Tập sách vừa tập hợp hình ảnh, tư liệu của nhiều thế hệ học sinh như lưu giữ kỷ niệm một thời áo tím Sài Gòn, vừa là chất xúc tác gắn kết các thế hệ học sinh Gia Long, từ các khóa trước 1975 nay đã tỏa đi khắp bốn phương trời. Nhiều người đã thành danh, trở thành người hữu dụng cả trong và ngoài nước, vẫn nhớ về những kỷ niệm một thời trung học Gia Long.
Mỗi trang sách ảnh Sài Gòn - Gia Long kỷ niệm có sức quyến rũ lạ thường, cuốn hút dẫn người đọc về lại không khí học trò trung học của Sài Gòn những năm 1950-1975. Ở đó có những thầy cô chí tình dìu dắt học sinh qua những câu chuyện vui buồn của tuổi học trò.
Ở đó, người đọc hôm nay sẽ cùng những người trong cuộc lần giở những kỷ niệm với thầy cô Việt văn, kể câu chuyện ăn tết, những giờ học ngôn ngữ, những thầy cô được học sinh xem như là cha mẹ thứ hai.
Bà Vũ Kim Hạnh - cựu nữ sinh Gia Long - cùng đến tham gia buổi giao lưu ra mắt sách - Ảnh: L.ĐIỀN
Lại có cả bài thuật lại lược sử trường Áo tím Gia Long như một thiên khảo cứu nghiêm túc. Theo đó, quá trình hình thành ngôi trường nữ từ thời Pháp thuộc ở Đông Dương trong mục đích truyền bá văn hóa Pháp, và ông Bùi Quang Chiêu chính là người đề xướng thành lập một ngôi trường nữ dành cho con em người bản xứ hồi 1908.
Đề xướng được đồng ý vào năm 1909, nhưng mãi đến 1915 mới được khánh thành và khai giảng khóa học đầu tiên.
Đến nay, sau nhiều thăng trầm, ban liên lạc trường nữ Gia Long tìm lại nhau chỉ thấy đại diện xưa nhất là khóa 1955-1962. Những nữ sinh thời xưa giờ đã lên hàng bà nội, bà ngoại, vẫn cười nói xôn xao và hát hò rộn rã.
Và nữa, biết bao câu chuyện cùng ùa về khi thầy trò Gia Long gặp nhau nơi Đường sách. Cả thầy và trò đều rưng rưng xúc động.
Cô Kha Thị Hưỡn - phụ tá giám học và giám thị một thời - tuổi cao sức yếu nay phải ngồi xe lăn ra đường sách, vậy mà vẫn nhớ như in duyên sự năm xưa chẳng biết cô cậu nào ở trường nam Petrus Ký - "đối thủ" của trường nữ Gia Long - đã đặt biệt danh cho cô là "chằn lửa", khiến cho cô đến nay tuổi cổ lai hy rồi vẫn băn khoăn không biết biệt danh ấy xuất xứ từ đâu.
Bà Kha Thị Hưỡn kể lại câu chuyện biệt danh của chính mình do học sinh trường Petrus Ký đặt ra - Ảnh: L.ĐIỀN
Thầy giáo dạy Việt văn Trần Thế Xương, sau nhiều năm tháng rời xa bục giảng, giờ gặp cả đồng nghiệp lẫn nhiều thế hệ học trò thân yêu. Thầy nhớ lại kỷ niệm đến nay làm ông nhớ mãi là trong thời điểm Sài Gòn khốn khó, một cô giáo đồng nghiệp trường Gia Long đã đạp chiếc xe đạp mini mang đến nhà cho thầy 3kg gạo.
Hình ảnh ấy ăn sâu vào tâm khảm của thầy, và chắc hẳn sẽ còn ấn tượng mỗi khi nhắc đến nghĩa tình đồng nghiệp, thầy trò trường Gia Long.
Sách do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành - Ảnh: L.ĐIỀN
Buổi ra mắt sách còn là dịp kêu gọi chung tay đóng góp gây quỹ làm từ thiện giúp đỡ cộng đồng. Tinh thần nữ sinh Gia Long từ Việt Nam đang lan rộng khắp nơi. Có người từ Úc, Canada, Mỹ... cũng kịp trở về chung tay, mong muốn đem niềm vui từ những trái tim nồng ấm chân chất Sài Gòn lan tỏa trong cộng đồng hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận