19/03/2022 19:18 GMT+7

Nữ văn sĩ Isabelle Müller tiếp tục câu chuyện của phượng hoàng

TRẦN MẶC
TRẦN MẶC

TTO - Ngày 19-3, độc giả Việt Nam đã có cơ hội gặp lại nhà văn gốc Việt Isabelle Müller trong buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm "Con gái của chim phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi" tại đường sách TP.HCM.

Nữ văn sĩ Isabelle Müller tiếp tục câu chuyện của phượng hoàng - Ảnh 1.

Nhà văn Trầm Hương đánh giá cao sự mạnh mẽ và lòng dũng cảm của tác giả Isabelle Müller (trái) trong quyển sách mới - Ảnh: TRẦN MẶC

Cách giờ sự kiện diễn ra còn hơn ba mươi phút nhưng Isabelle Müller đã có mặt. Bà mang nét đẹp rất Tây, nhưng phảng phất vẫn là một chút gì đó rất thuần Việt, có lẽ là do chiếc áo dài bà mặc.

Đến tham dự buổi ra mắt sách còn có bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó chủ tịch nước, chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính; ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở TT-TT TPHCM; nhà văn Trầm Hương, nhà văn Hoài Hương, cùng đông đảo bạn đọc.

Dũng cảm chiến đấu với cái ác

Phát biểu trong buổi giao lưu, bà Trầm Hương - phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - không nén được sự tán thưởng dành cho tác giả: "Isabelle là một người phụ nữ rất Việt. Khi chị về Việt Nam, chúng tôi đón chị như một người con của Việt Nam thân thiết tự bao đời. 

Isabelle không chỉ dành tình yêu cội nguồn để viết nên Loan mà còn là sự dũng cảm để chiến đấu với những cái ác. Isabelle đã dũng cảm để viết ra quyển sách mà chúng ta đã đọc, để cứu rỗi những đứa trẻ là nạn nhân của nạn bạo hành mà bản thân chị là một trải nghiệm. Mặc dù chị đã phải đánh đổi bằng sự đớn đau, bằng cả một quá trình chiến đấu và giằng xé".

Sau cuốn sách Loan: Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng ra mắt tại Việt Nam từ năm  2018, Isabelle Müller trở lại với độc giả Việt Nam qua lời kể của một đứa con, mà hơn hết là một hành trình vượt lên những thách thức số phận từ chính trải nghiệm của nhà văn.

Con gái của chim phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi là câu chuyện viết về chính bà, một người phụ nữ mang trong mình dòng máu lai Việt - Pháp. Bà lớn lên ở một vùng quê Pháp nghèo khó, chịu đựng người bố tàn bạo và một môi trường phân biệt chủng tộc nặng nề. 

Nữ văn sĩ Isabelle Müller tiếp tục câu chuyện của phượng hoàng - Ảnh 2.

'Con gái của chim phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi (NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành, năm 2022) là hành trình vượt qua số phận - Ảnh: TRẦN MẶC

Những khó khăn từ đời sống bên ngoài, và cả tác động từ gia đình bên trong tưởng như đã có thể giết chết một con người, nhưng Isabelle Müller không khuất phục mà mạnh mẽ vùng lên, trở thành một người thành công và mang năng lượng tích cực đến cho người khác.

Nhà giáo dục Bùi Trân Phượng, một độc giả của Isabelle Müller, chia sẻ: "Cái hay của quyển sách là sự chân thật của một đời người. Tôi thích tác giả này bởi vì cô có một cái nhìn của sự tường thuật và phân tích. Cách viết của tác giả thuyết phục người ta bởi sự chân thật, đồng thời cũng có những góc nhìn riêng. Phụ nữ nhìn phụ nữ, một cái nhìn kết hợp từ bên trong ra bên ngoài".

Giản dị và chân thật

Khi được hỏi về cái tên phượng hoàng được sử dụng trong tựa đề hai quyển sách, Isabelle Müller cho biết: "Các quốc gia châu Á như Việt Nam đều có một niềm tin tưởng đối với chim phượng hoàng. Nhưng làm phượng hoàng thì không dễ. 

Phượng hoàng cần có khả năng bên trong, và phải chịu được những thứ áp lực có thể giết chết mình. Khi nó không chết đi sẽ trỗi dậy rất mạnh mẽ. Phượng hoàng vỗ cánh từ những đám tro tàn".

Và Isabelle là một ví dụ cho sự tái sinh của phượng hoàng.

Với sự tức giận và lòng hận thù ta phá bỏ mọi thứ, nhưng với đức kiên nhẫn và tình yêu ta có thể xây dựng một ngôi đền từ hư vô.

Isabelle Müller

Nữ văn sĩ Isabelle Müller tiếp tục câu chuyện của phượng hoàng - Ảnh 4.

Độc giả thẳng thắn đặt câu hỏi về vấn đề bạo hành và cách nhà văn tìm thấy hạnh phúc từ khổ đau - Ảnh: TRẦN MẶC

Quyển sách lần này vẫn mang một giọng kể giản dị và chân thật. Isabelle Müller không giấu giếm những góc khuất đã trải qua. Bà chia sẻ rằng nói về chuyện này "như cởi hết đồ trên người trước mặt người khác". 

Có người sẽ đánh giá, và có người sẽ chấp nhận. Nhưng sau cùng, cơ thể này vẫn là của mình. Nó thuộc về mình và mình được quyền quyết định nói lời từ chối, được quyền phải lên tiếng cho chuyện này.

Ngoài kể lại câu chuyện của mình, Isabelle Müller còn gửi gắm một thông điệp dành cho những người phụ nữ, những người không dám đứng lên giành tiếng nói. Bà mong họ sẽ có niềm tin nói lên tiếng nói của mình thông qua việc nhìn vào trải nghiệm mà bà đã viết, từ đó vượt qua những điều buồn bã trong cuộc sống.

Về con đường tương lai, Isabelle nói dù không biết mình sẽ đi đâu nhưng bà vẫn rất lạc quan, không ngừng tiến bước về phía trước. Isabelle mong rằng tâm hồn của mỗi người sẽ có một đền thờ được xây dựng bằng sự kiên nhẫn và tình yêu.

Isabelle Müller: Mẹ là người đáng để thế giới biết đến Isabelle Müller: Mẹ là người đáng để thế giới biết đến

TTO - Isabelle Müller - người phụ nữ đang chảy dòng máu của một người mẹ Việt Nam tên Đậu Thị Cúc (tự Loan) - từ năm 2016 đã lập Quỹ từ thiện LOAN Stiftung, dốc lòng cho những dự án giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng núi miền Bắc Việt Nam.

TRẦN MẶC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp