Nam Phương (bìa phải) trao quà cho bà con nghèo trong dịp khánh thành cầu Khang Linh - Ảnh: C.NHẬT |
Đinh Thị Nam Phương (23 tuổi, tốt nghiệp cao học ĐH Oxford, Anh) nói về sự bền bỉ của mình và bạn bè.
Là đồng sáng lập Nam Phương Foundation (Quỹ kiến tạo nhịp cầu), Nam Phương cho biết quỹ thành lập từ năm 2013 và đồng thời là quỹ từ thiện đầu tiên được lập bởi học sinh được Bộ Nội vụ cấp phép thành lập vào tháng 9-2013.
“Nhiều người nghĩ làm từ thiện là cho đi nhưng tôi cho rằng mình đã nhận về, học được rất nhiều từ các câu chuyện đẹp này |
Nam Phương |
Cho đi là nhận lại
“Trong một lần coi tivi cùng gia đình, tôi tình cờ xem phóng sự về học sinh chết đuối khi qua sông... Hình ảnh đó cứ bám mãi vào trí óc của tôi và em trai. Được sự động viên từ cha mẹ, tôi và em trai quyết định bằng mọi cách lập quỹ xây cầu để hạn chế phần nào những câu chuyện thương tâm trên” - Nam Phương nhớ lại khởi nguồn của quỹ.
Thời điểm đó đang là học sinh và phải theo học cùng lúc hai trường nhưng Nam Phương vẫn cố gắng cân đối thời gian để dành cho quỹ. “Rảnh chút là chúng tôi lại bắt tay đi kêu gọi tài trợ, từ cha mẹ đến bạn bè, người thân và các công ty...” - Nam Phương kể.
Nam Phương cho biết giai đoạn đầu bạn gặp rất nhiều thử thách đáng kể. “Phần vì chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, phần hoạt động dựa chủ yếu vào sự tình nguyện (không lương) của những người làm. Lúc mới làm thì không sao, nhưng làm một thời gian thì nhiều người thấy nản, hết lửa...” - Nam Phương nhớ lại.
Nói về những kỷ niệm khó quên cùng chương trình, Nam Phương cho biết đó là việc được tiếp xúc với những con người, câu chuyện... mà những người trẻ lớn lên ở thành phố như bạn khó thể gặp được trong đời thường:
“Đó là một bác gái không giàu nhưng sẵn sàng bỏ số tiền tích lũy được để đi xây cầu cho người dân nghèo dưới Bến Tre. Đó là một người chú làm nông, gia cảnh rất bình thường nhưng sẵn sàng bán cặp nhẫn cưới để tham gia xây cầu vì không muốn thấy cảnh học sinh thường xuyên bị lọt rớt... mỗi khi đi qua cây cầu kế nhà”...
Tham vọng tương lai gần
“Quả ngọt” mới nhất của Quỹ kiến tạo nhịp cầu là cây cầu Khang Linh - nối liền hai bờ kênh 28 ở xã Thiện Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) - vừa được đưa vào sử dụng từ ngày 21-8-2016. Cầu Khang Linh được xây dựng với tổng chi phí 2,7 tỉ đồng (trong đó 40% do địa phương đóng góp).
Ước tính mỗi ngày sẽ có khoảng 15.000 lượt người dân được hưởng lợi từ cầu Khang Linh, tạo thuận lợi trong lưu thông giữa các xã thuộc huyện Cái Bè như Hậu Thành, An Cư, Thiện Trí ra quốc lộ 1 (xã Mỹ Trung, Phú Điền thuộc huyện Tháp Mười, Đồng Tháp).
Bên cạnh việc xây cầu, vẫn còn đó những điều “tưởng nhỏ mà không nhỏ” khiến Nam Phương và em trai trăn trở mãi. Trong lần trú tại nhà một hộ cận nghèo ở xã Thiện Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), Nam Phương nghe hai anh chị chủ nhà thường bàn chuyện cho một trong hai người con nghỉ học để bớt gánh nặng mưu sinh, lại có thêm một lao động.
“Anh chị có hai đứa con, đứa con gái học dở hơn em trai nên cô bé luôn nơm nớp lo sợ bị buộc nghỉ học, thường năn nỉ cha mẹ cho đi học và luôn cố gắng học giỏi, tìm mọi cách kiếm thêm thu nhập cho nhà dù có khi ngất xỉu vì thi chạy mà đói lả...
Tôi chợt nhớ ngày xưa khi đi học, nhiều người bạn của tôi được cha mẹ đưa đến tận cổng trường nhưng sau đó vẫn trốn học. Họ sướng mà không biết mình sướng” - Nam Phương kể.
Và Nam Phương quyết định không chỉ nỗ lực xây nhiều cây cầu hơn mà đồng thời sẽ tranh thủ “sát cánh” những trường hợp trên khi cần thiết.
“Tôi mong không chỉ bản thân mà nhiều bạn trẻ thành thị sẽ biết được các câu chuyện trên để từ đó sống có ý nghĩa hơn, bởi ở ngoài kia còn biết bao phận đời kém may mắn. Tôi rất vui thấy nhiều bạn trẻ khi đồng hành cùng quỹ đã nhận ra được điều này” - Nam Phương chia sẻ.
Thực hiện theo mô hình cộng hưởng Tính đến thời điểm tháng 9-2016, chương trình Kiến tạo nhịp cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng được 10 công trình: cầu Khang Linh, cầu Nguyễn Văn Tiếp B, cầu Lợi Trinh, cầu Một Thước, cầu Sình Chanh 1, cầu Sình Chanh 2, cầu Ngọc Hoàng, cầu Tân Hậu, cầu TĐ 7-15 và cầu Kênh Thủy Tân với tổng kinh phí hàng chục tỉ đồng. Quỹ kiến tạo nhịp cầu được thực hiện trên mô hình cộng hưởng. Theo đó, quỹ Nam Phương sẽ hỗ trợ đa số kinh phí xây dựng cầu (thường ở mức 60-70%) và địa phương có trách nhiệm huy động phần còn lại, nhằm khuyến khích địa phương, người dân có trách nhiệm hơn với thành quả được hưởng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận