Thất đỉnh là 7 đỉnh núi cao nhất, nóc nhà của 7 lục địa trên toàn cầu mà bất cứ nhà leo núi nào cũng mơ ước hoàn thành trong đời. Đến lúc này, hiện chỉ có một người Mỹ gốc Việt hoàn thành được thử thách chinh phục thất đỉnh là ông Khải Nguyễn - kỹ sư tin học ở California.
Céline Thanh Nhã, 37 tuổi, sống tại TP.HCM, hiện đã chinh phục thành công 6 đỉnh gồm: Everest, Elbrus, Kilimanjaro, Aconcagua, Vinson Massif và Puncak Jaya. Tháng 4-2024, Thanh Nhã sẽ lên đường chinh phục đỉnh Denali cao nhất Bắc Mỹ nữa là sẽ hoàn tất thất đỉnh.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với THANH NHÃ về đam mê thể thao và mục tiêu của cô.
* Từ nhỏ chị đã nghĩ đến chuyện sau này đi leo núi?
- Đúng là từ nhỏ tôi đã muốn trải nghiệm nhiều môn thể thao khác nhau. Lúc đó chưa từng nghĩ đến việc sau này sẽ yêu thích một môn thể thao mạo hiểm như leo núi. Môn thể thao tôi theo đuổi từ nhỏ cho đến giờ vẫn thường thi đấu nghiệp dư là golf. So với leo núi, golf ít tiêu tốn sức lực, mức độ tập luyện linh hoạt hơn và khá thích hợp cho phụ nữ như tôi.
* Vì sao một luật sư thành đạt như chị lại chọn con đường thể thao khắc nghiệt đến vậy?
- Nghề luật đến với tôi như một mối duyên tiền định. Tôi đã dành cả thanh xuân để học tập và trở thành một luật sư quốc tế. Điều thú vị là tôi bắt đầu trải nghiệm môn leo núi cũng bắt nguồn từ công việc luật sư.
Khi sang Malaysia làm việc cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Malaysia PETRONAS với tư cách luật sư, tôi có ấn tượng rất tuyệt vời về trải nghiệm leo núi. Khi về Việt Nam, tôi bắt đầu theo đuổi bộ môn này, tầm sư học đạo bài bản.
Hành trình theo đuổi leo núi của tôi mới lạ như một đứa trẻ tò mò khám phá. Đến nay, khi đã lên kế hoạch cho mục tiêu thất đỉnh và hoàn thành 6/7 đỉnh cao, tôi nhận ra leo núi không giống như môn thể thao thuần đam mê, mà là một "bài kiểm tra" tôi quyết tâm hoàn thành trong đời. Đây cũng là một cách để tôi hoàn thiện bản thân, đưa mình ra khỏi vùng an toàn, từng bước có một thân - tâm - trí mạnh mẽ, vững vàng hơn trong cuộc sống.
* Có gì mâu thuẫn giữa hình ảnh một luật sư ăn mặc lịch lãm trong văn phòng và một người leo núi với trang phục chuyên dụng, cheo leo trên những vách đá hoang dã, băng giá?
- Tôi đã thấy được nét tương đồng rất lớn giữa hành trình leo núi và sự nghiệp ngành luật của mình.
Luật sư bề ngoài rất chuyên nghiệp, chỉn chu, nhưng bên trong là những suy nghĩ mạo hiểm, đầy thử thách, cần có giải pháp đột phá, tính toán để rủi ro phải ở mức thấp nhất.
Đây cũng chính là điều mà một nhà leo núi phải suy nghĩ khi chinh phục đỉnh cao.
Thực tế, một số vụ án mà tôi tiếp cận trong vai trò luật sư cũng thách thức và gai góc như những ngọn núi trên hành trình chinh phục thất đỉnh vậy. Nếu có ý chí kiên cường, sự kiên nhẫn và tinh thần kỷ luật tuyệt đối, cộng với niềm yêu thích thì môn thể thao có khó đến mấy chúng ta cũng có thể chinh phục.
* Leo núi khó đến mức nào, đòi hỏi những gì ở một người chơi là nữ?
- Không một khâu nào trong hành trình leo núi là dễ dàng. Lên kế hoạch cụ thể là việc đầu tiên tôi làm. Khi đó, tôi tìm đến những người thầy, VĐV đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực leo núi để học hỏi như anh Nguyễn Mậu Linh (một trong ba người Việt đầu tiên chinh phục đỉnh Everest năm 2008).
Anh Linh là người thầy đầu tiên hướng dẫn tôi từng cách thắt dây thừng, bám người vào đá và khẩu lệnh. Kế đến là thầy Khoo Swee Chiow dạy tôi các bài học leo núi từ cơ bản đến nâng cao để có các chứng chỉ leo núi.
Khi bước vào hành trình leo núi, tôi cùng với những người bạn chuẩn bị chi tiết: lựa chọn hành lý, nghiên cứu địa hình, thời tiết, những yếu tố quan trọng của ngọn núi sắp leo và cả phương án cứu hộ để phòng rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Leo núi là môn thể thao khó, mạo hiểm. Khi trải nghiệm thực tế, người leo núi có thể đặt bản thân mình vào những tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Để có thể chinh phục một đỉnh núi cao trên 3.000m, người leo núi có thể phải dành ít nhất 1 năm rèn luyện. Chỉ cần xao nhãng, ngừng tập trong thời gian ngắn, thể lực có thể trở về con số 0. Hầu hết những người không đủ kiên trì đều bỏ cuộc ở giai đoạn này.
* Chị có thể nói gì với những phụ nữ, người trẻ hiện nay về mơ ước và cách thực hiện ước mơ?
- Một trong những câu nói tôi tâm đắc là từ cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher: "I am extraordinarily patient, provided I get my own way in the end" (Tôi cực kỳ kiên nhẫn, miễn là cuối cùng tôi được như ý của mình).
Trong những điều tuyệt vời của xã hội tiến bộ là tạo dựng môi trường nơi mà người phụ nữ được phát huy tiềm năng, không còn bị gò bó bởi định kiến. Ngay trong bản thân mỗi phụ nữ đã chứa nhiều điều bất ngờ, tạo nên sự khác biệt. Đôi lúc tôi cũng rất bất ngờ về lựa chọn, ngã rẽ trong cuộc đời mình để mở ra những cánh cửa mới.
Ước mơ là động lực để tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe, phát triển bản thân. Bạn không nên tự trói buộc mình trong những giới hạn, thay vào đó, có thể mạnh dạn và kiên nhẫn theo đuổi giấc mơ của mình.
Céline Thanh Nhã có tên tiếng Việt là Nguyễn Thanh Nhã. Sinh năm 1987, cô có hai bằng thạc sĩ ngành luật ở Đại học Sorbonne và Đại học Panthenon Assas (Pháp). Thanh Nhã hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ luật tại Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Cô cũng đang giữ vai trò là luật sư - giám đốc Công ty luật Celigal, đồng thời là chủ tịch quỹ đầu tư Yeti Capital. Thanh Nhã yêu đọc sách và là chuyên gia sưu tầm sách. Ngoài leo núi, Nhã có trên 15 năm chơi golf. Nữ luật sư còn thích trượt tuyết, nhảy dù, đua xe công thức và lái trực thăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận