Ngân Thương (giữa) duyên dáng ở bài thi aerobic dance - Ảnh: T.P. |
Đã lâu lắm rồi người hâm mộ mới được thấy lại đôi mắt như biết nói, nụ cười với chiếc răng khểnh duyên dáng... - “thương hiệu” đã cùng Ngân Thương trải suốt sự nghiệp VĐV thể dục dụng cụ của mình. Và bây giờ, cô lại khiến người hâm mộ có một cái nhìn hoàn toàn mới về mình.
“Tay ngang” đoạt HCĐ châu Á
Khi Ngân Thương nắm tay đồng đội bước ra sàn đấu aerobic dance và aerobic step, khán giả VN đã ồ lên vỗ tay khi thấy lại “cô gái vàng” của thể thao VN một thời. Đáp lại, Ngân Thương đã “cháy” hết mình với nhiều động tác bay nhảy rất khó.
Dù có vóc dáng nhỏ nhất (chỉ cao 1,46m) nhưng Ngân Thương thể hiện được vai trò thủ lĩnh khi xung phong lãnh những nhiệm vụ mạo hiểm nhất kể cả nhào lộn người từ trên không. Và đây chính là điểm mạnh của đội tuyển VN bởi với lợi thế xuất thân từ thể dục dụng cụ, động tác của Ngân Thương vừa khỏe khoắn, lại dứt khoát. Bất cứ trong tình huống nào, Ngân Thương cũng đủ kinh nghiệm để giữ cho mình gương mặt rạng rỡ đầy bản lĩnh.
Nhưng tổng thể, đội VN vẫn chưa hoàn toàn phối hợp nhịp nhàng và các động tác cũng không có độ khó cao nên chỉ đoạt 2 HCĐ nội dung aerobic dance và aerobic step. Dù vậy, thành tích này cũng là điều khích lệ lớn bởi đây là hai nội dung thi đấu hoàn toàn mới tại VN. Càng xúc động khi biết mỗi lần đáp người xuống đất, Ngân Thương vẫn cảm thấy thốn ở mắt cá chân.
Ngân Thương chia sẻ: “Đối với tôi, sự nghiệp VĐV thể dục dụng cụ chỉ đạt đến đỉnh cao là 7 HCV ở các kỳ SEA Games. Phải đến khi đến với aerobic, tôi mới có được huy chương cấp châu Á. Nhưng điều khiến tôi hạnh phúc nhất là một lần nữa được bước lên sàn đấu dù là aerobic chứ không phải thể dục dụng cụ”.
Khát khao tỏa sáng
Ngân Thương từng có sự nghiệp VĐV thể dục dụng cụ quá nhiều thăng trầm. Cô thuộc thế hệ VĐV đầu tiên của VN thành công khi bước ra đấu trường quốc tế. Nhưng tất cả đổ sụp khi Ngân Thương dính doping tại Olympic 2008 mà theo lý giải của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) là do cô không am hiểu về sử dụng thuốc.
Sau đó, Ngân Thương vẫn đứng dậy đầy bản lĩnh để giành tiếp 2 HCV, 1 HCB ở SEA Games 2011 trong tình trạng bị chấn thương. Nhưng rồi Ngân Thương cũng phải nói lời chia tay sự nghiệp ở tuổi 23 vì chấn thương dai dẳng. Tuy nhiên, cô vẫn quyết không rời xa thể thao mà theo học đại học và đang làm HLV đội thể dục dụng cụ trẻ Hà Nội.
Nói về “ngã rẽ” bất ngờ này, Ngân Thương chia sẻ: “Môn aerobic dance và aerobic step rất mới ở VN nên thiếu VĐV và tôi xung phong đến với nó. Nhiều người nói đó chỉ là một cuộc dạo chơi nhưng tôi lại coi đây là một trải nghiệm nghiêm túc. Tôi còn là chỗ dựa tinh thần cho đội bởi hầu hết các đồng đội đều kém tôi gần 10 tuổi”.
Để chuyển sang aerobic, Ngân Thương tốn không ít công sức tập luyện. Cô cho biết: “Động tác aerobic không đòi hỏi độ khó và chính xác cao như thể dục dụng cụ nhưng có nhiều điểm khác. Aerobic đòi hỏi sự cảm thụ và hòa mình với âm nhạc rất cao nên tôi phải tập thích nghi. Nhưng khó nhất chính là việc tôi đã quen tập và thi đấu một mình (ở môn thể dục dụng cụ trước đây) nên rất mất thời gian để hòa nhịp cùng bảy đồng đội trên sân đấu”.
Ngân Thương nói: “Tất cả khó khăn đó không làm tôi nản chí. Dù không còn đủ khả năng thi đấu thể dục dụng cụ nhưng trong tôi vẫn luôn khát khao được thi đấu và tỏa sáng. Chưa biết năm sau tôi có theo aerobic nữa hay không nhưng đây là một trải nghiệm tuyệt vời bởi tôi thật sự được sống lại những ngày tháng tranh tài sôi nổi trước đây”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận