Nữ sĩ Lan Hinh và bìa tập thơ Bến nào
Thơ ca của nữ sĩ Lan Hinh thuộc khuynh hướng thứ hai.
Có thể cảm thức hiện thực không chỉ là một lựa chọn của nữ sĩ, mà còn là sự di truyền từ những nỗi trăn trở, ưu tư với đời trong huyết quản của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải đến cơn đau đáu với thân phận giới nữ trong từng mạch đập Lan Hinh - ái nữ đi theo con đường văn chương của cụ.
Hơn nữa, dù sao mặt đất vẫn là không gian còn bằng phẳng, yên ổn, nên với tập thơ Bến nào (ra mắt công chúng vào đầu tháng 7), nữ sĩ đã nối nỗi niềm xuống tận đáy nước để bộc lộ cho trọn những dập dềnh, chơi vơi của kiếp đàn bà.
Hình tượng bến nước vốn là một biểu tượng truyền thống gắn liền với tâm thức dân gian Việt Nam, khởi nguồn từ câu ca dao. Nữ sĩ đã nới rộng mười hai cõi nước quen thuộc ấy, giăng mắc niềm đàn bà trên những cái bến thực của đời người và thời cuộc.
Đọc thơ Lan Hinh, người ta không thấy tinh thần nữ quyền vốn xuất hiện khá nhiều trong dòng chảy văn học đương đại, mà sẽ gặp lại người đàn bà quen thuộc, gần gũi trong truyền thống với cái giọng đằm thắm, cái nết tảo tần, với nỗi buồn thương tự cất vào sâu kín tâm can. Nhưng đừng tưởng người đàn bà ấy đứt lìa với cuộc sống của chúng ta ngày nay. Trái lại, đấy là người đàn bà nuôi giữ gốc rễ nữ giới nước Việt.
Mỗi người đọc nữ sẽ nhìn thấy bóng dáng của mình, mẹ mình và bà mình trong sóng sánh hai mươi bến nước. Tiếng nói giãi bày thân phận nữ giới và khát vọng bình đẳng giới nhiều khi chỉ cần tự nhiên, dung dị, nền nã theo hệ mỹ học, mỹ cảm cổ điển vậy thôi nhưng lại sâu sắc, nhiều lay động. Có lẽ nhiều người đàn bà Việt ngày nay cũng cám cảnh đợi chồng giữa canh khuya, thấy đường về nhà sao mà xa ngái:
"Lối nhà, hun hút dặm khuya
Cơm canh em đợi, lạnh tê cõi lòng"
(Bến Kỳ)
hoặc chịu nỗi thiệt thòi khi hôn phu "lạc ngõ nhầm giường" (Bến Tửu), thậm chí "oằn lưng thân gái nặng đeo nợ đời" giữa cảnh "bến của tan hoang" (Bến Bác) bởi đức ông chồng lún chân vào chốn hoang đàng.
"Thuyền tình một chiếc chơ vơ
Mười hai bến nước ngẩn ngơ sớm chiều
Trao thân chi những bến liều..."
(Bến Tử)
Hai mươi hai bài thơ trong tập Bến nào là hai mươi lời thủ thỉ bằng giọng, nhịp, điệu lục bát giàu chất đối thoại. Ở nhiều bài thơ, nữ sĩ để câu lục đứng một mình, làm cái kết để bài thơ thiếu câu bát nên không bao giờ kết được mà mở ra, mà mời gọi tha nhân đi tiếp, nghĩ tiếp, cảm tiếp trên từng cái bến đời trong đục. Bởi vậy, phận nữ là cả một thế giới mênh mông, bến nước là cả một cõi nhân sinh miên viễn:
"Dốc tâm tu chợ, em nâng nghĩa tình
Tay cầm chìa khóa nhân sinh"
(Bến Thương)
Và rồi khi đã níu sợi dây thơ của nữ sĩ Lan Hinh trôi qua hai mươi bến nước, lại băn khoăn hỏi bến nào? Bến nào trong, bến nào đục, bến nào ấm áp, bến nào tái tê? Hỏi để chủ động chọn lựa hay vẫn lúng túng, loay hoay ở tư thế bị động, mặc thuyền trôi nước đẩy? Nghiêng đôi mắt từ câu thơ nữ sĩ, vẫn thấy bến đàn bà sóng sánh mênh mông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận