Bà Maria Butina - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, thẩm phán Tanya Chutkan đã đưa ra mức án khớp với thời hạn tù do các công tố viên đề nghị, đồng thời cũng chấp thuận việc sẽ trục xuất bà Butina về nước sau khi hoàn thành án tù.
Vì án phạt này đã bao gồm 9 tháng bà Butina bị bắt giam kể từ khi bà bị bắt hồi tháng 7 năm ngoái nên bà Maria Butina, 30 tuổi, chỉ còn phải bị giam thêm 9 tháng nữa.
Trong bộ áo tù màu xanh lá, bà Butina bày tỏ sự ăn năn, hối hận vì những việc đã làm, cầu xin sự nhân từ của vị thẩm phán.
"Sau toàn bộ vụ bê bối quốc tế mà việc bắt giữ tôi đã gây ra tới nay, tôi cảm thấy xấu hổ và bối rối. Cha mẹ đã dạy tôi về phẩm giá của học vấn cao, cách sống đúng pháp luật và đối xử tử tế với người khác", bà Maria Butina nói với thẩm phán.
"Tôi có ba tấm bằng, nhưng giờ tôi lại bị kết án là người phạm tội, không việc làm, không tiền bạc và không tự do", bà tiếp.
Tháng 12 năm ngoái, bà Butina đã nhận một tội bị cáo buộc là có âm mưu hành động như một điệp viên nước ngoài, và chấp nhận hợp tác với các công tố viên trong quá trình điều tra.
Bà Butina thừa nhận đã cấu kết với một quan chức Nga và hai người Mỹ từ năm 2015 cho tới khi bà bị bắt khi xâm nhập Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) - một tổ chức có quan hệ mật thiết với những người Mỹ theo quan điểm bảo thủ và các chính trị gia đảng Cộng hòa, trong đó có Tổng thống Donald Trump - và thiết lập các tuyến liên lạc không chính thức nhằm can thiệp định hình chính sách của Washington có lợi hơn cho Matxcơva.
Sau khi tòa Mỹ tuyên án với bà Butina, tại Matxcơva Bộ Ngoại giao Nga cho rằng bản án với bà "có động cơ chính trị", đồng thời khẳng định người phụ nữ này bị kết án "chỉ vì bà ấy là một công dân Nga".
Trong khi đó, theo Hãng tin AFP, phát biểu với báo chí bên lề hội nghị tại Bắc Kinh ngày 27-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích bản án tòa Mỹ tuyên với bà Butina, gọi việc kết án này là hành động "độc đoán".
Tuy nhiên, các công tố viên Mỹ cho rằng bà Butina đã không tham gia các hoạt động gián điệp theo kiểu "truyền thống", mà theo cách thâm nhập vào giới chính trị bảo thủ của Mỹ, thúc đẩy các quan hệ thân thiết hơn giữa Mỹ và Nga. Bà đã thu xếp các bữa tối tại Washington và New York, tham dự nhiều sự kiện để gặp gỡ các chính trị gia nổi bật.
Ông Alexander Torshin, phó thống đốc ngân hàng trung ương Nga, là vị quan chức Nga được đề cập trong vụ việc của bà Butina. Tuy nhiên, ông Torshin không bị buộc tội.
Vụ việc của bà Butina độc lập với cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, những hoạt động của bà lại xảy ra trong cùng khoảng thời gian có những mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Nga mà nhóm của ông Mueller điều tra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận