Một cửa hàng bán rượu tại Hong Kong - Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, kết quả nghiên cứu mới của nhóm tác giả thuộc ĐH Kỹ thuật Dresden, Đức, đăng ngày 7-5 trên tạp chí y khoa của Anh The Lancet khẳng định xu hướng tiêu thụ rượu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng và chưa có tín hiệu nào cho thấy sẽ dừng trong tương lai gần.
Trên thực tế, chỉ trong 27 năm qua, tổng lượng rượu người dân trên toàn thế giới tiêu thụ mỗi năm đã tăng 70%, từ 20 tỉ lít năm 1990 lên 35 tỉ lít năm 2017. Nhóm nghiên cứu cho rằng dân số tăng là yếu tố đẩy lượng rượu tiêu thụ tăng theo.
Tính tới năm 2017, năm gần nhất có được các số liệu thống kê, mức tăng tương đương với 6,4 lít/năm/một người trưởng thành.
"Uống rượu vẫn là một trong những nhân tố nguy cơ dẫn đầu dẫn tới gánh nặng bệnh tật trong một tương lai có thể thấy trước".
Ông Jakob Manthey - tác giả của nghiên cứu về tình hình sử dụng rượu toàn cầu
Việc tiêu thụ rượu gia tăng tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong khi tổng lượng rượu tiêu thụ tại các nước thu nhập cao lại duy trì ở mức ổn định.
Theo ông Jakob Manthey, tác giả nghiên cứu, công trình của họ cung cấp một cái nhìn tổng quan về những thay đổi đáng kể về tình hình tiêu thụ rượu trên toàn thế giới theo diễn biến thời gian.
"Nếu trước năm 1990, hầu hết rượu được tiêu thụ tại các nước thu nhập cao, với những mức tiêu thụ cao nhất được ghi nhận tại châu Âu. Thì nay, thực tế này đã thay đổi đáng kể, với mức giảm lớn trên toàn khu vực đông Âu và tăng mạnh tại nhiều nước thu nhập trung bình như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam", ông Jakob Manthey nói.
Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thu thập từ 189 quốc gia trên toàn thế giới. "Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục cho tới năm 2030 khi châu Âu được dự đoán không còn mức sử dụng rượu cao nhất nữa", ông Jakob Manthey tiếp.
Cũng theo nghiên cứu này, khu vực có mức tiêu thụ rượu tính theo đầu người thấp nhất là Bắc Phi và Trung Đông. Mặc dù tổng mức tiêu thụ rượu giảm, nhưng số "sâu rượu" nhiều nhất vẫn đang tập trung tại các nước ở khu vực Trung Âu và Đông Âu.
Các số liệu ước tính cho thấy tới năm 2030, khoảng một nửa số người trưởng thành trên thế giới sẽ uống rượu và gần 1/4 (23%) sẽ uống nhiều, ít nhất một lần một tháng.
Thực tế cũng cho thấy thế giới đang không thể thực hiện lộ trình cần thiết để có triển khai những nỗ lực cắt giảm rượu bia như khuyến cáo gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trong báo cáo công bố tháng 9-2018, WHO cho biết đã có hơn 3 triệu người chết vì sử dụng đồ uống có cồn theo cách có hại trong năm 2016, tương đương cứ 20 người chết lại có 1 người chết vì rượu.
Rượu là nhân tố nguy cơ lớn nhất gây bệnh tật, nghiên cứu cũng đã chỉ ra rượu liên quan tới hơn 200 loại bệnh khác nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận