Huỳnh Thị Nữ Nhi - Ảnh nhân vật cung cấp
Nhi tốt nghiệp chương trình ĐH của mình sớm một năm và đang làm kế toán tại một công ty ở quận Gò Vấp, TP.HCM, nơi Nhi đã làm việc từ hơn một năm trước đó.
Gặp Nhi, những người từng sống ở khu vực trung tâm thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, Long An vẫn chưa quên cô bé hằng ngày đeo chiếc cặp nhỏ đựng xấp vé số lang thang các lề đường tìm người mua.
"Với em, được gặp Room to Read, được tặng xe đạp để khỏi đi bộ bán vé số, được các thầy cô luôn quan tâm, cho học phí đi học đã là một may mắn.
Huỳnh Thị Nữ Nhi
Từ em bé bán vé số đến tốt nghiệp sớm đại học
Nhi và em trai thiếu hơi ấm của mẹ từ nhỏ, và thu nhập của một người cha làm nghề sửa đồng hồ nơi góc phố không đủ để chị em Nhi học hành. Hè năm lớp 5, Nhi bỏ sau lưng "khoảng thời gian đẹp nhất của mình" để nhận vé số đi bán.
Cô Vũ Thị Bích - nhân viên hỗ trợ nữ sinh của Room to Read tại Long An - nhớ lại: "Lúc chúng tôi khảo sát để tiến hành hỗ trợ, Trường THCS Phước Lại, Cần Giuộc có đến ba em bán vé số nhưng chỉ Nhi là học sinh giỏi".
Đó cũng là những năm tháng khó quên trong đời Nhi, đến bây giờ đôi lúc Nhi vẫn mơ thấy xấp vé số trên tay chưa bán hết mà đồng hồ thì tích tắc đến giờ xổ số mỗi lúc dường như mỗi nhanh hơn. "Nhưng em rất may mắn vì được nhiều người thương, mua giúp rất nhiều" - Nhi kể.
Chữ "may mắn" được Nhi lặp đi lặp lại rất nhiều trong cuộc đời mình. Dường như nỗi khổ tồn tại trong trí nhớ của Nhi: "Với em, được gặp Room to Read, được tặng xe đạp để khỏi đi bộ bán vé số, được các thầy cô luôn quan tâm, cho học phí đi học đã là một may mắn".
Sau những năm vừa bán vé số nhưng luôn đạt thành tích học sinh giỏi suốt những năm cấp II, Nhi đã được chính các thầy cô động viên thi vào một trường chuyên nội trú tại TP.HCM. Nhi lại đạt điểm cao và được một nhà hảo tâm thường xuyên của chương trình Room to Read nhận tài trợ học hết cấp III, đóng luôn học phí cho những năm học ĐH. Nhi đã vừa đi làm và cố gắng tốt nghiệp sớm để "không phụ lòng những người giúp đỡ".
Công ty nơi Nhi đang làm việc cũng là một điều "may mắn" với Nhi. Người chủ biết hoàn cảnh cô sinh viên nghèo đã cho Nhi ở luôn tại công ty, giao việc phù hợp ngành kế toán mà Nhi đang theo học, cũng như để Nhi tự phân bổ thời gian làm việc không ảnh hưởng đến việc học.
"Đến nay em thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. Cô chủ thương và khuyến khích em nên đi tìm công việc khác thu nhập cao hơn vì nơi công ty cô chỉ có thể trả em mức lương đó" - Nhi nói. Nhưng Nhi "cũng muốn trả ơn cho công ty đã cưu mang mình một thời gian qua, giúp em may mắn tốt nghiệp" nên vẫn tiếp tục làm ở đây.
Kiều Loan và cô giáo trong ngày tốt nghiệp phổ thông - Ảnh: RtR
Quyết tâm không bỏ học của Loan
Tìm hiểu về thông tin chương trình hỗ trợ giáo dục nữ sinh của Room to Read, chúng tôi được chỉ cho rất nhiều câu chuyện về các nữ sinh lớn lên từ những vùng quê nghèo. Nữ sinh này khi được hỏi lại kể về nữ sinh khác một cách đầy hào hứng. Họ luôn có một niềm tin mạnh mẽ vào tương lai, cả những nữ sinh hiện nay vẫn đang tiếp tục xoay xở với ước mơ tốt nghiệp ĐH.
"Nhiều lúc muốn bỏ nhưng thấy cô Xuyên của Room to Read chở bao gạo 30kg từ TP Trà Vinh đi gần 30km về nhà em ở tận sóc trong Long Hiệp, Trà Cú là em lại quyết tâm" - Ngô Thị Kiều Loan, sinh viên năm 3 khoa quản lý nhà nước, quản trị văn phòng và du lịch Trường ĐH Trà Vinh, tâm sự.
Loan được chương trình hỗ trợ từ lớp 8. Đó cũng là thời gian mẹ Loan bắt đầu bị bệnh nặng và không thể làm việc được nữa, cha thì làm mướn làm thuê đắp đổi qua ngày. Từ lớp 8 đến lớp 12, điều phối viên của chương trình Room to Read tại Trà Vinh luôn thường xuyên hỏi han, đưa gạo về cho gia đình, đóng học phí, lo tập sách cho Loan được đủ điều kiện đến trường.
Nhưng thấy cha mẹ vất vả hoài, nhiều người tốt nghiệp xong đi làm công nhân, Loan cũng rơi vào lòng luẩn quẩn nghĩ về sự bỏ học như bao đứa trẻ khác ở vùng quê của mình. Có lần đang học lớp 12 thì mẹ nhập viện, Loan tính bỏ học luôn để kiếm nhà máy nào đó xin vào làm để sớm có tiền. Mấy cô hỗ trợ nữ sinh lại tìm đến bệnh viện khuyên nhủ, giúp đỡ đưa Loan trở lại trường
Đến giờ Loan mới thấy việc quay lại trường là hướng đi tốt nhất cho đời mình. "Nếu em nghỉ học lúc đó thì chắc giờ đã lấy chồng, sinh con rồi lại quay về cuộc sống quần quật đói nghèo ở quê, không giúp đỡ gì được cho cha mẹ mà cũng không có tương lai cho mình" - Loan nói.
Từ một cô bé nhút nhát chẳng dám trò chuyện với ai, những buổi trại tập thể, những lớp học diễn thuyết, làm việc nhóm... được các cô hướng dẫn xuyên suốt quá trình học phổ thông đã giúp Loan thay đổi, thực sự hòa nhập với cộng đồng. Tốt nghiệp phổ thông, Loan đã tự tìm thông tin xin học bổng chương trình "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ, từ đó bước chân vào giảng đường ĐH.
Dẫu hiện tại vẫn đang rất khó khăn, Loan đang phải đối mặt với việc trang trải hai năm học phí ĐH phía trước. Hiện Loan đang phụ quán hủ tiếu với mức tiền công 10.000 đồng/giờ. Loan đang cố mỗi đêm làm được 5 giờ, làm luôn hè để có tiền tính tiếp việc học.
"Nhưng giờ em không bỏ cuộc nữa, em sẽ cố gắng hết mức có thể. Chỉ còn hai năm nữa thôi" - Loan nói.
Room to Read giúp nữ sinh nghèo thay đổi quan điểm
Chị Đoàn Bảo Châu( trái) và các công sự trong Room to Read - Ảnh: RtR
Đồng bằng sông Cửu Long đến nay vẫn là một trong những nơi có tỉ lệ nữ sinh bỏ học cao nhất nước. Rất nhiều nữ sinh nghèo ở đây đã thay đổi quan điểm cuộc sống khi gặp được một bệ phóng hỗ trợ họ tiến vào tương lai.
Chị Đoàn Bảo Châu - cán bộ của Room to Read tại Việt Nam - cho biết chỉ riêng trong năm học 2017-2018 đã có 2.748 nữ sinh tại Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh tham gia chương trình hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh. Trong đó có 100% nữ sinh được lên lớp, 1.010 nữ sinh tốt nghiệp phổ thông và 57% trong số này tiếp tục học lên sau khi tốt nghiệp.
"Đó vẫn chỉ là con số khiêm tốn so với nhu cầu được hỗ trợ của các trẻ em nữ tại Việt Nam. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục tạo cơ hội cho rất nhiều em nữa" - chị Châu nói.
Kỳ tới: Hỗ trợ đáp đền
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận