23/03/2011 04:44 GMT+7

Nước biển nhiễm phóng xạ

HỒNG VÂN (Theo Reuters, Kyodo)
HỒNG VÂN (Theo Reuters, Kyodo)

TT - Ngày 22-3, công việc làm nguội các lò phản ứng ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vẫn tiếp tục trong khi hải sản của vùng biển này có nguy cơ nhiễm xạ.

* Gió bắc đang đưa phóng xạ xuống phía nam

Read this on Tuoitrenews.vn

OZJyUrqN.jpgPhóng to
Chợ cá Tsukiji ở Tokyo: “Chúng tôi không bán được gì vì không ai đặt hàng” Ảnh: Reuters

Trong ngày 22-3, hàng đám hơi nóng tiếp tục bốc ra từ những khe nứt của tòa nhà bảo vệ lò phản ứng số 2 và khói trắng mù mịt vẫn tuôn ra ở lò phản ứng số 3. Các công nhân cứu hộ và lính cứu hỏa đã quay lại các lò phản ứng số 1, 2, 3 và 4 sau khi sơ tán khỏi nhà máy chiều hôm trước. Việc bơm nước để làm nguội lò phản ứng số 3 và 4 được ưu tiên do hai lò phản ứng này đáng quan ngại nhất. Ba xe tải, một máy chuyên dụng với ống dẫn dài 50m của một tập đoàn tư nhân cùng tham gia bơm nước từ độ cao cao hơn.

9.079 người chết và gần 13.000 người mất tích, tính đến ngày 22-3. Gần 320.000 người vẫn đang sống ở các nhà trú ẩn.

216.977 gia đình ở các tỉnh phía bắc không có điện sinh hoạt. Ít nhất 880.000 gia đình của 11 tỉnh không có nước dùng, giảm so với ngày 19-3 (1 triệu gia đình).

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết khói và hơi nóng phát ra từ hai lò phản ứng số 2, 3 là “không có vấn đề” và “an toàn để tiếp tục làm việc”. Ông Toshimi Kitazawa, bộ trưởng quốc phòng, cũng cho rằng khói tại lò phản ứng số 2 là hơi nóng bốc ra từ hệ thống xả nước. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy khói đen và xám ở lò phản ứng số 3 là do một số vật chất bằng cao su bị cháy sau khi nhiệt độ tăng cao ở đây.

Thế nhưng, các chuyên gia lại lo ngại phóng xạ đã theo luồng khí nóng thoát ra ngoài. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết một lượng phóng xạ gấp 1.600 lần mức bình thường được phát hiện ở thị trấn Namie, tỉnh Fukushima, chỉ cách Nhà máy Fukushima Daiichi 20km.

Trong khi công việc cứu hộ nhà máy vẫn tiếp tục diễn ra thì lo ngại cũng đang tăng lên trước nguy cơ thực phẩm bị nhiễm xạ, bất chấp sự trấn an của chính quyền. TEPCO thừa nhận có phóng xạ trong nước biển gần khu vực cống xả của Nhà máy Fukushima Daiichi. Nhưng phóng xạ trong nước biển không gây nguy hiểm tức thời đối với sức khỏe con người.

Theo Kyodo, lượng phóng xạ trong nước biển cao hơn mức an toàn 126,7 lần và lượng phóng xạ cesium vượt chuẩn 24,8 lần. Sự xuất hiện của phóng xạ trong nước biển là do có mưa nhỏ những ngày qua tại khu vực và các ống nước cứu hộ nhà máy được nối với nguồn nước biển.

Hãng tin Fiji cho biết Bộ Khoa học trong hôm nay (23-3) tiến hành kiểm tra nước biển ở tám địa điểm khác nhau cách bờ biển tỉnh Fukushima 30km.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra thông báo xác nhận “phóng xạ trong thực phẩm là nghiêm trọng hơn dự kiến ban đầu” do phóng xạ lan ra xa hơn bán kính 20-30km.

AFP cho biết dân chúng Nhật, nhất là 35 triệu người trong khu vực Tokyo, đang lo ngại gió bắc thổi qua Nhà máy Fukushima Daiichi có thể di chuyển phóng xạ xuống phía nam.

Trong khi đó, lệnh cấm vận chuyển sữa và các loại rau ăn lá nhiễm xạ từ tỉnh Fukushima và ba tỉnh khác đã được đưa ra. Tuy nhiên, chưa có phát hiện phóng xạ trong thực phẩm ở các khu vực ngoài phạm vi bị ảnh hưởng phóng xạ. Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản, ông Yukio Edano, cho biết chính quyền sẽ hỗ trợ tiền cho nông dân, căn cứ trên số lượng hàng hóa bị cấm vận chuyển.

Trung Quốc và Hàn Quốc cho biết họ sẽ kiểm tra chặt chẽ thực phẩm nhập từ Nhật Bản.

2xCZYQjp.jpgPhóng to

Chờ khách tại một nhà hàng sushi gần chợ cá Tsukiji ở Tokyo - Ảnh: Reuters

Nhiều nhà hàng Nhật Bản ở châu Á đã bỏ món sushi ra khỏi thực đơn do lo sợ khả năng hải sản tươi sống bị nhiễm xạ.

Chuỗi nhà hàng cao cấp Shangri-La Asia Ltd đã tạm thời ngừng nhập thực phẩm tươi sống từ Nhật Bản. Tập đoàn khách sạn Mandarin Oriental ở Hong Kong cũng thông báo “cho đến khi tình hình ổn định, chúng tôi tin rằng thực khách sẽ không an tâm khi dùng các thực phẩm từ Nhật Bản”.

Các hợp đồng liên quan đến các mặt hàng tươi sống (như thịt bò, hàu, bào ngư và cá) bị tạm ngưng. Một số nhà hàng khác thì yêu cầu nhà cung cấp phía Nhật Bản phải có chứng nhận nguồn gốc hàng hóa, và không xuất khẩu thực phẩm đến từ những vùng bị ảnh hưởng phóng xạ. Các chủ vựa cá thì phải thuyết minh về vùng biển sinh sống và tập tính di chuyển của mọi loại cá họ bán.

Chợ cá Tsukiji, chợ bán sỉ ở Tokyo, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cá thu, mực và nhiều loại cá khác không bán được vẫn nằm trên tàu. Một chủ vựa cá than phiền: “Chúng tôi không bán được gì vì không ai đặt hàng”.

________________

KqgcuQy9.jpgPhóng to
Phó giám đốc Tepco, ông Norio Tsuzumi (thứ hai từ phải sang) cùng các cán bộ của Tepco xin lỗi dân tại tỉnh Fukushima

Lần đầu tiên kể từ sau sự cố ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, phó giám đốc Công ty Điện lực Tokyo (Tepco), ông Norio Tsuzumi, cùng các cán bộ của công ty đã đến khu lánh nạn của người dân ở thị trấn Ookuma, thành phố Tamura (tỉnh Fukushima) để nói lời xin lỗi. “Dù chỉ một giây, chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết sức mình để có thể khắc phục tình trạng này một cách nhanh nhất” - Đài truyền hình NHK tường thuật vào chiều 22-3. 800 người dân hiện đang sống tại khu lánh nạn này.

“Chúng tôi sẽ cố gắng từng ngày để mọi người có thể trở về nhà. Đó thật sự là sự kỳ vọng của chúng tôi” - ông Norio Tsuzumi nói.

Trong khi đó, Đài truyền hình ANN cho biết tỉnh trưởng tỉnh Fukushima, ông Yuhei Sato, lại từ chối gặp giám đốc Tepco là ông Sizumi khi ông này muốn gửi lời xin lỗi đến người dân Fukushima. Trả lời phóng viên ANN, tỉnh trưởng Sato nhấn mạnh: “Việc trước tiên là phải giải quyết tình hình hiện tại càng nhanh càng tốt. Sự bất an và sợ hãi của người dân trong tỉnh đã đến giới hạn và chúng tôi không cần những lời xin lỗi”.

_________________

Tối 22-3, tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, Bộ Khoa học - công nghệ Việt Nam cho biết có thêm năm trạm quan trắc tại Mỹ phát hiện phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Một số trạm tại Malaysia và Philippines vẫn chưa phát hiện phóng xạ. Nhiều trạm quan trắc cũng phát hiện dấu hiệu phóng xạ ở Đại Tây Dương và châu Âu nhưng mức phóng xạ không gây nguy hiểm.

Tại Việt Nam, các trạm quan trắc của Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố - Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết tính đến ngày 22-3, chưa phát hiện mức tăng bức xạ bất thường trên lãnh thổ Việt Nam.

HỒNG VÂN (Theo Reuters, Kyodo)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp