Phóng to |
Thủ tướng V. Putin (phải) tận dụng cơ hội Olympic để giải thích quan điểm của Nga với Tổng thống Mỹ G.Bush - Ảnh: Reuters |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Hãng tin AP bình luận cuộc chiến nổ ra đúng vào thời điểm các nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại Trung Quốc tham dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh cho thấy ông Saakashvili muốn tận dụng yếu tố bất ngờ để thực hiện cam kết của mình.
Nhà phân tích Kevin Connolly của BBC nhận định dường như ông Saakashvili đã quá tin cậy các đồng minh như Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ ông khi xung đột leo thang. Tuy nhiên, trên thực tế, thế giới ngoại giao là thế giới của tính thực dụng, và dù phương Tây có cam kết ủng hộ Gruzia thì những cam kết này cần phải được xem xét trong bối cảnh phương Tây muốn có một mối quan hệ tốt nhất ở mức có thể với Nga.
Do đó, ông Connolly cho biết phương Tây sẽ đưa ra hàng loạt lời kêu gọi ngừng bắn, kiềm chế... nhưng chỉ có vậy. Sự thật là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Mỹ đang cần Nga hơn là Nga cần Mỹ, bởi sức mạnh dầu khí của Matxcơva. Washington cũng đang cần sự ủng hộ của Matxcơva trong các vấn đề nóng bỏng hơn như CHDCND Triều Tiên hay Iran.
Trong khi đó, các thành viên của liên minh phương Tây như Đức thì không muốn đối đầu với một quốc gia cung cấp phần lớn lượng dầu khí cho họ. "Chẳng ai muốn đánh nhau với một người có quyền tắt ống khí gas," ông Connolly nhận định. Mới đây, đại diện Nga tại NATO đã thẳng thừng tuyên bố ông Saakashvili đã "phạm phải sai lầm cuối cùng trong sự nghiệp chính trị” của ông.
Gruzia không có trữ lượng dầu khí đáng kể. Tuy nhiên, nó lại là điểm trung chuyển dầu cực kỳ quan trọng từ vùng Caspi và Trung Á đến châu Âu và Mỹ và là con đường duy nhất không dính dáng đến hai cường quốc dầu khí là Nga và Iran. Tuyến đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan dài 1.770 km đưa 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Baku (Azerbaijan) tới Yumurtalik (Thổ Nhĩ Kỳ), sau đó được đưa đến châu Âu và Mỹ. Khoảng 249km đường ống chạy qua Gruzia. Đường ống này giúp giảm sự phụ thuộc của phương Tây đối với dầu khí từ Trung Đông và Nga.
Vùng Kavkaz vốn được xem là "sân sau" của Nga, và Matxcơva muốn duy trì ảnh hưởng truyền thống để đảm bảo ưu thế độc quyền về dầu khí. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Saakashvili luôn có tư tưởng thân phương Tây và muốn gia nhập NATO. Điều đó biến ông Saakashvili thành cái gai trong mắt Matxcơva. Một sự hiện diện của NATO tại đây sẽ làm suy yếu nghiêm trọng tầm ảnh hưởng của Nga.
Do đó, trên báo Washington Post, cựu đại sứ Mỹ tại LHQ Richard Holbrooke bình luận Nga sẵn sàng giao chiến với Gruzia, thậm chí lật đổ chính quyền Saakashvili nếu cần thiết. Sức mạnh dầu khí trong thời điểm giá dầu tăng vọt sẽ cho phép Nga hành động, còn phương Tây và Mỹ chỉ có thể phản ứng yếu ớt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận