Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với chị Đoàn Tâm Đan - quản lý chương trình. Chị Đan cho biết:
Chị Đoàn Tâm Đan - Ảnh: M.T.
- Với mục tiêu theo dõi, nâng đỡ các em liên tục từ năm lớp 6 đến khi tốt nghiệp lớp 12, hiện chúng tôi đang khảo sát để chọn hỗ trợ thêm 480 em lớp 6. Cộng thêm số nữ sinh từ các năm trước của chương trình đang được hỗ trợ, vẫn chưa tốt nghiệp là hơn 3.000 nữ sinh.
* Theo chị, những vấn đề mà nữ sinh vùng quê hiện đang đối mặt?
- Nữ sinh vùng quê luôn phải đối mặt với những câu chuyện phổ biến như nghèo, thiếu vắng tình thương gia đình vì cha, mẹ phải mưu sinh xa xứ. Các em thiếu sự khuyến khích học hành của người lớn, thiếu những nguồn thông tin cần thiết để trưởng thành theo hướng tích cực. Hoặc đơn giản là thiếu những hình tượng, tấm gương thành công trước mắt để noi theo.
Lớn hơn chút, thì những con đường kiếm tiền một cách tích cực của các em cũng không nhiều, ngoài việc làm công nhân...
* Tiêu chí nào để chọn địa điểm thực hiện dự án của Room to Read? Và việc chọn lựa nữ sinh tham gia vào chương trình như thế nào, thưa chị?
- Khi khảo sát để lựa chọn địa điểm thực hiện dự án, chúng tôi sẽ đánh giá 4 tiêu chí. Đầu tiên là vấn đề bất bình đẳng giới, thể hiện qua một vài số liệu như tỉ lệ phụ nữ bỏ học so với nam, tỉ lệ bạo lực giữa nam và nữ. Hai là tiêu chí về số lượng nữ sinh nghèo.
Tiếp đến là mức độ hợp tác của địa phương. Và cuối cùng là nơi đó phải có trường lớp tốt, đủ duy trì điều kiện học tập cho các em.
Còn việc khảo sát nữ sinh, chúng tôi đưa ra tiêu chí lớn nhất là sự ham học, mong muốn được đến trường của các em và gia đình. Bởi điều này là rất cần thiết để tạo tiền đề cho các em kiên trì học lên cao hơn.
Là một trong những đại sứ toàn cầu của Room to Read, Hoa hậu Việt Nam H’Hen Niê (giữa) đang kêu gọi số tiền 22.000 USD để xây dựng một thư viện tại tỉnh Lâm Đồng và hỗ trợ giáo dục cho 50 em nữ sinh.
* Việc hỗ trợ các nữ sinh xuyên suốt được triển khai như thế nào, trong khi số lượng thành viên Room to Read rất hạn chế?
- Chương trình Hỗ trợ nữ sinh của Room to Read bắt đầu thực hiện từ năm 2002 tại các huyện Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè (TP.HCM). Sau đó chuyển về Tây Nam Bộ. Đến nay đã trải qua 17 năm phát triển, chương trình cũng đã có nhiều sự thay đổi về cách thức hỗ trợ cho các em.
Việc hỗ trợ không chỉ có chúng tôi thực hiện, mà dựa vào cộng tác viên là các thầy cô tại các trường có nữ sinh trong dự án.
Do đó, chúng tôi chỉ tập trung điều phối kinh phí, hoạt động huấn luyện kỹ năng cho thầy cô cộng tác viên, tham gia tổ chức các chương trình kỹ năng sống cho các em... Việc kết nối với các em về sau này nhờ nhiều hơn vào lực lượng cộng tác viên, chúng tôi chỉ theo dõi và tháo gỡ khúc mắc khi cần thiết cho các em.
* Xin chị cho biết cụ thể về hỗ trợ dành cho một nữ sinh?
- Trước đây, những nữ sinh tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ xe đạp và vật dụng học tập, trang phục, học phí xuyên suốt các năm học. Các em được hỗ trợ cũng được lựa chọn lẻ tẻ theo từng khu vực. Còn bây giờ, chúng tôi đã tổ chức quy mô chặt chẽ hơn, hỗ trợ mang tính cộng đồng nhiều hơn.
Do đó, hiện chỉ còn khoảng 30% các nữ sinh được hỗ trợ các điều kiện vật chất như trước đây. Còn lại là việc hỗ trợ về mặt tinh thần.
* Chị có thể giải thích rõ hơn về việc hỗ trợ tinh thần?
- Chúng tôi nhận ra nữ sinh vùng quê đang phải đối mặt với nhiều vấn đề ngoài cái nghèo. Đó là lý do chúng tôi chuyển dần trọng tâm về việc hỗ trợ tinh thần như dạy kỹ năng sống, các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân, kết nối nữ sinh với chính gia đình của mình và cộng đồng...
Các em sẽ được rèn luyện để nhận thức được bản thân, nhận thức xã hội, có đủ kỹ năng đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống cùng với nỗ lực tập trung vào học tập. Chúng tôi cũng tạo niềm tin vào con đường học hành cho các em, để các em thấy khi được nâng cao học thức, các em sẽ tiếp cận được những cơ hội tốt hơn cho cuộc đời.
* Chị có thể cho biết những dự tính tiếp theo của chương trình tại Việt Nam?
- Trước đây, mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ các cá nhân cụ thể, nên chủ yếu là hợp tác với địa phương. Nhưng nay chúng tôi đang tập trung phát triển theo hướng hỗ trợ quy mô hơn cho cộng đồng.
Trong tương lai, chúng tôi đang rất cần và mong muốn được hợp tác với Bộ Giáo dục - đào tạo, bởi chỉ như thế thì các chương trình hỗ trợ nữ sinh mới có thể nhanh chóng lan rộng ở tầm quy mô và đem lại giá trị lớn hơn nữa.
John Wood - người hùng châu Á thay đổi thế giới
John Wood trong một buổi gặp gỡ các em nữ sinh Việt Nam được Room to Read hỗ trợ giáo dục - Ảnh: THANH TÙNG
John Wood (55 tuổi), người Mỹ, từng là giám đốc tiếp thị của Tập đoàn Microsoft.
Năm 2000, John lần đầu có chuyến leo núi tại Nepal. Tận mắt thấy được tình trạng thiếu thốn sách học của trẻ em tại các ngôi trường ở Nepal, John nảy ra ý nghĩ về việc tài trợ sách cho trẻ em các vùng nghèo khó.
Chuyến tặng sách đầu tiên của John được thực hiện sau đó 4 tháng thông qua sự hỗ trợ của bạn bè khắp nơi và của chính người cha đã làm thay đổi hoàn toàn mục đích sống của anh. John quyết định rời bỏ công việc đáng mơ ước, thu nhập cao và cuộc sống đầy đủ của mình để lập ra Room to Read, tổ chức chuyên xây trường học, thư viện và hỗ trợ giáo dục tại các nước đang phát triển.
Sau khi quyên góp xây được hàng trăm thư viện, John Wood bắt đầu quan tâm và hỗ trợ rất mạnh mẽ cho hoạt động giáo dục của các em nữ sinh. Tính đến nay, tổ chức do John lập ra đã có mặt tại 16 quốc gia, hỗ trợ trực tiếp cho khoảng 16 triệu trẻ em trên thế giới.
John Wood được thế giới tôn vinh và thừa nhận sự đóng góp của ông bằng nhiều giải thưởng như Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, và là một trong "Những anh hùng châu Á" do tạp chí Time bình chọn năm 2004. Ông hiện vẫn sống và làm việc ở San Francisco, California.
Cuộc đời và hành trình sáng lập Room to Read đã được ông viết lại trong cuốn Rời Microsoft để thay đổi thế giới ra mắt ở Mỹ vào năm 2006. John Wood từng dành tặng toàn bộ tiền mừng cưới của mình cho gia đình một nữ sinh đang theo chương trình hỗ trợ của Room to Read tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận