Năm 2025 đến với những hứa hẹn đổi thay. Việt Nam quyết tâm mở ra một kỷ nguyên mới với vị thế là bạn với cả thế giới, là đối tác chiến lược toàn diện với nhiều cường quốc.
Thế nhưng 2025 cũng đến với nhiều nguy cơ, kể cả nguy cơ đối với cuộc sống yên bình của đất nước ta trong nửa thế kỷ qua. Hòa bình - Văn minh - Thịnh vượng - Toàn cầu hóa, những giá trị cao cả của loài người mà toàn thế giới bao năm qua cùng nắm tay nhau xây dựng, cùng nhau bước tới trên đường phát triển, lại đã và đang bị phá hủy ở nhiều nơi, đe dọa lan rộng ra những khu vực khác.
Nửa thế kỷ, người Việt Nam chưa thể quên chiến tranh, lại càng thấm thía giá trị của hòa bình…
Hòa bình - cơ hội của mọi người
Năm 1975, tôi đang học tiếng Đức tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội để chuẩn bị đi học luật ở CHDC Đức. Sáng 30-4-1975, chúng tôi vào lớp học, tin quân giải phóng sắp vào đến Sài Gòn vang lên khắp phố phường Hà Nội.
Chúng tôi xôn xao, không thể tập trung khiến thầy giáo người Đức thông cảm, cho lớp tạm nghỉ. Qua trưa, đài Hà Nội phát lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, tổng thống chế độ Sài Gòn. Cả lớp reo lên, sung sướng đến ngây ngất, hạnh phúc tột cùng. Hòa bình cuối cùng đã đến.
Với tôi, hòa bình là tia hy vọng mong manh đang vụt sáng. Tôi sẽ được về lại Sài Gòn, sẽ gặp lại má tôi, một cán bộ kháng chiến đã hoạt động bí mật suốt 20 năm qua và những đứa em yêu thương đã hơn 10 năm không tin tức.
Những ngày sau, bọn học sinh quê miền Nam chúng tôi chẳng còn tâm trí học hành, chỉ bàn chuyện trở về quê để gặp lại gia đình.
Chúng tôi đã được đưa ra Bắc để học và đào tạo chuyên môn để trở về xây dựng miền Nam sau khi nước nhà thống nhất, đứa nào cũng xa gia đình nhiều năm không tin tức và không ít đứa - như tôi - có cha hay mẹ, hay cả hai là liệt sĩ.
Hòa bình với chúng tôi nghĩa là còn cơ hội gặp lại những người thân sống sót sau cuộc chiến, gặp lại quê hương.
Miền Nam ngổn ngang tâm trạng nhưng hòa bình chỉ một. Những người như chúng tôi, về quê trong "Cờ sao đang tung bay cao/ Qua hết rồi những năm thương đau/ Xa ba mươi năm nay đã gặp nhau vui sao nước mắt lại trào…" (Xuân Hồng).
Những người bên kia chiến tuyến buộc phải hạ vũ khí cũng nhẹ lòng "Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn/ Anh trở về quê, tìm tuổi thơ mất năm nao/ Bếp ai lên khói ấm tình thương/ Bát cơm rau thắm mối tình quê/ Có con trâu, có nương dâu/ Thiên đường này mơ ước bao lâu…".
Từ Đài phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cất tiếng hát: "Rừng núi dang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ Mặt đất bao la anh em ta về/ Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm nối trọn một vòng Việt Nam".
Không người Việt yêu nước nào không chia sẻ niềm hạnh phúc dâng trào khi cuộc chiến tranh dài nhất, ác liệt nhất trong lịch sử dân tộc chấm dứt.
Tôi thuộc lớp người trải qua một phần tuổi thanh xuân trong chiến tranh, nửa thế kỷ đã qua nhưng ký ức không phai.
Nỗi nhớ người thân, những trận đói, cơn sốt rét rừng, những cơn mưa bom B52 trút lên đầu, trận càn pháo bắn như vãi trấu, chà nát rừng chiến khu. Đồng đội có người bị tù đày, tra tấn, có người trúng bom đạn ngã xuống, có người bệnh tật vùi xác trong rừng sâu.
Người còn sống luôn chuẩn bị sẽ đến lượt mình, nhưng cũng đau đáu niềm hy vọng được chứng kiến hòa bình, được sống cuộc sống bình thường: gặp lại người thân, đi học, đi làm, lập gia đình, nuôi dạy con cái.
Mỗi ngày trôi qua đều là nỗ lực chịu đựng khó khăn, vượt qua nỗi sợ, gắng sức làm tròn nhiệm vụ và… mong sống sót. Tương lai của đất nước với chúng tôi ngày ấy chỉ là những tưởng tượng xa xôi, đẹp đẽ đọc trong sách báo. 30-4-1975 - hòa bình - cuộc sống bình thường của chúng tôi mới bắt đầu.
Dựng lại Việt Nam
Thế hệ gen X (sinh ra giữa những năm 1965 đến 1980) chắc chắn chưa quên những bữa ăn thường ngày của thời bao cấp và đầu đổi mới: bo bo, cơm độn mì là thường xuyên, thịt cá là món hiếm và xa xỉ.
Từ bàn chải, kem đánh răng, xà bông cho đến đường, nước mắm và tất nhiên quần áo, vở học trò, phụ tùng xe đạp, dầu lửa… đều được cung cấp hạn chế bằng tem phiếu hay phải bắt thăm trúng mới có.
Ngay ở các đô thị lớn, điện cúp thường xuyên, luân phiên hay đột xuất.
Những chiếc xe đò nối liền Sài Gòn với Cần Thơ, Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt chạy bằng than, đêm xuống thì buộc hai bó nhang cháy đỏ đằng trước để xe ngược chiều nhìn thấy mà tránh...
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày 30-4-1975 lịch sử nhưng đất nước chỉ có gần 40 năm thực sự yên bình để dựng xây.
Bất chấp những trở lực từ bên ngoài, vượt qua những sai lầm, vấp váp nội tại, với quyết tâm đổi mới, toàn đất nước đã đạt được những thành tựu phát triển mà 40 năm trước, nhiều người Việt và cả quốc tế không thể hình dung.
Từ hoàn cảnh lương thực không đủ ăn, chỉ sau hai năm thay đổi phương thức sản xuất, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu gạo từ 1988. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 1986 chỉ 2,9 tỉ USD, đến nay đã đạt gần 800 tỉ USD, tăng 267 lần.
Xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đứng số 1 thế giới về hồ tiêu; số 2 thế giới về gạo, cà phê, da giày; thứ 3 thế giới về dệt may, thủy sản; thứ 5 thế giới về đồ gỗ; thứ 12 thế giới về điện tử. Việt Nam đã vào trong nhóm 21 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Kinh tế phát triển, thu nhập của người dân được cải thiện, cho dù dân số đã tăng từ 50 triệu năm 1975 lên đến 100 triệu năm 2023. 36 năm tiến hành đường lối đổi mới, GDP Việt Nam đã tăng gấp 50 lần, đạt khoảng 406,45 tỉ USD, thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 235 USD năm 1986 lên khoảng 4.622 USD năm 2025.
Thành tựu kinh tế đã giúp Việt Nam thực hiện thành công chương trình và mục tiêu xóa đói giảm nghèo theo các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam đã tám lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp giảm nghèo, là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều.
Sau năm 1975, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có lúc bị cô lập trong quan hệ đối ngoại.
Cho đến năm 2023, nước ta đã có quan hệ ngoại giao và quan hệ đối ngoại với 193 nước và vùng lãnh thổ, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Úc và Pháp, quan hệ đối tác chiến lược với những nền kinh tế phát triển cao như Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Úc, New Zealand và năm quốc gia phát triển hàng đầu của ASEAN như Singapore, Indonesia, , Thái Lan và Philippines.
Đó là những động lực và điều kiện bên ngoài bổ sung, tăng cường cho việc xây dựng nội lực, năng lực tự chủ của Việt Nam để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc.
Vị thế của Việt Nam ngày nay thể hiện rõ nhất qua lời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 25-9-2024 tại Washington D.C., khẳng định: "Mỹ ủng hộ một Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường, thịnh vượng" và sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, để quan hệ Mỹ - Việt Nam tiếp tục là hình mẫu cho sự hàn gắn và hợp tác kiến tạo tương lai".
Từng là cựu thù, từng tuyên bố sẽ tìm mọi cách xóa sổ chế độ xã hội chủ nghĩa và đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, Mỹ đã trở thành bạn và đối tác chiến lược toàn diện, tôn trọng thể chế chính trị do Đảng Cộng sản lãnh đạo của Việt Nam.
Vươn mình đón kỷ nguyên số
Thế giới đã phát triển quá nhanh. Nhờ vào thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, các nước phát triển đã bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số với những tốc độ khác nhau. Sau gần 40 năm hội nhập quốc tế sâu rộng, là một nước đang phát triển, chúng ta cũng đã đi những bước đầu tiên vào kỷ nguyên số.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2020 - 2030 thông qua tại Đại hội Đảng XIII đã xác định: "Phát triển mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, tổ chức xã hội và quản lý tài nguyên quốc gia…".
Làm rõ hơn nội hàm của giai đoạn kỷ nguyên số ở Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm phân tích: "Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - "phương thức sản xuất số", trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.
Sự thay đổi trong quan hệ sản xuất sẽ tác động mạnh đến kiến trúc thượng tầng, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa Nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội".
Tổng Bí thư xác định: "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược để đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là
Đại hội XIV của Đảng, từ đây mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh".
Ông đề ra những định hướng chiến lược để đất nước đạt được đích đến trong kỷ nguyên vươn mình: cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân - do dân - vì dân; tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số; chống lãng phí; công tác cán bộ; phát triển kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình.
Hai nhân tố quyết định thành bại trong các chỉ đạo này là vai trò của nhân dân và cán bộ. Ông nhấn mạnh: "Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Nhân dân là trung tâm, chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng.
Mọi sự phấn đấu của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị chỉ có ý nghĩa khi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc". Và: "Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề rất trọng yếu, quyết định mọi việc, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng".
Ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc nhớ đến hai vị công thần của thời Hậu Lê với những lời bất hủ. Nguyễn Trãi, trong bài thơ Quan hải (Đóng cửa biển) có câu: "Phúc chu thủy tín dân do thủy" - Thuyền bị lật mới tin câu nói "dân như nước".
Tiến sĩ Thân Nhân Trung, cận thần của vua Lê Thánh Tông, trong tấm văn bia đầu tiên đề danh tiến sĩ năm 1442 đã viết: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà vươn cao hưng thịnh.
Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Vì thế các bậc thánh đế, minh vương không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp đầu tiên…".
Trong kỷ nguyên số, một dân tộc muốn giữ được độc lập, tự do thì phải có hòa bình, có "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", con đường phát triển không tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại.
Kỷ nguyên số là thời cơ không đến hai lần để dân tộc ta vươn mình thực hiện trọn vẹn di huấn của Bác Hồ: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu".
Việt Nam đã là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng của khu vực và thế giới, như Liên hợp quốc (UN), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại hội đồng liên nghị viện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...
Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm gần 90% GDP thế giới, tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương (trong đó có 17 FTA).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận