Mata Hari, nữ gián điệp nổi tiếng nhất trong lịch sử - Ảnh: AFP
Sáng ngày 15-10-1917, một chiếc xe quân sự màu xám nổ máy rời nhà tù Saint-Lazare ở miền trung nước Pháp. Có ba hành khách ngồi sau xe: một phụ nữ Hà Lan 41 tuổi trong chiếc áo khoác dài, đội mũ phớt rộng, một nữ tu và một luật sư.
Quay lại một thập kỷ trước, người phụ nữ có thể tự hào rằng tất cả kinh đô châu Âu đều quỳ rạp trước chân bà. Hậu thế gọi bà là một vũ công huyền thoại, người đã chinh phục biết bao trái tim các vị lãnh đạo, ông trùm tư bản và cả tướng quân đội.
Nhưng rồi một ngày chiến tranh nổ ra, và thế giới thay đổi. Những người tình quyền lực của nữ vũ công trở nên tham lam, họ đòi hỏi những thứ khác ngoài tình dục. Họ muốn thông tin...
Một cuộc đời phi thường và bi kịch
Người phụ nữ Hà Lan tên thật là Margarethe Zelle, sinh năm 1876 tại thành phố Leeuwarden (Hà Lan). Bà được biết đến rộng rãi hơn dưới cái tên Mata Hari - nữ gián điệp lừng danh của thế kỷ 20.
Mata Hari trong tiếng Mã Lai có nghĩa là "Con mắt của ban ngày", tức Mặt trời. Cái tên có nguồn gốc từ vùng Đông Ấn, ngày nay là Indonesia nhưng trước kia là thuộc địa của Hà Lan. Tại đấy, Margarethe Zelle đã trải qua cuộc hôn nhân bất hạnh đầu đời với người chồng là sĩ quan quân đội.
Trở lại châu Âu trước ngày nổ ra đại chiến thế giới, Margarethe Zelle lột xác trở thành Mata Hari, một diva quyến rũ, đầy cám dỗ và tai tiếng của kinh đô Paris trong "kỷ nguyên tươi đẹp" (Belle Époque Paris, 1871 - 1914). Điệu múa mê hồn mang hơi hướm châu Á là tấm vé giúp Mata Hari bước chân vào xã hội thượng lưu châu Âu thời bấy giờ.
Cuộc sống nhuốm mùi bạc tiền và danh vọng ấy đã đưua Mata Hari lên rồi cũng dìm chết bà ấy. Quen lối sống "tiêu tiền như nước" nên khi sắc vóc không còn và điệu múa "phong vị lạ" cũng hết hấp dẫn thì Mata Hari thường xuyên bị nợ nần.
Thậm chí nếu không có chuyện gián điệp, Mata Hari vẫn sẽ được nhớ đến ngày nay vì những gì bà đã làm ở các thủ đô châu Âu đầu thế kỷ trước. Ít hay nhiều, bà là người đã biến thoát y trở thành một điệu nhảy"
Ông Hans Groeneweg, giám đốc bảo tàng Fries Museum (Hà Lan), mô tả trong cuộc phỏng vấn với Đài BBC
Nhiều năm trôi qua, các sử gia không ít lần đã lên tiếng bảo vệ Mata Hari. Một số ý kiến chỉ ra bà là "vật tế thần" của chính quyền Pháp thời đó nhằm biện hộ cho chuỗi thất bại liên tục trong cuộc chiến tranh.
Mata Hari bị cáo buộc quyến rũ các sĩ quan Đồng minh, moi tin tức tình báo từ họ trên giường ngủ rồi chuyển cho người Đức, dẫn đến cái chết của hàng ngàn binh lính.
Từ thời đó, nhiều bằng chứng trong vụ án Mata Hari cho thấy bà là một gián điệp hai mang, làm việc cho Pháp nhưng cuối cùng trở thành vật hy sinh trong một âm mưu chính trị.
Tài sắc đã biến Mata Hari thành một phụ nữ đầy hấp dẫn - Ảnh: AFP
Cuộc điều tra mờ ám
Dựa trên tài liệu giải mật của Bộ Quốc phòng Pháp trong năm nay, các sử gia có thêm chút manh mối trong vụ án dẫn đến cái chết của Mata Hari. Đáng chú ý, hầu hết các giả thiết đều dẫn đến kết luận nữ gián điệp vô tội vì bà đã chẳng có thông tin mật nào để cung cấp cho phía Đức!
Có một chi tiết được biết đến rộng rãi, đó là vào năm 1916, sau lần lưu trú ngắn ở London và bị hỏi cung bởi Cơ quan tình báo MI6 của Anh, Mata Hari trở về Pháp qua ngả Tây Ban Nha.
Tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, Mata Hari làm quen với Arnold von Kalle, tùy viên quân sự của Đức. Theo lời khai nữ gián điệp sau này, tất cả những gì bà làm là lợi dụng mạng lưới liên lạc người Đức trước chiến tranh để giúp đỡ phe Đồng minh, đúng theo thỏa thuận với cơ quan tình báo Pháp.
Tuy nhiên, một điện tín của von Kalle gửi về Berlin bị tình báo Pháp thu được đã trở thành bằng chứng kết tội Mata Hari làm gián điệp cho Đức. Nội dung của điện tín này thông báo cho Berlin biết mọi thông tin về một điệp viên mang bí danh H21, người không ai khác chính là Mata Hari.
Theo các sử gia, cả tập phim về bức điện tín sặc mùi nghi vấn. Trên thực tế, những gì Pháp công bố chỉ là bản dịch chính thức của bằng chứng quan trọng nhất khiến Mata Hari bị tử hình.
Nó dẫn đến giả thiết 1: Trước thời điểm chặn bức điện tín rất lâu, người Pháp đã bẻ được mật mã liên lạc của Đức và người Đức biết rõ điều này. Nhưng von Kalle vẫn gửi đi điện tín. Nói cách khác, ông ta muốn người Pháp đọc nó.
Theo giả thiết này thì người Đức đã xỏ mũi Pháp, dụ cho họ bắt giữ và xử tử chính điệp viên của mình.
Giả thiết 2: Tại sao Pháp không công bố bức điện tín gốc? Có thể nào họ đã sáng tác ra nó để quy tội cho Mata Hari? Bằng cách đó, Paris có được vật hy sinh bào chữa cho thất bại quân sự, trấn an sự bất mãn trong dân chúng
Trong cả hai giả thiết, Mata Hari đều là nạn nhân. Một trong hai phe cho rằng thủ tiêu nữ gián điệp có lợi cho họ, và họ đã làm điều đó.
Ngoài ra, tài liệu giải mật của Pháp còn hé lộ thêm một chi tiết khác, đó là trong lần hỏi cung tháng 6-1917, Margarethe Zelle đã thú nhận tất cả với công tố viên Pierre Bouchardon, rằng tình báo Đức chiêu mộ bà năm 1915 tại thành phố The Hague (Hà Lan).
Bị bắt giữ bên ngoài nước Pháp trước khi thế chiến nổ ra, Mata Hari muốn tìm mọi cách quay về Paris. Karl Kroemer, lãnh sự Đức tại Amsterdam, đã đề nghị giúp đỡ phương tiện, tiền bạc... đổi lại "thỉnh thoảng" Mata Hari phải cung cấp thông tin cho họ. Thế là điệp viên H21 ra đời.
Mata Hari thề với các điều tra viên Pháp rằng bà chỉ muốn lấy số tiền của người Đức rồi bỏ chạy, bà luôn trung thành với phe Đồng minh và chưa bao giờ phá vỡ lời hứa với tình báo Pháp.
Nhưng chỉ cần sự thú nhận này, bằng chứng chống lại Mata Hari đã được thiết lập.
Tài liệu của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) vẫn cho rằng Mata Hari bị xử oan nhưng cho đến giờ, phía Pháp vẫn không bao giờ chính thức giải oan cho nữ điệp viên từng làm cho mình.
********************************
Bức ảnh ngày Mata Hari ra pháp trường cách đây 100 năm. Có ý kiến nghi ngờ rằng đây chỉ là cảnh trong một bộ phim - Ảnh: AFP
Chiếc xe quân sự lăn bánh rồi dừng lại ở Chateau de Vincennes, khu ngoại ô phía đông Paris. Mata Hari được dẫn đến một khu đất trống có chiếc cọc dựng sẵn. Đội hành quyết bao gồm 12 người lính.
Người ta kể lại Mata Hari đã từ chối bịt mắt. Một tay bị trói vào chiếc cột, tay còn lại bà đã vẫy chào tạm biệt người luật sư.
Người chỉ huy hạ thanh kiếm lệnh trong một động tác dứt khoát. Loạt súng vang lên và người phụ nữ gục xuống đất. Một viên sĩ quan tiến đến gần với khẩu súng ngắn trong tay, bắn một phát ân huệ vào đầu người tử tù.
Sau vụ hành quyết, do không ai đến nhận nên thi thể của Mata Hari được chuyển đến Trường Y Paris để phục vụ công tác nghiên cứu. Đầu của nữ gián điệp được lưu giữ trong Viện bảo tàng Giải phẫu học, nhưng trong một lần kiểm tra cách đây 20 năm, nó đã biến mất.
Nhà chức trách kết luận là ai đó đã đánh cắp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận