24/10/2021 08:29 GMT+7

Nữ đại biểu Thái Bình họp Quốc hội... tại TP.HCM

TIẾN LONG thực hiện
TIẾN LONG thực hiện

TTO - Chị là bác sĩ tại Thái Bình nhưng ngày đêm cứu bệnh nhân ở TP.HCM. Là đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhưng chị lại đang thực hiện vai trò đại biểu trực tuyến tại điểm cầu trụ sở Đoàn Quốc hội TP.HCM.

Nữ đại biểu Thái Bình họp Quốc hội... tại TP.HCM - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu phát biểu ý kiến trong cuộc họp từ điểm cầu trụ sở Đoàn Quốc hội TP.HCM - Ảnh: T.LONG

Bởi chị là bác sĩ đang tham gia chống dịch tại TP.HCM và cũng đang làm tròn vai trong công tác đại biểu trong kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Chị là đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu - trưởng khoa dinh dưỡng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Đứng trước sự khốc liệt của dịch bệnh, có lo sợ nhưng ít bi quan, không mất niềm tin, nản chí giai đoạn đấy. Chúng ta có hôm nay là nhờ điều này!

Đại biểu Quốc hội TRẦN KHÁNH THU

Trách nhiệm người thầy thuốc

* Kỳ họp thứ 2 này diễn ra trong thời điểm dịch COVID-19 ở TP.HCM cũng đã giảm căng thẳng, sao chị chưa về Thái Bình dự họp cùng đoàn?

- Do đặc thù chương trình đợt 1 kỳ họp này có họp trực tuyến, mặt khác, nói dịch bớt căng thẳng nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện cần chúng tôi. Với vai trò trưởng đoàn, tôi chọn ở lại để cùng anh em tiếp tục "chiến đấu" cứu người.

Và tôi sẽ thực hiện vai trò đại biểu ngay tại TP.HCM. Nguyện vọng được tổng thư ký Quốc hội, lãnh đạo hai đoàn đại biểu chấp thuận và ủng hộ. Đây cũng là cơ hội, trải nghiệm cho tôi.

* Chị vào TP.HCM chống dịch từ thời điểm nào?

- Đầu đợt dịch đến nay ngành y tế Thái Bình cử 2 đoàn với 711 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế vào TP.HCM chống dịch. Tôi rời Thái Bình trước một ngày TP.HCM tăng cường các biện pháp chống dịch (ngày 22-8) với vai trò trưởng đoàn.

Thời điểm đó dịch căng thẳng, hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày, số ca tử vong tăng cao. Chúng tôi đều xác định vào đây không phải để hỗ trợ, mà vào với suy nghĩ đây thực sự là cuộc chiến của chính bản thân mình.

Giờ nhìn lại thấy an ủi vì tôi cùng đồng nghiệp đã vượt qua được giai đoạn khó khăn đấy. Cũng có nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã ngã xuống trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần này.

Sửng sốt trước dịch!

* "Tham chiến" giữa thời gian đỉnh điểm dịch COVID-19 hoành hành, hệ thống y tế quá tải, chị có lo lắng?

- Tôi và các đồng nghiệp có hai năm kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 ở địa phương. Trước ngày vào TP.HCM chúng tôi được tỉnh trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Vậy nhưng mới đầu chúng tôi thực sự sửng sốt trước sự khốc liệt của dịch. Bệnh viện dã chiến Bình Thạnh nơi tôi nhận nhiệm vụ thuộc tầng 2 trong hệ thống điều trị. Nhưng những ngày đầu vào chúng tôi tiếp nhận cả những bệnh nhân nặng, nguy kịch phải thở máy; người già có bệnh lý nền nặng.

Là bác sĩ chuyên ngành răng - hàm - mặt, khi lao vào cuộc chiến chống dịch tôi phải vừa trực tiếp điều trị, vừa học hỏi nhanh kinh nghiệm để cứu mạng sống người bệnh.

Nhờ chuẩn bị chu đáo của địa phương ban đầu và sự đào tạo ngành nghề ngay trong cuộc chiến, chúng tôi nhanh chóng vượt qua cảm xúc ban đầu để bắt nhịp cùng các êkip cán bộ của bệnh viện cứu chữa người bệnh và có những kết quả như hiện nay.

* Dịch bệnh ở thành phố cũng tạm kiểm soát, điều gì chị thấy đọng lại trong trải nghiệm khốc liệt vừa qua?

- Tôi nghĩ không chỉ cá nhân tôi mà cả anh chị em y tế đều trải qua những tháng ngày lẫn lộn cảm xúc, những giây phút để đời. Đất nước là một cơ thể thống nhất, khi TP.HCM đau tất cả chúng tôi đều đau.

Chính vì thế trong những ngày cùng TP.HCM chống dịch, cá nhân tôi cùng anh em lực lượng tuyến đầu thấy xúc động, tự hào bởi tinh thần đoàn kết, chung tay, nắm tay để giữ vững niềm tin vượt qua khó khăn.

Vị trí nào cũng là để giúp dân

* Để an tâm vào TP.HCM hơn hai tháng chống dịch, hẳn chị có "hậu phương" rất vững chắc?

- Chồng tôi cũng là người trong ngành và trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch ở địa phương nên cũng hiểu và chia sẻ. Bên cạnh đó tôi luôn được sự ủng hộ của gia đình cũng như bạn bè, đồng nghiệp, cơ quan bố trí sắp xếp để tôi yên tâm thực hiện nhiệm vụ của mình.

Những ngày đầu dịch căng thẳng tôi có lo lắng nhưng gia đình luôn động viên và hiểu tôi không đơn lẻ trong cuộc chiến, bên cạnh còn có đồng nghiệp.

* Khi ứng cử chị hứa gì với cử tri, đến nay chị thấy làm được những gì trong những lời hứa đó?

- Ứng cử đại biểu Quốc hội tôi nghĩ vai trò của mình là cán bộ y tế nên mong muốn đem những kiến thức, kinh nghiệm, năng lực của mình để có được các giải pháp làm sao làm tốt việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Và đặc biệt thời điểm ứng cử dịch COVID-19 đợt 4 bắt đầu bùng phát, tôi mong muốn đóng góp một chút sức nhỏ bé để chung tay cùng ngành y tế ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Và vui vì công việc của tôi vừa qua và trong giai đoạn đang làm là một trong những nhiệm vụ tôi hứa trước dân.

* Điều gì chị muốn gửi gắm lúc này?

- TP.HCM nhanh chóng đứng dậy, khỏe mạnh để người dân trở lại nhịp sống thường nhật là mong muốn lớn nhất của tôi. Với vai trò đại biểu, mới tham gia khóa đầu nhưng qua đại dịch cũng giúp tôi suy nghĩ dù ở vai trò, vị trí công việc nào thì mục tiêu hướng đến của người đại biểu vẫn là nỗ lực đem nhiều điều tốt nhất cho người dân, cử tri.

Đại biểu Quốc hội tại TP.HCM: Chống dịch COVID, Nhà nước không đủ sức Đại biểu Quốc hội tại TP.HCM: Chống dịch COVID, Nhà nước không đủ sức 'ôm' lâu dài

TTO - Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng chưa có chính sách tiêm dịch vụ vắc xin ngừa COVID-19, chưa có cơ chế để khám chữa bệnh ngoài công lập với COVID-19, Nhà nước vẫn “ôm” là chưa phát huy thế mạnh của y tế tư nhân, cần thay đổi.

TIẾN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp