TS Nguyễn Thị Hiệp (thứ hai từ phải sang) làm việc cùng sinh viên trong phòng thí nghiệm - Ảnh: T.H.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, giảng viên tại bộ môn kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), trò chuyện với Tuổi Trẻ sau khi cuộc thi Giải thưởng khoa học ASEAN - Mỹ 2017.
Cuộc thi do ASEAN, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Công ty UL tổ chức, quy tụ hơn 60 nhà khoa học nữ ở khu vực ASEAN.
Bà Jane Bocklage - phó đại diện thường trú Phái đoàn Mỹ tại ASEAN, cho biết Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp được chọn là người thắng cuộc vì những nghiên cứu xuất sắc của cô trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh.
"Nghiên cứu phát triển vật liệu y sinh của cô có thể tạo điều kiện cho người dân Việt Nam và các nước ASEAN sử dụng các giải pháp chăm sóc tại nhà, từ đó giúp giảm áp lực lên các hệ thống y tế đô thị", bà Jane Bocklage nói.
Chia sẻ về giải thưởng vừa được trao, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp cho biết:
Đây là cuộc thi dành cho các phụ nữ dưới 40 tuổi làm nghiên cứu khoa học trong khu vực ASEAN, nhằm tôn vinh những cá nhân đã có đóng góp tích cực trong lĩnh vực khoa học để khuyến khích và tạo động lực cho các nhà khoa học nữ khác trong khu vực.
Lúc biết mình là người thắng giải, tôi rất vui mừng vì mang lại danh dự cho đất nước, nhưng cũng ngạc nhiên vì thời gian tôi chuẩn bị cho cuộc thi khá gấp gáp.
Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân mình thắng là do tôi đã xây dựng chuyên ngành y học tái tạo cho hai bộ môn kỹ thuật y sinh tại hai đơn vị là Trường ĐH Soonchunhyang (Hàn Quốc) lúc tôi còn học tiến sĩ và Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Có lẽ đó là điều gây ấn tượng cho ban tổ chức giải thưởng.
Bên cạnh đó, tôi cũng thường tham gia các hội nghị, hội thảo dành cho phụ nữ để nói về những vấn đề mà phụ nữ phải vượt qua và điều kiện cần thiết khi làm khoa học.
* Cuộc thi này tập trung đề cao giải quyết các thách thức của quá trình đô thị hóa nhanh chóng tại ASEAN. Theo chị, đô thị ở Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức gì, và nghiên cứu của chị cung cấp giải pháp gì cho các thách thức đó?
- Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, cũng như nhiều nơi khác, đang phải đối mặt với một thách thức khá nặng nề là việc truyền nhiễm bệnh.
Thực tế cho thấy TP.HCM là một thành phố đang rất phát triển và là nơi có những bệnh viện chữa trị bệnh hiệu quả. Điều này tạo nên hiện tượng người dân ở các địa phương khác đổ xô vào các bệnh viện của thành phố để được khám chữa bệnh, mặc dù có nhiều trường hợp không cần phải như vậy.
Việc này có thể làm tăng nguy cơ truyền nhiễm bệnh từ những bệnh nhân này sang những bệnh nhân khác, do đó có thể gây nguy hiểm hơn cho bệnh nhân.
Mặt khác, sự di chuyển ồ ạt của người từ địa phương khác về cư trú ở thành phố cũng tạo nên những nguy cơ tăng trưởng các loại vi khuẩn truyền nhiễm.
Người dân ở các địa phương khác nhau có cơ địa khác nhau, trong khi đó một loại vi khuẩn khi được lây lan sang nhiều cơ thể khác nhau, nhiều cơ địa khác nhau sẽ trở nên khó tiêu diệt hơn, từ đó tạo ra những ổ bệnh khó giải quyết.
Một trong những giải pháp cho chuyện này là làm giảm áp lực lên các bệnh viện ở thành phố. Hiện tại, một công trình mà bộ môn chúng tôi đang thực hiện là nghiên cứu những thiết bị y tế có thể chẩn đoán bệnh từ xa và theo dõi bệnh nhân tại nhà mà chúng tôi gọi là thiết bị viễn y.
Khi tiến hành đo các dấu hiệu sinh tồn như huyết áp, nhịp tim, nhịp thở cho bệnh nhân, dữ liệu đo được từ các máy đó sẽ truyền về điện thoại cầm tay, trang web của bệnh nhân và bác sĩ hay máy chủ ở bệnh viện, bác sĩ nhìn vào sẽ có thể chẩn đoán bệnh nhân đang bị gì, nên uống thuốc gì hay dùng vật liệu gì để chữa trị.
Nếu thấy không nguy hiểm, bệnh nhân sẽ được khuyên ở nhà chữa trị chứ không cần phải đến bệnh viện.
Bộ môn còn đang định hướng mô hình này đến đối tượng hải quân, người dân sinh sống ở ngoài đảo, ngư dân trên biển... Họ cần biết cần mang theo những gì để khi có vấn đề thì bác sĩ sẽ có lời khuyên chữa trị kịp thời nhất.
* Được tôn vinh tại một giải thưởng khoa học dành cho phụ nữ, chị có thể chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi của nữ giới khi làm khoa học?
- Như những phụ nữ khác, bổn phận gia đình đối với tôi rất thiêng liêng và nặng nề. Nhưng ngược lại, gia đình mang đến cho tôi sự cân bằng và động lực giúp tôi phấn đấu cho công việc hơn. Tôi đã từng có lúc tập trung 100% vào công việc, nhưng chỉ vài tuần là tôi thấy mình bị bão hòa.
Một thuận lợi khác cho nữ giới là họ có được sự mềm mỏng, nhạy cảm, nhẫn nại cần thiết giúp giải quyết được nhiều vấn đề hiệu quả hơn. Tôi cũng có cái may mắn là được các đồng nghiệp nam giới nhường nhịn và ưu ái.
TS Nguyễn Thị Hiệp tốt nghiệp ngành hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên và nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường ĐH Soonchunhyang (Hàn Quốc). Năm 2012, chị bắt đầu giảng dạy tại bộ môn kỹ thuật y sinh.
TS Nguyễn Thị Hiệp có hơn 10 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào mô.
Hiện chị có 26 công bố khoa học thuộc hệ thống ISI, 6 công bố khoa học thuộc các tạp chí quốc tế, 6 bài báo trong nước và hơn 40 bài báo khoa học trong các hội nghị quốc tế.
(Nguồn: website Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận