Tổng thống Obama (giữa) trong lần tuần hành cùng bà Amelia Boynton Robinson (ngồi xe lăn, thứ hai từ phải sang) nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện “Ngày chủ nhật đẫm máu” tại bang Alabama - Ảnh: AFP |
Khi người Mỹ da màu tổ chức phục kích bắn hạ các cảnh sát đang làm nhiệm vụ, hầu hết các cơ quan truyền thông của Mỹ đã nói đến sự chia rẽ mang tính sắc tộc và thậm chí một số tờ báo đã nghĩ đến tình huống nội chiến tệ hại giữa hai màu da. Tờ nhật báo Wall Street Journal số ra ngày 8-7, tức một ngày sau sự kiện thảm sát cảnh sát ở Dallas, đã phải giật tựa: “Quốc gia bị chia rẽ chỉ đoàn kết trong tang thương”.
Chia rẽ hơn bao giờ hết
Nước Mỹ đang trong những ngày đau buồn, để cờ rủ trong năm ngày. Người dân đau buồn về cái chết của hai người da màu bị cảnh sát bắn bao nhiêu thì cũng thương xót bấy nhiêu cho số phận của năm cảnh sát bị một cựu binh da màu bắn hạ với động cơ trả thù “giết càng nhiều người da trắng càng tốt, đặc biệt là cảnh sát da trắng”.
Nước Mỹ đang trong những ngày đau buồn nhưng sự chia rẽ là không thể giấu giếm được. Bằng chứng là những cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra suốt hai ngày cuối tuần để chống lại tình trạng mạnh tay quá đáng của cảnh sát.
Trong tối 9 rạng sáng 10-7, hơn 200 người biểu tình đã bị cảnh sát bắt vì có hành vi chống đối lực lượng chức năng, trong đó có cả Deray McKesson, thủ lĩnh của phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen cũng đáng kể). Tại Minnesota, cuộc biểu tình đã mất kiểm soát dẫn đến xung đột khiến khoảng 20 cảnh sát bị thương.
Vấn đề hiện nay là dù các chính trị gia có nói gì, khuyên nhủ gì thì nỗi giận dữ vẫn đến từ nhiều phía. Các thành viên của Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) ủng hộ sở hữu vũ khí không hài lòng khi bị chỉ trích là bên sâu xa gây ra các vụ bắn giết nhiều người; phía người da màu đương nhiên càng không hài lòng khi nghĩ rằng mình là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc; người ủng hộ tỉ phú Donald Trump thì xoáy vào sự yếu kém của chính quyền Obama không đảm bảo an ninh cho người dân, dĩ nhiên sâu xa hơn trong nhóm này là nhắm vào bà Hillary Clinton - người được xem sẽ xây “chính quyền Obama 2.0” nếu thắng cử tháng 11 tới.
Phía ứng cử viên Đảng Cộng hòa khéo léo khoét sâu vào sự phân rã của xã hội Mỹ: “Dân tộc chúng ta đã bị chia rẽ quá mức. Quá nhiều người Mỹ có cảm giác mất đi hi vọng. Những căng thẳng sắc tộc ngày càng tồi tệ hơn.
Đây không phải là giấc mơ Mỹ mà chúng ta muốn xây dựng cho con cháu chúng ta”. Phía bà cựu ngoại trưởng Hillary Clinton chỉ có thể nói chung chung: “Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để hai bên có thể lắng nghe nhau, tôn trọng lẫn nhau”.
Oái oăm thay, chính hai ứng viên này cũng đang thể hiện sự chia rẽ của nước Mỹ. Ông Peter Hart, nhà chiến lược bên Đảng Dân chủ, đánh giá trên tạp chí Politico: “Dưới nhiều góc độ đều thấy rằng chẳng ai trong số hai ứng viên này đại diện cho mong muốn của toàn thể người dân Mỹ. Donald Trump có số cử tri của riêng mình và bà Hillary Clinton cũng thế. Nhưng không ai trong số họ đề cập đến chuyện tập hợp được lòng dân cả nước”.
Cách đây gần tám năm, khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, không ít người Mỹ da đen và nhiều người nhập cư khác nghĩ đến những viễn cảnh tốt đẹp hơn khi một người da màu có thể đứng đầu một cường quốc lớn nhất thế giới. Nhưng sau hai nhiệm kỳ của ông, dường như mọi chuyện vẫn như cũ nếu không muốn nói là có vẻ chia rẽ hơn.
Chính sự kiện tỉ phú Donald Trump - một tay mơ trong làng chính trị - nhanh chóng hạ gục các đối thủ khác bên Đảng Cộng hòa cũng phần nào là “sản phẩm” của sự chia rẽ này. Người ta rất dễ thấy rằng bản thân vị tỉ phú tóc vàng ít có thiện cảm với người nhập cư và những lá phiếu ủng hộ ông thường đến từ các nhóm có tinh thần “da trắng trên hết”.
Dẫu vậy, hôm 9-7, khi đang họp thượng đỉnh NATO tại Warsaw (Ba Lan), Tổng thống Obama vẫn khẳng định: “Nước Mỹ không chia rẽ đến mức như một số người đánh giá. Nước Mỹ có bị đau buồn, có giận dữ, có sự chưa thông hiểu nhưng cũng vẫn có sự thống nhất”.
Nửa thế kỷ ít thay đổi
Hơn một năm trước, nhân kỷ niệm 50 năm ngày chính quyền đàn áp cuộc tuần hành vì quyền công dân cho người da đen, Tổng thống Obama đã dẫn đầu đoàn tuần hành tại bang Alabama. Ông cùng vợ và hai con gái, được sự ủng hộ của cả vợ chồng cựu tổng thống George W. Bush, đã đi qua cây cầu mà nửa thế kỷ trước nhiều người da màu đã nắm tay nhau đi qua.
Ngày 7-3-1965, trên cầu Edmund Pettus bắc qua sông Alabama tại thành phố nhỏ Selma, khoảng 600 người da màu đã xuống đường đòi quyền công dân và quyền bầu cử cho người da đen ở các bang miền nam nước Mỹ. Họ đã bị cảnh sát chặn đứng bằng dùi cui và hơi cay làm khoảng 70 người bị thương, khiến sự kiện này được mang tên “Bloody Sunday” (Ngày chủ nhật đẫm máu) ghi vào sử sách của Mỹ.
Trong cuộc tuần hành ngày 7-3-2015, vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đã tuyên bố trước 40.000 người có mặt: “Nếu các bạn nghĩ rằng chẳng có gì đổi thay sau 50 năm thì hãy đi hỏi ai đó từng sống ở Selma, Chicago hoặc Los Angeles trong thập niên 1950”.
Tổng thống Obama biện luận rằng ngày nay phụ nữ da màu đã trở thành chủ doanh nghiệp trong khi nửa thế kỷ trước, vị trí cao nhất cho họ chỉ là thư ký. “50 năm sau “Ngày chủ nhật đẫm máu”, cuộc tuần hành của chúng ta chưa chấm dứt nhưng chúng ta đang đi đến gần mục tiêu. 239 năm sau ngày lập quốc, sự hợp chủng của chúng ta vẫn chưa hoàn hảo nhưng chúng ta đang tiến đến gần mục tiêu” - ông Obama kết luận.
Hình ảnh bà Amelia Boynton Robinson, một phụ nữ da đen từng tự ứng cử Nghị viện bang Alabama, bị cảnh sát đánh đập bầm giập và bị bỏ nằm bất động giữa cầu đã lên trang nhất nhiều tờ báo Mỹ và từ đó lan truyền khắp thế giới.
Sau sự kiện này, đoàn tuần hành thực hiện thêm hai cuộc nữa vào các ngày 9 và 25-3. Cuộc đấu tranh của họ đã gây được tiếng vang và đạt kết quả. Tháng 8-1965 đạo luật quyền bầu cử đã công nhận và đảm bảo quyền bầu cử cho người Mỹ da đen.
Bà Robinson đã qua đời vào tháng 8-2015 như một nữ anh hùng của nước Mỹ. Bà không còn kịp để chứng kiến hình ảnh của một nước Mỹ bị chia rẽ ở Dallas...
Ngày càng thất vọng Theo số liệu điều tra liên quan phân biệt chủng tộc do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện và công bố hồi tháng 6-2016: chỉ 46% số người Mỹ da trắng cho rằng các quan hệ sắc tộc là tốt đẹp (con số này giảm đi rất nhiều so với tỉ lệ 66% nghĩ như thế hồi mùa hè 2009, tức không lâu sau khi ông Obama nhậm chức); ở nhóm người Mỹ gốc Phi sự sụt giảm niềm tin còn thê thảm hơn: chỉ 34% cho rằng quan hệ còn tốt, trong khi con số hồi tháng 6-2009 là 59%. |
_______________
Kỳ tới: Những người không sống quá tuổi 35
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận