Cao Văn Hiệp hiện là hướng dẫn viên người Rắc Lây bản địa duy nhất của Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh: SƠN LÂM
Gần khu vực đỉnh Núi Chúa giữa thăm thẳm rừng xanh, có những nấm mồ mà đến nay những người Rắc Lây đi ngang vẫn kính cẩn bẻ một nhành cây, nhành bông ven đường đặt xuống giữa hai tảng đá một thấp một cao, đánh dấu nơi chôn cất một người đã chết.
Làng du lịch xanh của người Rắc Lây
Cao Văn Hiệp, hướng dẫn viên 30 tuổi người Rắc Lây mà mọi người quen gọi là Út Nhỏ, cho biết đó là nơi người dân thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận đã từng sống để phát rừng, làm rẫy theo mùa mưa mà họ vẫn quen gọi là "ăn rừng theo nước trời" mỗi năm.
Thôn Cầu Gãy hiện nay nằm ven con suối Lồ Ồ, phía trên làng biển Vĩnh Hy chỉ khoảng 1km. Thôn có 92 hộ dân với gần 400 nhân khẩu, chủ yếu người Rắc Lây mang họ Cao và họ Chama Léa.
Ông Cao Văn Đen, trưởng thôn Cầu Gãy, cho biết trước khi di dời xuống đây, thôn này đã từng du cư một thời gian dài ở độ cao 400m trên sườn Núi Chúa. "Lúc đó cũng chưa có tên thôn mà hay gọi là Láng Bà Chiêu, nơi người Kinh từ phía dưới Vĩnh Hy đi lên đổi bắp, đậu vào đầu những năm 1980. Sau một cơn mưa lớn, cái cầu gỗ duy nhất qua suối Lồ Ồ vào Láng Bà Chiêu bị gãy, từ đó cái tên Cầu Gãy mới ra đời", ông Đen kể.
53 tuổi, các khớp chân bị đau khiến việc đi núi của ông Đen bị hạn chế nhiều, nhưng ký ức những ngày du cư thuở nhỏ vẫn còn in đậm. "Bắp và đậu là hai thứ mà ai cũng biết trồng. Cứ tìm thấy chỗ nào không dốc quá, dễ phát rừng thì dọn lại đốt một khoảnh rồi gieo hạt thôi. Có điều mỗi lần ăn rừng như vậy chỉ làm được một mùa từ khoảng tháng 9, tháng 10, khi bắt đầu có mưa mà chúng tôi gọi là nước trời", ông Đen kể.
Năm 1988, ông Đen là một trong ba người thôn Cầu Gãy được đi học phổ cập ở trường dân tộc nội trú do tỉnh Ninh Thuận lập ra trên vùng núi huyện Ninh Sơn. Một năm hai lớp, ông Đen thành người Rắc Lây đầu tiên của thôn "trụ" được tới lớp 6. Và ông trở thành nhân tố đầu tiên giúp Vườn quốc gia Núi Chúa tuyên truyền việc từ bỏ đốt rừng làm rẫy, tham gia vào công tác bảo vệ rừng.
Từ mười năm trước, với mục tiêu hướng cộng đồng Rắc Lây trong lòng Núi Chúa tham gia vào công tác cộng đồng, phát triển lối sống sinh thái hòa hợp với thiên nhiên, những con đường dốc quanh co trong làng đã được Vườn quốc gia Núi Chúa đầu tư xây dựng, lát đá sỏi để trở thành tour du lịch cho những du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa Rắc Lây và tham quan cảnh sắc suối Lồ Ồ.
Chương trình này đã biến đổi sâu sắc đến người dân thôn Rắc Lây. Cả thôn đến nay vẫn như một mảnh vườn sạch đẹp dưới chân núi thành điểm hút khách đi bộ tham quan. Người Rắc Lây ở đây không còn trông chờ vào "nước trời" để "ăn rừng" nữa. Những mảnh vườn từ việc đốt rừng xưa kia nay đã trả lại cho rừng tái sinh. Mười thanh niên Rắc Lây trong làng tham gia vào tổ bảo vệ rừng, hưởng trợ cấp mỗi tháng từ nguồn phí giữ môi trường mà một resort cao cấp nằm ở sườn núi nhận nước từ con suối Lồ Ồ chi trả. Họ trở thành cộng đồng nòng cốt tình nguyện giữ rừng.
Thôn Cầu Gãy được đầu tư đường lát đá sỏi sạch đẹp, trở thành tour du lịch đi bộ được nhiều du khách thích thú - Ảnh: SƠN LÂM
Gắn bó giữ rừng cho vườn quốc gia
Út Nhỏ chính là con trai đầu của trưởng thôn Cao Văn Đen. Cho đến thế hệ của mình, Út Nhỏ là một trong những người Rắc Lây hiếm hoi của thôn Cầu Gãy theo học lên đến cấp III. Học "cao nhất" trong thôn nhưng cũng không tốt nghiệp nổi phổ thông trung học, Út Nhỏ nghỉ ngang lớp 11 và tìm vào TP.HCM làm công nhân nhuộm vải, lên Lâm Đồng hái cà phê, hái hồng... rồi trở về lại thôn Cầu Gãy đào mai, hái lan rừng đem bán.
Thời điểm Út Nhỏ quay về làng cũng là lúc Vườn quốc gia Núi Chúa đối mặt rất nhiều khó khăn trong việc giữ rừng. Những nhành lan Giả Hạc, Ngọc Điểm, Cù Lao Minh... trong các rừng thường xanh ẩm thấp men theo suối cho đến những rừng mai còi cọc uốn theo đá núi, những gốc cây sam đất với bộ rễ chằng chịt tìm chút ít dinh dưỡng trên sườn núi đá khô khan đều có giá.
Út Nhỏ, với "trình độ học vấn cao" và sớm nắm bắt công nghệ, đã trở thành một đầu mối thu mua ở thôn Cầu Gãy và ngày ngày leo khắp các ngã rừng Núi Chúa tìm lan, cây cảnh. "Thời điểm lan Giả Hạc có giá, một giò lan bán tới mười mấy triệu", Út Nhỏ kể.
Nhưng mỗi khi bị kiểm lâm bắt gặp, điều Út Nhỏ sợ nhất không phải là bị phạt, mà là nỗi xấu hổ với cha mình. "Mấy anh kiểm lâm bắt gặp cũng nhiều lần tha, rồi nói cha mày là trưởng thôn, người đi vận động giữ rừng, mày lại đi phá. Mỗi lần vậy em về không dám nhìn mặt ổng luôn", Út Nhỏ cười nhớ lại.
Sau nhiều lần được người của vườn và cha mình khuyên, đến năm 2016 Út Nhỏ trở thành một trong số ít người Rắc Lây được tuyển dụng "ăn lương" của Vườn quốc gia Núi Chúa.
Anh Trần Văn Tiếp, giám đốc vườn, bật cười khi nói về Út Nhỏ: "Mình từng đau đầu với thanh niên này nhất. Út Nhỏ như thủ lĩnh của đám thanh niên nơi đây vì thông minh và khôn khéo. Kéo được Út Nhỏ làm thành viên của vườn là một thành công lớn trong việc liên kết với cộng đồng Rắc Lây thôn Cầu Gãy tiếp tục giữ rừng".
Ban đầu Út Nhỏ về làm nhân viên chạy xe điện, giữ văn phòng vườn quốc gia và kiêm luôn việc khuân vác theo các đoàn khám phá rừng quốc gia Núi Chúa. Chỉ hai năm sau những chuyến phục vụ khách đi rừng với những chuyên gia của vườn, Út Nhỏ đã được giao làm hướng dẫn viên chính.
Đến nay, Út Nhỏ cũng là hướng dẫn viên người Rắc Lây duy nhất có thể dẫn khách tham quan Núi Chúa. Không tính lương hợp đồng với vườn, mỗi một ngày dẫn khách Út Nhỏ được trả 500.000 đồng. "Nhiều anh Rắc Lây đi rừng khỏe lắm, nhưng họ ngại nói. Còn em thì học theo các anh hướng dẫn viên trước, với lại cây rừng em cũng biết nhiều. Có gì em nói đó thôi", Út Nhỏ nói gọn về nghề hướng dẫn viên của mình.
Từ những thanh niên mới lớn đến những người đã trên 50 tuổi ở thôn Cầu Gãy, khi cần Út Nhỏ đều có thể huy động làm porter cho khách tham quan. Khuân vác tối đa 30kg hành lý, tham gia nhóm lửa nấu bếp "dã chiến" trên hành trình, mỗi porter được 300.000 đồng một ngày. "Quá khỏe so với vác bao than 50kg trên núi xuống bán được chừng 400.000 đồng. Mà đa số là bị kiểm lâm bắt được", anh Chama Léa Phấn, một porter 51 tuổi ở thôn Cầu Gãy, cười xòa.
Trở thành nhân viên Vườn quốc gia Núi Chúa, Út Nhỏ được một người bạn Rắc Lây cùng làm ở đây cho số điện thoại của Chama Léa Thị Liên ở xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc, thuộc vùng đệm phía tây của Núi Chúa. Sau hai lần "ngủ thảo" theo tập quán của người Rắc Lây, Liên đã đồng ý dẫn Út Nhỏ "đi xem rẫy của mình". Đó là một hành động thay cho lời đồng ý chọn chồng của cô gái Rắc Lây.
Theo chế độ mẫu hệ, thanh niên Rắc Lây sau khi cưới phải theo về nhà vợ. Nhưng trước ngày đám hỏi, Út Nhỏ tâm sự thật tình với Liên rằng mình "không thể bỏ Vườn quốc gia Núi Chúa". Liên đã chấp nhận rời làng của mình ngược về nhà chồng. Cả hai đã có con trai 4 tuổi.
Người dân thôn Cầu Gãy ngoài mười thanh niên tham gia tổ bảo vệ rừng và có phụ cấp, đa số đều có việc phụ hồ, nhân viên trong các khu du lịch ở làng biển Vĩnh Hy. Tới mùa mưa, họ chỉ còn "ăn" thêm của rừng vài lít mật ong tự nhiên và thu hoạch trái say, một đặc sản có nhiều ở rừng Ninh Thuận để bán.
*********
Nhìn từ vệ tinh, toàn bộ khối Núi Chúa mang hình dáng như một con rùa đầu quay về hướng nam, đuôi dài sâu vào vịnh Cam Ranh. Những bãi cát ven biển dưới hình hài của Núi Chúa cũng là nơi mà rùa biển chọn làm bãi đẻ trứng.
>> Kỳ tới: Ngủ đêm trên biển canh rùa đẻ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận