25/02/2025 11:44 GMT+7

Nữ sinh tốt nghiệp xuất sắc song ngành kinh tế

Thiều Lê Cẩm Linh, sinh viên khóa 47 Đại học Kinh tế TP.HCM, vừa được công nhận tốt nghiệp đại học cùng lúc hai ngành, đều đạt loại xuất sắc.

Tốt nghiệp xuất sắc song ngành kinh tế - Ảnh 1.

Cẩm Linh tham gia talk show “Info Day: Tư vấn chương trình Song ngành - Song chuyên ngành - Song ngành tích hợp” do Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức - Ảnh: NVCC

Trong đó, ngành kinh tế đầu tư với điểm trung bình tích lũy 3.98 và ngành kinh doanh quốc tế/ngoại thương với 3.91 điểm (thang điểm 4.0).

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, Cẩm Linh cho biết: "Trước đây, tôi thi đậu vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam), theo học lớp chuyên văn và luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt 12 năm liền. 

Do luôn cố gắng nỗ lực nên dù là "dân văn" nhưng tôi học giỏi đều các môn. Tốt nghiệp THPT, tôi trúng tuyển vào nhiều trường đại học nhưng quyết định chọn ngành kinh tế đầu tư của Đại học Kinh tế TP.HCM".

Nghiên cứu, tìm hiểu kỹ ngành nghề

* Khi chuẩn bị vào đại học, có ai định hướng nghề nghiệp cho Linh hay không? Vì sao Linh chọn khối ngành kinh tế?

- Khi chuẩn bị vào đại học, tôi nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về khối ngành kinh tế. Ba mẹ đã giúp tôi nhìn nhận rõ hơn về con đường sự nghiệp của mình và hỗ trợ chọn ngành. Mặc dù có nền tảng vững về các môn xã hội, đặc biệt là ngữ văn, nhưng đam mê thực sự của tôi lại là muốn trở thành một nhà quản trị doanh nghiệp. Từ đó tôi có thể mang tri thức và sức lực nhỏ bé của mình để đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Để chọn ngành, tôi tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn, các trang web giáo dục, bài viết chuyên sâu về ngành học và diễn đàn của sinh viên... Tôi tìm hiểu chương trình đào tạo tại các trường đại học, môi trường học tập cũng như cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. Qua đó, tôi biết được khối ngành kinh tế có rất nhiều ngành/chuyên ngành, mỗi ngành lại cung cấp kiến thức và kỹ năng riêng biệt.

* Khi vào học Linh có thấy quyết định chọn ngành của mình là đúng? Vì sao bạn chọn thêm ngành ngoại thương để học song ngành?

- Khi đăng ký xét tuyển tôi đã chọn ngành kinh tế đầu tư vì nhận thấy đây là ngành học có tính ứng dụng cao, phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của bản thân. Ngành này cung cấp nền tảng vững chắc về quản lý và phân tích đầu tư, từ đó có thể đưa ra các quyết định tài chính thông minh và hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành học này còn cung cấp kiến thức chuyên sâu về thẩm định giá trị của các dự án, quản lý rủi ro đầu tư và phân tích chiến lược… Tôi cảm thấy đây là ngành phù hợp với đam mê và mục tiêu nghề nghiệp của mình.

Tuy nhiên, trong quá trình học, tôi cũng nhận ra rằng để trở thành một nhà quản trị doanh nghiệp toàn diện và thành công trong thế giới kinh doanh ngày nay, chỉ học về quản lý và đầu tư là chưa đủ. Vì vậy tôi quyết định học thêm ngành ngoại thương.

Không chỉ vì yêu thích mà còn vì tôi nhận thấy đây là một lựa chọn hoàn hảo để bổ sung những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối phó với những thách thức trong môi trường kinh doanh quốc tế.

* Khi chọn ngành, học sinh cần dựa vào yếu tố nào? Làm sao để biết chọn đúng ngành mình yêu thích cũng như phù hợp với năng lực, sở trường bản thân?

- Từ trải nghiệm của bản thân, theo tôi khi chọn ngành học, cần dựa vào ba yếu tố chính: đam mê, sở trường và nhu cầu thị trường. Đam mê là yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn ngành học. Bởi vì khi làm việc trong một lĩnh vực mà mình yêu thích, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và có động lực để học hỏi, làm việc lâu dài.

Mỗi người đều có những sở trường và thế mạnh riêng. Việc nhận thức rõ những sở trường sẽ giúp học sinh chọn ngành phù hợp để phát huy tối đa năng lực bản thân. Khi chọn ngành học đúng sở trường, bạn sẽ có nền tảng vững chắc để phát triển và thành công trong ngành nghề đó. Nếu chọn ngành mình không thích, không giỏi, bạn sẽ cảm thấy khó khăn và thiếu động lực để theo đuổi.

Ngoài ra, học sinh cũng cần tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động. Nhu cầu ngành nghề có thể thay đổi theo thời gian và xu hướng phát triển của nền kinh tế. Để biết mình chọn đúng ngành học, các bạn cần khám phá bản thân qua các hoạt động ngoại khóa, tham gia các dự án thực tế, hoặc thậm chí thử việc trong các ngành nghề khác nhau để hiểu rõ hơn về bản thân.

Tôi từng tham gia các câu lạc bộ về khởi nghiệp ở trường, đọc nhiều sách để xác định được đam mê và sở trường của mình. Ngoài ra, việc tư vấn từ thầy cô hoặc chuyên gia cũng giúp học sinh có cái nhìn thực tế hơn về ngành nghề.

Tốt nghiệp xuất sắc song ngành kinh tế - Ảnh 2.

Thiều Lê Cẩm Linh

Tạo hứng thú với các môn học khó

* Việc học song ngành, Linh cảm thấy áp lực gì không? Bạn đã sắp xếp thời gian, đăng ký học phần thế nào?

- Thú thật, khi quyết định học song ngành, tôi gặp phải không ít áp lực, đặc biệt là giai đoạn đầu. Học song ngành đòi hỏi phải đăng ký nhiều môn, có khi lên đến 11-12 môn mỗi học kỳ - gấp đôi so với các bạn học một ngành. Tôi phải học chăm chỉ để không bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đó, việc phải phân bổ thời gian giữa việc học, các hoạt động ngoại khóa và các nhu cầu cá nhân đôi khi tạo ra một thách thức lớn. Ngoài ra, học song ngành phải chi trả học phí cao hơn.

Để có thể học tốt và hoàn thành các môn học một cách hiệu quả, tôi đã lên kế hoạch chi tiết từ đầu mỗi học kỳ và linh hoạt lựa chọn các môn học phù hợp với khả năng của mình. Sau khi có danh sách môn học, tôi xem xét kỹ thời khóa biểu để chọn lịch học phù hợp và tránh bị trùng giờ.

Tôi chọn các môn, cơ sở học sao cho khối lượng công việc không quá nặng nề vào cùng một thời điểm, phân bổ thời gian học tập hợp lý và đảm bảo sức khỏe.

* Được công nhận tốt nghiệp đại học cùng lúc hai ngành đều đạt loại xuất sắc, bí quyết nào để Linh đạt được kết quả ấn tượng này?

- Để đạt được kết quả tốt nghiệp xuất sắc và đúng thời hạn của trường là 3,5 năm cho cả hai ngành, tôi luôn tạo hứng thú với những môn học khó, kiên trì nghiên cứu tài liệu và phân bổ thời gian hợp lý. Tôi nhận thức rằng học không chỉ là hoàn thành bài vở mà còn phải đắm chìm trong kiến thức và nỗ lực không ngừng.

Điều quan trọng tôi luôn xác định rõ mục tiêu và lộ trình học tập. Với việc học song ngành, tôi lựa chọn môn học phù hợp với cả hai ngành, đồng thời chủ động hỏi thầy cô và trao đổi với bạn bè để giải quyết những kiến thức chưa rõ. Bên cạnh đó, tôi tận dụng tối đa kho kiến thức ở thư viện và Internet để mở rộng hiểu biết.

Điều may mắn là ba mẹ luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để tôi tập trung học, nên trong suốt quá trình học đại học, tôi không đi làm thêm.

Nhiều lợi ích từ nghiên cứu khoa học

* Tham gia nhiều hoạt động học thuật và từng đoạt giải thưởng về nghiên cứu khoa học, theo Linh, nghiên cứu có giúp ích gì cho sinh viên?

- Tôi rất yêu thích nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động nghiên cứu trong suốt thời gian học đại học. Việc tham gia các hoạt động học thuật đã giúp tôi nâng cao kiến thức và phát triển các kỹ năng. Đây chính là những kỹ năng thiết yếu không chỉ trong học tập mà còn trong công việc sau này.

Việc nghiên cứu khoa học còn giúp sinh viên có thể mở rộng mối quan hệ với các giảng viên và bạn bè trong trường, tạo cơ hội để học hỏi từ các chuyên gia và làm việc nhóm để hoàn thành các dự án nghiên cứu.

Nhanh chóng bắt nhịp công việc

Tốt nghiệp xuất sắc song ngành kinh tế - Ảnh 3.

Thiều Lê Cẩm Linh với 2 luận văn tốt nghiệp đại học Ảnh: NVCC

* Hiện đã đầu quân cho một tập đoàn quốc tế đa ngành, Linh có yêu thích công việc và cảm thấy tự tin để làm việc?

- Trong thời gian chờ nhận bằng tốt nghiệp đại học, tôi đã chủ động tìm hiểu và ứng tuyển vào Công ty BIN Corporation Group. Hiện tôi đang làm việc cho team trợ lý giám đốc tại một công ty thành viên của Tập đoàn BIN, là người trẻ tuổi nhất trong công ty. Đây là kết quả từ sự chủ động và nỗ lực tìm kiếm cơ hội của bản thân.

Những kiến thức học ở giảng đường đại học đã giúp tôi tự tin và nhanh chóng bắt nhịp công việc ở công ty. Tôi cảm thấy rất yêu thích công việc hiện tại và nhận thấy còn nhiều cơ hội để học hỏi và phát triển bản thân.

Tôi đang lên kế hoạch tiếp tục học tập trong quá trình làm việc, cụ thể là học tiếng Anh và các chứng chỉ chuyên môn khác để chuẩn bị cho việc học thạc sĩ.

Tốt nghiệp xuất sắc song ngành kinh tế - Ảnh 4.Sinh viên tốt nghiệp thủ khoa song ngành

Thủ khoa một ngành đã khó, thủ khoa song ngành càng khó hơn. Đã vậy, cả hai ngành đều đạt điểm tốt nghiệp xuất sắc thì càng khó bội phần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp