa thuận song phương tìm điều dưỡng nhập cư. Còn tại Úc, chính phủ dự định tăng gần gấp đôi hạn ngạch lao động nhập cư trong năm tới. Canberra cũng đang thương thảo với nhiều nước Đông Nam Á, tìm cách đưa lao động đến làm việc tại các trang trại bằng chương trình thị thực nông nghiệp, mở với lao động mọi trình độ tay nghề.
Nhiều quốc gia, trong đó có Bỉ, Phần Lan và Hy Lạp, đã cấp thị thực làm việc cho người nước ngoài đến bằng thị thực sinh viên hoặc thị thực khác.
Ở Nhật, nơi lao động nhập cư là vấn đề nhạy cảm vì sự phản đối của các nhóm bảo thủ, chính quyền đã cho lao động nhập cư bị mất việc được tạm thời làm việc cho công ty khác. Tokyo cũng đang cân nhắc dỡ bỏ giới hạn thị thực 5 năm và cho phép lao động trong 14 lĩnh vực được mang theo gia đình sang Nhật.
COVID-19 là nhân tố thúc đẩy sự thay đổi khiến nhiều quốc gia nhận ra tầm quan trọng của người nhập cư.
Ông Jean-Christophe Dumont (người đứng đầu cơ quan nghiên cứu về di cư quốc tế thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - OECD) nhận xét
Nhập nhằng nhập cư và tị nạn
Việc các nước tiên tiến minh bạch hơn trong chính sách với lao động nhập cư, đưa ra các tầng nấc rõ ràng để đạt được thẻ xanh và các đãi ngộ khác cũng tạo ra sự cạnh tranh nhất định. "Đó là một cuộc chiến giành những tài năng trẻ" - nhà nghiên cứu về toàn cầu hóa Parag Khanna nhận xét với báo New York Times.
Theo tờ báo này, những chính sách mới cho lao động nhập cư đang tạo ra bức tranh tương phản với chính sách cho người tị nạn. Chính phủ các nước châu Âu vẫn đang chia rẽ về cách xử lý làn sóng người tị nạn. Còn tại Mỹ, với điểm nóng là biên giới giáp Mexico, chính sách hầu như không thay đổi, số người vượt biên bị bắt cao kỷ lục.
Người Đức đang cố gắng tích hợp chính sách cho lao động nhập cư và người tị nạn bằng các trung tâm đào tạo nghề. Việc thanh niên Đức theo đuổi học thuật nhiều hơn là điều tích cực nhưng cũng tạo ra sự thiếu hụt lao động tay chân và để bù đắp, Berlin rất cần những người di cư/tị nạn.
Các trung tâm đào tạo nghề đang chờ học viên mới, còn chính quyền địa phương thì sẵn sàng trả chi phí đào tạo, ăn ở cho người học.
Các chương trình như vậy giống như học bổng toàn phần mà các nước hay cấp cho những tài năng nước ngoài. Để nhận được "học bổng toàn phần" cho lao động nhập cư, ứng viên phải tham gia khóa học hội nhập văn hóa xã hội sở tại và khóa học ngôn ngữ, tất nhiên học phí cũng do Chính phủ Đức chi trả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận