Cánh đồng xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang giáp biên giới Campuchia đã có nước vào - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 21-7, Tuổi Trẻ Online đi ven tuyến kênh Vĩnh Tế thuộc huyện Tịnh Biên và TP Châu Đốc đã thấy người dân vùng biên giới đang tấp nập đăng dớn khắp nơi trên tuyến kênh để đánh bắt cá mùa lũ.
Tiếp tục di chuyển về xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú - nơi được xem là khu vực đầu nguồn mùa lũ và biên giới giáp nước bạn Campuchia, người dân nơi đây đã bắt đầu tất bật chuẩn bị cho mùa lũ. Nếu như trên dòng nước kênh Vĩnh Tế, sông Hậu đã chuyển màu đục ngầu thì trên bờ ngư dân đang chuẩn bị câu, lưới cho mùa lũ.
Đang loay hoay kéo dàn lưới đã "ngủ im" nhiều tháng qua, anh Trần Văn Hải, ngụ xã Vĩnh Hội Đông, cho biết thấy mực nước sông Hậu đã "bò lên" gần bờ, anh đưa lưới ra khâu vá lại để đặt ở sông Hậu kiếm cá cho gia đình ăn.
"Tôi thấy năm nay nước lũ lên sớm hơn và lớn hơn so với cùng kỳ 2021 nên cũng mừng lắm. Tôi hy vọng nước lũ năm nay lên từ từ chứ đừng lên nhanh quá để bà con khu vực biên giới mưu sinh mùa lũ", anh Hải phấn khởi nói.
Anh Trần Văn Hải, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tất bật vá lưới đặt dớn bắt cá - Ảnh: BỬU ĐẤU
Cách đó không xa là vợ chồng bà Nguyễn Thị Định và ông Trần Văn Ngọt đang cặm cụi may lưới dày để giăng lưới bắt cá linh. "Bây giờ thấy con nước đục ngầu đổ về như vậy là cũng mừng rồi. Vợ chồng tôi đang tranh thủ may lưới dày để giăng cá linh. Hai vợ chồng không đất ruộng nên trông chờ mùa lũ để kiếm sống. Năm nay dự kiến may 20 tay lưới (khoảng 300m - PV). Năm rồi lũ ít, dịch bệnh không làm gì được nên chúng tôi hy vọng mùa lũ này sẽ ăn nên làm ra", bà Định nói.
Nói về mực nước lũ năm nay, ông Mai Tùng Thiện - bí thư, chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông - nói: "Tôi thấy hiện nay lượng nước đã đổ về nhiều và cao hơn cùng kỳ. Với lượng nước đổ về như hiện nay thì khả năng năm nay lũ sẽ về sớm hơn. Bà con đang tranh thủ đánh bắt cá rồi".
Ngư dân phấn khởi vì nước dâng cao và đang tất bật chuẩn bị ngư cụ đánh bắt cá - Video: BỬU ĐẤU
Còn ông Lưu Văn Ninh - giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang - cho biết mực nước thực đo ngày 20-7 trên sông Tiền tại Tân Châu đạt 1,99m, tăng 0,63m so với cùng kỳ 2021 và tăng 0,06m so với trung bình nhiều năm. Còn mực nước trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2m, tăng 0,54m so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,33m so với trung bình nhiều năm.
Từ đầu tháng 7, mực nước tại các trạm trên lưu vực sông Mekong có xu thế biến đổi chậm. Tổng lượng dòng chảy sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long qua Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-25%.
Mực nước cao nhất tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long và vùng hạ lưu sông xuất hiện trong tuần cuối tháng, ở mức cao hơn so với cùng kỳ 2021 từ 0,25 - 0,45m. Mực nước thấp nhất có khả năng xuất hiện trong tuần đầu tháng, ở mức cao hơn cùng kỳ 2021 từ 0,15 - 0,60m.
Nước sông Hậu đoạn huyện An Phú giáp với thị xã Tân Châu, An Giang có nước đục ngầu báo hiệu một mùa lũ đã đến - Ảnh: BỬU ĐẤU
"Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước cao nhất tháng tại các trạm xuất hiện trong những ngày cuối tháng, mực nước thấp nhất tại các trạm có khả năng xuất hiện trong tuần đầu tháng; mực nước cao nhất và thấp nhất tháng đều ở mức cao hơn so với cùng kỳ 2021 từ 0,05 - 0,50m", ông Ninh thông tin.
Dự báo ngày 31-7, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu sẽ đạt 2,3m, tăng 0,44m so với cùng kỳ, còn trên sông Hậu tại Châu Đốc sẽ đạt 2,15m, tăng 0,33m so với cùng kỳ 2021.
Sau đây là một số hình ảnh Tuổi Trẻ Online ghi nhận được:
Anh Trần Văn Hải sắp xếp lại số dớn để chuẩn bị cho mùa lũ 2022 - Ảnh: BỬU ĐẤU
Một hộ dân mua bán cua ở xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ông Trần Văn Ngọt đang bấm chì để chuẩn bị đóng lưới - Ảnh: BỬU ĐẤU
Bà Nguyễn Thị Định đang khẩn trương may lưới cá linh chuẩn bị cho mùa lũ tới - Ảnh: BỬU ĐẤU
Một em gái đi theo mẹ mua được 5kg lươn đồng chuẩn bị bán ra chợ - Ảnh: BỬU ĐẤU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận