Phóng to |
Trần Hoàng Khánh Vân (bìa phải) khen thưởng các đơn vị xuất sắc hoạt động Đội và công tác thiếu nhi của quận - Ảnh: Q.L. |
Nhiều khi chính Vân cũng không tự trả lời được câu hỏi vì sao lại trở thành cán bộ Đoàn. “Chỉ biết là càng làm càng thấy trăn trở, thêm gắn bó với công việc” - Vân cho biết.
1. “Nếu cứ sợ làm cái gì cũng sai thì biết bao giờ mới là đúng, tôi chọn cách phải làm trước đã, phải qua thử thách mới biết mình làm được đến đâu”. Vân nói làm phong trào đâu phải khi nào cũng đọc trước được kết quả, nhưng phải đối mặt với câu hỏi “hiệu quả đến đâu” ngay khi vừa lên kế hoạch trở thành điều thường nhật.
Để có con đường hoa Lê Hồng Phong ngay trước trụ sở quận đoàn hồi tết rồi, Vân “xấc bấc xang bang” đến vài tháng. Bảo vệ ý tưởng, chờ đợi cấp phép và kinh khủng nhất là khoản tiền hơn 1,3 tỉ đồng chi phí hoàn toàn tự vận động, không nhờ một đồng ngân sách. “Nhưng vui lắm, ít ra cũng có thêm sân chơi cho bà con, nhất là những bạn trẻ không có điều kiện về quê đón tết”, Vân nói. Ngày sách thế giới, Khánh Vân lại cùng anh em hì hục cả ngày trong công viên Lê Thị Riêng với hội sách. Ấy là hội sách đầu tiên của một cơ sở Đoàn, chẳng dính dáng gì đến sản xuất, kinh doanh sách.
Hai trong bốn tuần làm việc hằng tháng được Vân dành cho hoạt động cơ sở. Có khi chỉ là lân la đâu đó trong những khu vực đông sinh viên, công nhân từ các tỉnh đến trọ học và làm việc. Cũng nhờ vậy mà khi giá cả dồn dập lên, cuộc vận động không tăng giá nhà trọ, điện nước của quận đoàn lập tức nhận được sự đồng lòng của hơn 100 chủ nhà trọ.
2. Khánh Vân từng học Đại học Ngoại ngữ - tin học TP.HCM và đã hoàn thành cử nhân chính trị, bảo vệ thạc sĩ chuyên ngành kinh tế trong một chương trình hợp tác với nước ngoài. Có nhiều lựa chọn, ai cũng nghĩ cô bạn đương nhiên theo con đường làm kinh tế chứ mấy ai nghĩ rẽ hướng làm cán bộ Đoàn. Lý giải theo cách của Vân chắc là cơ duyên, vì chẳng biết run rủi thế nào lại về làm phó bí thư Đoàn phường 6 sau khi tốt nghiệp đại học.
Hồi đó Vân đứng ra “chủ xị” thành lập hợp tác xã thanh niên làm kinh tế tại phường mình. Đến nay, không ít hợp tác xã cùng thời ngắc ngoải thì hợp tác xã của Vân thành lập vẫn ăn nên làm ra. Bài học cô bạn ấy rút ra là nhiệt tình thôi chưa đủ, ít ra phải có chút kiến thức cơ bản về kinh tế, quản lý dù là làm kinh tế với bất cứ góc độ nào chăng nữa.
Nhiều năm làm công tác thanh niên, bài toán hóc búa nhất với Vân vẫn là tập hợp thanh niên mà đi mãi chưa tìm ra lời giải. “Hiện tại phải nói là thanh niên đang tự tìm đến với Đoàn có lẽ đúng hơn”, Vân nói. Có quá nhiều hoạt động, công việc sự vụ khiến phong trào lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Vân bảo nhiều khi thời gian còn không đủ để “chạy” hết hoạt động thì lấy đâu thì giờ tịnh tâm, nghĩ cái mới cho bài toán kết nối Đoàn với người trẻ. Nên luẩn quẩn với những hoạt động đến hẹn lại lên, nhàm chán và khó kiếm được nhân tố mới!
3. Mỗi lần điện thoại hay gặp mặt, Vân đều kể cho nghe dự định mới: vừa gom được 80 bộ máy tính cũ từ các cơ quan hành chính để tân trang, nâng cấp làm quà tặng một số cơ sở Đoàn, trường mầm non; vận động được vài suất học bổng Quỹ thắp sáng ước mơ, trợ cấp kịp thời cho sinh viên học sinh nghèo của quận...
Vân khoe một dự án mới toanh kết hợp với các cô chú lão thành như mô hình trò chuyện trên truyền hình. Các nhân vật xuất hiện trong chương trình sẽ không kể về những câu chuyện chiến tranh nữa mà sẽ là cuộc sống đời thường, là tình yêu đi qua năm tháng. “Tôi nghĩ những câu chuyện đời thường nhưng ẩn chứa trong đó bao nhiêu nghị lực phấn đấu để mỗi bạn trẻ ít nhiều sẽ tự rút cho mình điều gì đấy sau khi tham dự” - Vân bày tỏ.
Có vài lời mời chuyển công việc nhưng Vân xin thêm thời gian để suy nghĩ. “Còn nhiều dự định dang dở, nhiều việc chuẩn bị và rất muốn làm nên chắc chưa thể dứt áo ra đi ngay lúc này” - Vân bộc bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận