27/08/2014 00:01 GMT+7

Nước biển xâm thực nghiêm trọng dọc bờ biển Quảng Nam

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Tỉnh Quảng Nam có 125 km chiều dài bờ biển thuộc địa giới hành chính của 8 huyện, thành phố.

Khoảng 10 năm trở lại đây hiện tượng nước biển xâm thực đã diễn ra nghiêm trọng làm cuốn trôi nhiều bãi tắm đẹp, nhiểu khu vực rừng phòng hộ và đang lấn sâu vào các khu dân cư ven biển nhất là ở tại huyện Núi Thành và thành phố Hội An.

or3HJw1y.jpg

Nguy cơ mất làng do nước biển xâm thực

Tại xã đảo Tam Hải thuộc huyện Núi Thành, nhiều vị trí ở đây nước biển đã xâm thực sâu vào khoảng 50m chỉ trong vòng 5 năm qua. Tại thôn Thuận An, xã Tam Hải nơi có hai mặt giáp biển, do tình hình xâm thực của biển diễn ra nghiêm trọng nên 200 hộ dân nơi đây đang được chính quyền xã lên kế hoạch di dời đi nơi khác. Nước biển đã xâm thực chỉ còn cách thôn khoảng 100m nên khi bão về hầu hết người dân phải di chuyển vào trong đất liền vì sóng biển đánh mạnh theo những con mương tràn nước vào sâu trong thôn, gây thiệt hại về tài sản và hoa màu.

Khu rừng phi lao phòng hộ do người dân nơi đây trồng để chắn sóng, nhưng qua mấy trận bão lớn gần đây đã cuốn trôi hàng chục héc ta rừng cộng với việc người dân chặt cây để làm hồ nuôi tôm nên “tấm lá chắn” cho cả thôn trước gió bão vốn mỏng manh nay càng thưa thớt hơn. Mấy năm trở lại đây, nhiều người trong thôn Thuận An đã di chuyển cả gia đình vào trong đất liền để sinh sống do lo sợ thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp.

Năm 2010, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ và chống sạt lở bờ biển ở những điểm xung yếu trên xã đảo Tam Hải dài trên 2 km. Từ khi công trình này được đưa vào sử dụng năm 2012, hiện tượng sạt lở bờ biển được hạn chế, đời sống nhân dân được ổn định hơn. Tuy nhiên do ảnh hưởng của cơn bão số 11 năm 2013, một đoạn kè cuối tuyến dài khoảng 30m đã bị sóng, gió bão làm hư hỏng và xã Tam Hải đã kiến nghị lên tỉnh để xem xét làm lại. Ngoài ra, xã Tam Hải còn khoảng 2,4 km bờ biển ở thôn Thuận An và thôn Bình Trung cần phải xây kè để giữ đất, nếu không mỗi năm nước biển sẽ lấn sâu vào khoảng 10m, nhưng xã chưa có kinh phí đầu tư.

Tác động tiêu cực đến các khu nghỉ dưỡng ven biển

Thành phố Hội An có bờ biển kéo dài khoảng 7 km nhưng từ năm 2009 đến nay, tình trạng mất đất do nước biển xâm thực đã xảy ra liên tục đặc biệt ở khu vực biển Cửa Đại, nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng cao cấp của thành phố du lịch này. Tuyến đường ven biển Âu Cơ ở khu vực biển Cửa Đại trước đây cách biển hơn 200m nhưng nay biển đã tiến gần chỉ còn cách con đường này khoảng 40m, sóng biển đã cuốn đi nhiều bãi tắm đẹp ở khu vực này.

Các khu nghỉ dưỡng cao cấp nơi đây đang phải tự “gồng mình” chống chọi với sự xâm thực mạnh mẽ từ nước biển. Trong khi chờ đợi các giải pháp căn cơ của các cơ quan chức năng ở tỉnh và trung ương thì các khu nghỉ dưỡng này đang phải tự bảo vệ tài sản của mình nếu như không muốn bị nước biển cuốn trôi. Ở khu vực biển Cửa Đại, mỗi khu nghỉ dưỡng có một cách làm riêng để chống lại sự xâm thực của nước biển. Cụ thể, khu nghỉ dưỡng Victoria dùng đá hộc và cọc tre, gỗ đóng xuống bãi cát nhằm giữ chân bờ kè; khu nghỉ dưỡng SunRise thì sử dụng công nghệ kè chắn mềm bằng bao cát có bề ngang 2m theo công nghệ của Australia để bảo vệ bãi biển dài 200m.

Các khu nghỉ dưỡng ở khu vực biển Cửa Đại được sắp xếp xen kẽ nhau với những bãi tắm công cộng nên những giải pháp mà các khu nghỉ dưỡng này làm trong thời gian qua chỉ mang tính tình thế, cục bộ bởi các bãi tắm công cộng ở bên cạnh các khu nghỉ dưỡng này nhiều chỗ chưa được kè và đang bị nước biển lấn sâu.

Có thể nói, tác động tiêu cực của nước biển xâm thực đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các khu nghỉ dưỡng này.

Ứng phó với tình trạng xâm thực

Mặc dù tình trạng nước biển xâm thực đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng nhưng tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có những nghiên cứu đánh giá một cách tổng quát vấn đề này. Hiện tại, tỉnh Quảng Nam mới đang chuẩn bị thành lập tổ giúp việc gồm các thành viên của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở ban ngành liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam giải quyết vấn đề xâm thực vùng ven biển Hội An. Theo các kết quả nghiên cứu thủy văn những năm qua, tốc độ dâng của mực nước biển trung bình năm tại thành phố Hội An tăng khoảng trên 0,5 cm/năm, như vậy có thể thấy được sự ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu đến mực nước biển dâng tại thành phố này nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tình trạng ngập lụt chủ yếu xảy ra tại khu vực ven biển có địa hình thấp, với tổng diện tích bị ngập khoảng hơn 306 km2. Trong đó, địa phương bị ngập nhiều nhất là thành phố Hội An với hơn 27% diện tích bị ngập; tiếp theo là các huyện Điện Bàn 26%, huyện Duy Xuyên gần 16% và huyện Núi Thành 15% diện tích bị ngập.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp