20/10/2020 17:50 GMT+7

Nữ sinh mồ côi cha bán xe đạp điện để có tiền nhập học

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - ‘Ngay sau khi biết mình đậu đại học, em ấy đã bán chiếc xe đạp điện mình đi học mỗi ngày để lấy tiền lo học phí nhập học. Giờ em ấy mong được ở ký túc xá, rồi đi làm thêm để tự lo việc học’.

Nữ sinh mồ côi cha bán xe đạp điện để có tiền nhập học - Ảnh 1.

TS Lâm Thị Kim Liên thông tin hướng hỗ trợ của nhà trường với Võ Thị Bích Thuận chiều 19-10 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Cô Đinh Thị Phương Chi - giáo viên Trường THPT Trường Chinh (Gia Lai) - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online như vậy về "em học trò giỏi, đầy nghị lực vượt khó" Võ Thị Bích Thuận, học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Gia Lai).

Vừa học vừa làm nhưng học rất giỏi

Cô giáo Phương Chi cho biết thêm: "Em Bích Thuận không phải học sinh trường tôi, nhưng nhà ngoại em ấy gần nhà tôi nên tôi biết rất rõ hoàn cảnh của em. Bố em bị bệnh hiểm nghèo mất sớm, mẹ sau đó lấy chồng khác, nợ nần không lo được cho hai con nên gửi bà ngoại nuôi. Bích Thuận vừa học vừa đi làm. Theo các giáo viên của trường, dù hoàn cảnh vô cùng khốn khó nhưng em ấy học rất giỏi".

Ký ức tuổi thơ của Võ Thị Bích Thuận vẫn khắc sâu hình ảnh những ngày bố bị bệnh liên miên, phải lo chạy chữa khắp nơi từ bệnh viện ở Gia Lai, rồi xuống tận Sài Gòn. Nhưng do bố Thuận mắc phải căn bệnh ung thư quái ác, tiền bạc trong nhà vốn đã khó khăn cứ "đội nón" ra đi. Đến lúc bố mất, khi đó Bích Thuận mới 12 tuổi, mẹ đành phải bán luôn căn nhà nhỏ lấy tiền trả nợ...

Vài năm sau mẹ "đi thêm bước nữa", gửi hai chị em Thuận ở nhà bà ngoại. Gia đình mới của mẹ cũng vất vả, với hai con nhỏ thuê nhà trọ ở xã Ia HLốp nên lâu lâu mới ghé về thăm hai chị em Thuận.

Bà Hồ Thị Hường, mẹ Thuận - chia sẻ: "Tôi làm giáo viên mầm non, tiền lương mỗi tháng phải trả nợ ngân hàng (còn nợ khoảng 100 triệu đồng) chỉ còn hơn 2 triệu đồng, không đủ lo cho hai đứa con nhỏ chồng sau, hằng tháng tôi chỉ phụ bà 500.000 đồng lo cho hai đứa con lớn. Nay cháu Thuận đậu đại học, tôi phải dời nhà trọ ra thị trấn, đưa em trai nó, đang học lớp 12 về ở cùng để cháu tiện vừa học vừa làm".

Bà ngoại Thuận năm nay đã 65 tuổi, vẫn xin làm tạp vụ, quét dọn ở xã. Cả nhà sống dựa vào khoản tiền 1,5 triệu đồng mỗi tháng bà kiếm được nên cả hai chị em Bích Thuận đều phải tranh thủ đi làm thêm ngoài giờ học, đặc biệt là dịp hè để kiếm tiền phụ giúp bà.

"Đang cố xoay xở nhưng khó khăn quá"

Nói về cô bạn thân từ lớp 3 của mình, Đỗ Thị Kim Ngân (học sinh lớp 12A7, bạn cùng lớp Bích Thuận), cho biết: "Bích Thuận luôn là người truyền cảm hứng cho tụi em. Thuận là người chăm chỉ nhất lớp, bọn em rủ đi chơi mà bạn ấy có khi nào đi đâu. Hoàn cảnh bạn ấy rất khó khăn nên phải đi làm thêm đủ thứ để có thêm tiền trang trải. Đậu đại học học, Thuận phải chạy vạy khắp nơi, ngay cả chiếc xe đạp điện cũ Thuận đi học mỗi ngày cũng do bạn đi làm tích góp mua được, nhưng phải bán xe để gom tiền nhập học."

Nhìn học bạ của Bích Thuận với điểm số vô cùng ấn tượng, nhiều môn trên 9 điểm, điểm tổng kết cả năm lớp 12 đạt 8,5, nên việc cô học trò nghèo trúng tuyển vào ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM với điểm thi khối A00 đạt 24,55, không mấy ai bất ngờ. Nhưng bạn bè cùng lớp đều lo Bích Thuận không đủ khả năng tài chính để theo học suốt 4 năm đại học. "Thuận đang cố xoay xở, quyết tâm phải học đại học mà em thấy bạn còn nhiều khó khăn quá!", Kim Ngân chia sẻ.

Võ Thị Bích Thuận cho hay từ hè năm lớp 9 nữ sinh này đã đi làm thêm đủ thứ việc, phụ quán ăn từ 5h sáng đến 20h tối mỗi ngày để kiếm tiền nộp học phí cho cả năm học. "Từ khi bố mất, em từng rất chán chản và cảm thấy lạc lõng vô cùng. Nhưng sau đó nhờ bà ngoại cưu mang em suy nghĩ rất nhiều và nhận thấy mình cần phải cố gắng học, tìm việc làm thêm, kiếm thêm chút ít tiền phụ bà…", Thuận tâm sự.

Cũng vì phải làm thêm nhiều nên học kỳ 1 năm lớp 10, kết quả học tập của Thuận chỉ đạt loại khá, nhưng sau đó cô học trò nghèo nhanh chóng lấy lại phong độ và liên tục là học sinh giỏi.

Thuận chia sẻ: "Khi biết kết quả đậu đại học em vui lắm nhưng cũng là lúc em lo lắng nhất vì khoản tiền nhập học quá lớn, chưa biết làm sao có đủ tiền... nên em quyết định bán chiếc xe đạp điện được 3,5 triệu đồng. Bà con, hàng xóm, thầy cô... mỗi người cho một ít, cộng thêm số tiền em đi làm tiết kiệm được vừa đủ để em nhập học. Em biết những ngày tới đây mình sẽ phải vất vả hơn một chút nữa nhưng em sẽ cố gắng tìm việc làm thêm... Hi vọng đất Sài Gòn rộng lớn sẽ giúp em có nhiều cơ hội".

"Chúng tôi sẽ không để em Thuận bỏ học"

Chiều 19-10, phóng viên Tuổi Trẻ đã cùng Bích Thuận đến Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, hoàn tất các thủ tục chuẩn bị chính thức vào học.

TS Lâm Thị Kim Liên - trưởng phòng công tác sinh viên nhà trường - đã tiếp xúc, tìm hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng của Bích Thuận để có hướng xem xét hỗ trợ. "Qua tìm hiểu, tôi được biết tuy không thuộc diện chính sách nhưng hoàn cảnh em rất khó khăn. Trước mắt, nhà trường sẽ có những hỗ trợ ban đầu, xét trao học bổng Tương hỗ để có khoản tiền chi phí ban đầu. Chúng tôi sẽ không để em vì khó khăn phải bỏ học", cô Liên nói với Thuận.

Đồng thời, bà Kim Liên cũng đã tặng Bích Thuận bộ áo dài đồng phục đi học. Trung tâm hỗ trợ sinh viên trường cũng cho biết sẽ giúp Thuận được làm ở quán cà phê khởi nghiệp của trường để có thêm chi phí sinh hoạt.

Bà Nguyễn Thị Nhung - trưởng Ban quản lý ký túc xá Cỏ May - cũng cho hay khi báo Tuổi Trẻ thông tin hoàn cảnh của Võ Thị Bích Thuận, ký túc xá đã quyết định tiếp nhận đơn để xem xét cho nữ sinh này vào ở.

116 tân sinh viên khó khăn được ký túc xá Cỏ May giúp đỡ 116 tân sinh viên khó khăn được ký túc xá Cỏ May giúp đỡ

TTO - Đến nay đã có 116 tân sinh viên khó khăn được chọn vào ở ký túc xá Cỏ May năm học 2020 – 2021.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp