16/05/2018 12:15 GMT+7

Nữ công nhân vào giảng đường đại học

NGỌC HIỂN ghi
NGỌC HIỂN ghi

TTO - Ba nữ sinh, ba hoàn cảnh, đến từ ba vùng đất khác nhau nhưng họ có một điểm chung là từng khoác lên mình màu áo công nhân, mưu sinh trong các khu công nghiệp.

Nữ công nhân vào giảng đường đại học - Ảnh 1.

Với các công nhân, đa phần thời gian, tuổi trẻ của họ gắn bó với nhà xưởng - Ảnh minh họa: Ngọc Hiển

Quá thấu hiểu những nỗi khó nhọc trong cuộc sống công nhân, họ quyết tâm tìm tương lai trên con đường học, rời bỏ nhà xưởng để thi đậu vào ba trường ĐH ở TP.HCM. Nhân diễn đàn "Nâng chất đời sống công nhân", cả ba nữ sinh cùng ngồi lại chia sẻ với Tuổi Trẻ về những trăn trở của cuộc sống công nhân mà họ đã trải qua.

Tôi thấy đời công nhân cứ đi làm về rồi lăn ra ngủ, lặp đi lặp lại trong khi tương lai là một thứ gì đó rất mơ hồ

PHẠM THỊ THÚY

* Phạm Thị Thúy (quê Nghệ An, Học viện Hành chính quốc gia):

Ốm đau không dám nghỉ

Tôi từng làm công nhân ở KCN Sóng Thần (Bình Dương) trong hơn hai năm. Ở quê, tôi nghĩ rằng cuộc sống công nhân an nhàn, nhưng khi khoác áo công nhân mới thấm thía nỗi cơ cực. Đi làm khi mặt trời chưa lên, trở về lúc trăng lên, cuộc sống công nhân gần như không biết trời nắng, mưa thế nào. 

Chúng tôi luôn chịu áp lực chạy theo sản lượng bởi làm việc theo dây chuyền chứ không phải làm thủ công và luôn luôn có 2-3 người giám sát (tổ phó, tổ trưởng, quản đốc).

Đa phần người giám sát thường quát mắng, la lối, thậm chí chửi rủa công nhân. Đã có lúc tôi đặt câu hỏi tại sao mình đi làm trên chính đất nước mình mà lại để những người nước ngoài họ mạt sát như thế. 

Khi ốm đau, rất khó để chúng tôi xin nghỉ vì vị trí đó sẽ không có ai thay thế, nghỉ phải có giấy của bệnh viện xác nhận mới không bị kỷ luật và không bị cắt tiền chuyên cần nên nhiều người dù bệnh tật cũng gắng gượng đi làm. 

Những tháng tăng ca tôi phải đi làm từ 7h sáng đến 4h sáng hôm sau, nghỉ ngơi vài tiếng rồi lại vào nhà xưởng lúc 12h trưa. Lịch làm việc cứ xoay vòng liên tục như thế. 

Làm việc trong môi trường độc hại, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất nhưng chúng tôi không được trang bị bảo hộ lao động hợp lý, có những công nhân làm việc với máy móc không đảm bảo dẫn đến bị thương tật.

Về chỗ ở, chúng tôi thường chỉ kiếm những nhà trọ tồi tàn và ở ghép nhiều người để tiết kiệm chi phí. Điều đáng nói là những khu này kém an ninh, chúng tôi luôn nơm nớp lo sợ mất tài sản, sợ bị bỏ thuốc mê, sợ mất xe... cuộc sống rất bấp bênh bởi những nguy hiểm luôn rình rập.

Về chuyện ăn uống, cơm công ty quá đạm bạc, khó ăn, nhiều người phải tự nấu cơm hoặc ra ngoài ăn, nhưng đa phần chọn cách ăn tại công ty cho qua bữa, lấy sức làm việc dù rất lo ngại chuyện ngộ độc thực phẩm.

* Phạm Thị Côi (quê Quảng Ngãi, ĐH Ngân hàng TP.HCM):

Ám ảnh ca đêm

Trải qua quãng thời gian công nhân tôi mới ngộ ra niềm vui và thanh xuân của mình lúc đó đều đổ vào công việc. Ngày ngày tôi đều phải đi làm đều đặn 12 tiếng, từ 6h-18h. Làm 12 tiếng mỗi ngày nhưng chỉ có 30 phút ăn trưa, nghỉ ngơi. 

Công ty có đến 2.000 công nhân, nên cứ đến giờ ăn ai cũng phải vội vã xếp hàng bởi sợ không kịp giờ, sợ hết thức ăn. 

Tôi đi làm từ thứ hai đến thứ bảy, cũng có khi đi làm chủ nhật, suốt ngày chỉ biết nhà xưởng và căn phòng trọ chật hẹp. Cứ làm một tuần ca ngày, tôi lại phải chuyển sang ca đêm một tuần, cũng 12 tiếng.

Có những hôm mệt rã rời, tôi chỉ mơ đến năm phút chợp mắt. Có những bạn cùng tuổi, vô cùng lúc với tôi nhưng chỉ làm được hai đêm là bỏ việc luôn vì không chịu nổi. 

Đời công nhân giống như một vòng tuần hoàn khép kín: đi làm - về nhà ngủ và lại đi làm. Tôi thấy công nhân như những con ong cần mẫn chỉ biết làm việc theo một khuôn khổ có sẵn, chẳng có thời gian để chăm sóc hay phát triển bản thân.

* Phạm Thị Hoa (quê Bạc Liêu, ĐH Kinh tế TP.HCM):

Bỏ luôn cơm tối

Ba năm trước, tôi đi làm công nhân, công việc bắt đầu từ 8h-17h, những người thợ như chúng tôi phải đứng để làm việc liên tục, gần như không có thời gian nghỉ. 

Thời gian nghỉ trưa chỉ một giờ, ăn uống xong chỉ còn 30 phút. Công nhân thường lấy những cái bao cũ, cắt ra để lót nằm trong 30 phút còn lại đó.

Có những lúc hàng gấp phải tăng ca, tôi phải làm thêm ca tối, kéo dài đến 23h, có khi tận 2-3h sáng mới được về nhà. Những lúc như thế, về được đến nhà là tôi chỉ muốn ngủ ngay, bỏ luôn cả cơm tối. 

Phòng trọ của công nhân cũng khá lụp xụp, ở những khu nhiều nhà xưởng thì nhà trọ càng đắt đỏ trong khi điều kiện cũng tệ hơn những chỗ khác. 

Phòng nhỏ, nóng nực nhưng chỉ thuê để ngủ buổi tối nên ai cũng chấp nhận. Có những khi mệt mỏi, ốm đau nhưng không dám nghỉ, một phần vì công việc nhiều, một phần sợ bị trừ lương.

Về đời sống tinh thần, tuy không da dạng nhưng cũng đủ để có thể giải tỏa mệt mỏi sau một tuần làm việc. 

Thỉnh thoảng vào cuối tuần, chúng tôi tụ tập tại phòng trọ của một người rồi nấu ăn cùng nhau hoặc lâu lâu có thể tụ tập đi karaoke. 

Đối với người công nhân, tương lai của họ là những đứa trẻ, là con cái của họ. Mỗi ngày đi làm, được tăng lương là niềm vui và họ có thể để dành chút tiền để sau này con cái được đi học, có cuộc sống tốt hơn cha mẹ bây giờ.

Mời tham gia diễn đàn

Hưởng ứng Tháng công nhân năm 2018, báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn mang tên "Nâng chất đời sống công nhân" với mong muốn nhận được nhiều ý kiến, giải pháp, đề xuất, hiến kế từ bạn đọc để giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ công nhân lao động trên cả nước.

Diễn đàn cũng là nơi để người công nhân nói về cuộc sống của mình, những trăn trở, suy tư và mong muốn của họ. Mọi ý kiến đóng góp cho diễn đàn xin gửi về địa chỉ email: [email protected].

TTO - Chị Nguyễn Thị Phương (45 tuổi, quê Bình Định) đã gắn cuộc đời với nghiệp công nhân may gần 10 năm. Và chị không phải là trường hợp hiếm.

NGỌC HIỂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp