21/04/2019 11:43 GMT+7

Nữ tiến sĩ đi học lần đầu ở tuổi... 17

NGUYỄN BÍCH LAN
NGUYỄN BÍCH LAN

TTO - Thật khó tin ở một đất nước có nền giáo dục ưu việt như Mỹ, một cô gái mới đi học lần đầu ở tuổi 17. Càng khó tin hơn, sau 10 năm từ khi đi học, cô giành học vị tiến sĩ sử học của Đại học Cambridge và được tỉ phú Bill Gates đặc biệt khen ngợi.

Nữ tiến sĩ đi học lần đầu ở tuổi... 17 - Ảnh 1.

Cô Tara Westover - Ảnh chụp màn hình The Australian

Tôi bắt đầu trải nghiệm lợi thế lớn nhất của tiền bạc: cơ hội để nghĩ về những điều ngoài tiền. Các giáo sư của tôi đột ngột trở thành tâm điểm; cứ như thể trước khi có khoản trợ cấp tôi nhìn họ qua ống kính bị mờ. Các cuốn sách giáo khoa của tôi bắt đầu trở nên có thể hiểu được...

Tara miêu tả cảm giác sau khi cô không phải lo tiền học.

Tara Westover sinh năm 1986 ở bang Idaho, nước Mỹ, là một cô bé hoàn toàn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và thông minh. Gia đình cô sống trên sườn đồi tiếp giáp với ngọn núi mà cô gọi là "núi Buck". 7 anh chị em cô từ bé đã kiếm được những đồng tiền nhỏ bằng việc lượm sắt từ bãi phế liệu đầy nghẹt những chiếc xe hơi hỏng bị vứt bỏ dưới chân núi.

Gia đình cô không giàu có nhưng chưa lúc nào rơi vào cảnh túng quẫn. Tuy nhiên, Tara cũng như hầu hết các anh chị của cô không được đến trường bởi bố cô, một tín đồ của giáo phái Mặc Môn, không tin tưởng hệ thống trường công, và cho rằng trường học sẽ khiến các con ông xa rời Chúa.

Cảm hứng từ anh trai

Ở Mỹ, có những cha mẹ không cho con mình đi học mà dạy con tại nhà, nhưng cha mẹ của Tara để cho các con mình tự kiếm được chữ nào hay chữ đó, hoặc có dạy cũng chỉ dạy được chăng hay chớ, rồi "lùa" chúng ra bãi phế liệu.

Tara từng nghĩ mình sẽ mãi mãi ở núi Buck, lấy chồng và sống trên khoảnh đất cha mẹ cô cho như người chị gái của cô, nếu như trong cái thế giới nhỏ của gia đình cô không có một người anh trai, ngày làm việc trên bãi phế liệu, tối miệt mài đọc sách. 

Cho đến khi người anh đó quyết định dự kỳ thi ATC (tương đương với kỳ thi tốt nghiệp trung học), và rời nhà đi học đại học, khát vọng đến trường của Tara thực sự bùng lên.

Sau khi suýt mất mạng do sự cẩu thả của người cha, trong khi hai cha con chuyên chở phế liệu, Tara quyết định đi thi như anh mình. Lái xe 40 dặm để mua cuốn sách luyện thi ATC, Tara dành tất cả những khoảng thời gian cô gom góp được giữa những giờ lượm phế liệu và giúp mẹ làm thảo dược để tự học, tự ôn thi, tự "dắt" mình qua mê cung rối rắm của những kiến thức lạ lẫm. 

17 tuổi, bước chân vào phòng thi cô không biết làm gì với tờ giấy được phát, và chỉ bắt đầu làm bài sau khi được giám thị hướng dẫn cách sử dụng tờ giấy thi.

Lần thi thứ nhất cô chỉ được 22 điểm cho 4 môn, nhưng đó là một kết quả kỳ diệu đối với cô, một người không được học. Lần thi thứ hai cô đạt 28 điểm, đủ điểm đỗ vào Đại học Brigham Young, thuộc bang Idaho.

Cô nhập học với vài trăm USD mà cô tích cóp được qua những ngày gom phế liệu. Khi mới nhập trường, toàn bộ nỗi lo của cô là làm sao có thể "qua" được một kỳ học, khi mà cô chẳng biết gì về những điều các giáo sư nói đến, thậm chí trong suốt cả tháng trời cô cứ nghĩ châu Âu là một quốc gia. 

Cô xấu hổ và bàng hoàng khi nhận ra những lỗ hổng kiến thức khổng lồ của mình và lao vào học. Ngày nào cũng như ngày nấy, cô học đến 2h sáng để cố lấp các lỗ hổng ấy cho đến khi cô nhận ra mình gặp phải một trở ngại lớn hơn.

Tara kể về những ngày đó: "Tôi đã lo rằng mình có thể không qua được các môn học, nhưng sau khi đã trả học phí, tiền thuê nhà, tiền mua thức ăn và sách vở, tôi bắt đầu nghĩ rằng dù có thi đỗ tất cả các môn thì tôi cũng sẽ chẳng thể học tiếp được vì một lý do hiển nhiên: Tôi không lo nổi tiền học".

Suốt năm thứ nhất ở trường đại học cô cứ đánh vật với "hai gã khổng lồ" là tiền và những lỗ hổng kiến thức. Số tiền học bổng bán phần có được nhờ nỗ lực học tập phi thường của Tara chẳng giúp cô trụ được bao lâu. Vừa làm chân bảo vệ của một tòa nhà, vừa lau dọn nhà thuê Tara mới có đủ tiền để trang trải cho một năm học.

Nữ tiến sĩ đi học lần đầu ở tuổi... 17 - Ảnh 3.

Tỉ phú Bill Gates (trái) khen ngợi quyển tự truyện của Tara - Ảnh: misspennystocks

Bước ngoặt

Nhờ một vị giám mục giàu lòng quan tâm và nhờ áp lực từ một đợt đau răng khủng khiếp, Tara đã dẹp lòng tự trọng và niềm tin tôn giáo mà bố cô đã gieo vào cô sang một bên để xin một khoản trợ cấp của chính phủ dành cho các sinh viên gặp khó khăn.

Không phải lo về tiền, Tara có thể tập trung vào việc học. Những khả năng trong con người cô được đánh thức, suy nghĩ độc đáo của cô tìm được "đường ra". Những bài luận của cô khiến các giáo sư chú ý. 

Cô giành được học bổng Gates cho chương trình đào tạo năm cuối của bậc đại học tại Trường Cambridge của Anh và giành tiếp học bổng cao học, tiến sĩ tại đại học danh tiếng này. Cô chính thức đạt học vị tiến sĩ chuyên ngành nghiên cứu sử học của Đại học Cambridge vào năm 2014. Công trình nghiên cứu về lịch sử giáo hội Mặc Môn của cô là những góc khám phá mới mà chưa một ai từng khai thác.

Trong suốt hành trình giáo dục có một không hai của Tara, trở ngại lớn nhất đối với cô không phải là sự thiếu thốn về tài chính hay những thách thức của việc "học đuổi", học để lấp những lỗ hổng kiến thức, mà là những cuộc đấu tranh về tinh thần âm thầm và khốc liệt cho quyền được học của một con người trong thế giới văn minh.

Kể từ khi cầm cuốn sách tự học, cô luôn ở trong trạng thái dằn vặt hoặc đối đầu với những người thân của mình. Cô luôn ý thức được rằng cô theo đuổi việc học nghĩa là đi ngược lại ý muốn của cha mình, phản bội gia đình.

Cô đã bị anh trai mình bạo hành chỉ vì cô dám bước chân ra thế giới bên ngoài. Đỉnh điểm của sự dằn vặt là quãng thời gian cô làm nghiên cứu tại Đại học Harvard, khi cô bị bố mẹ cho là bị quỷ ám vì dấn sâu vào con đường học hành như thế. Tuần nào cũng có lần cô bật dậy giữa đêm khuya, la hét chạy như điên dại trên phố. Cô thậm chí đã phải tìm đến chuyên gia tâm lý.

Tara đã lựa chọn bước ra thế giới, chọn sống cuộc đời mà cô muốn, chọn trau dồi giáo dục cho bản thân, dù như thế cô phải trả giá bằng việc bị gia đình ruồng bỏ.

Tự truyện của Tara xuất bản tiếng Việt

Sau khi cô giành học vị tiến sĩ của Trường Cambridge, các giáo sư của cô, những người coi cô là "vàng ròng", khuyên cô nên viết tự truyện kể về cuộc đời đặc biệt của mình. Và cuốn tự truyện Educated ra đời. Chỉ 6 tháng sau khi phát hành, cuốn tự truyện của Tara đã bán được tới hơn 600.000 bản, đứng số 1 trong danh sách Sách bán chạy của New York Times, được bầu là cuốn sách số 1 của Amazon năm 2018.

img_4111 2(read-only)

Bìa tự truyện Educated (Được học) của Tara Westover - Ảnh: misspennystocks

Tỉ phú Bill Gates sau khi đọc xong cuốn sách của Tara đã thốt lên: "Cuốn sách này hay hơn người ta nói về nó nhiều".

Cuốn tự truyện này được Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành vào tháng 4-2019 với tên tiếng Việt Được học, buổi ra mắt sách được tổ chức tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM chiều 20-4.

NGUYỄN BÍCH LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp