Gần 400 viên sỏi ken chặt trong túi mật bệnh nhân, gây tình trạng viêm túi mật mãn tính, đau tức hạ sườn - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ca phẫu thuật nội soi cắt túi mật cho bệnh nhân nữ 60 tuổi ở Thái Nguyên diễn ra hôm nay, 27-12, tại Bệnh viện E. Điều đặc biệt, trong túi mật của bệnh nhân chứa đến gần 400 viên sỏi, viên lớn nhất có đường kính 1cm, có viên màu vàng, có viên nâu đen.
Theo lời kể của bệnh nhân, bệnh nhân đã phát hiện có sỏi túi mật từ năm 2014, nhưng do không thấy đau và bệnh nhân chỉ điều trị nội khoa tại bệnh viện tuyến tỉnh. Kết quả là bệnh vẫn âm thầm tiến triển, trở thành viêm túi mật mãn tính tái phát nhiều lần.
Gần đây, bệnh nhân đau tức vùng hạ sườn, kết quả khám cho thấy túi mật có nhiều sỏi lấp đầy, thành mật dày do viêm mãn tính, không có dịch mật. Tại Bệnh viện E, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật.
PGS-TS Đỗ Trường Sơn, trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện E, cho hay đã từng có những trường hợp có tới 400 viên sỏi trong túi mật tương tự bệnh nhân này.
Sỏi túi mật số lượng nhiều đến như vậy bắt nguồn từ việc bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, cộng với rối loạn chuyển hóa do tuổi cao ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol của dịch mật trong túi mật, dễ hình thành sỏi.
Bác sĩ Sơn cũng cho biết trong nhóm đối tượng dễ mắc sỏi mật, phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn nam giới. Ngoài ra, người ít vận động, ngồi nhiều, thừa cân hoặc béo phì, đái tháo đường và trên 60 tuổi, người có chế độ ăn uống quá nhiều cholesterol hoặc có chế độ ăn uống quá kiêng khem sẽ có nguy cơ bị sỏi túi mật cao hơn.
Muốn phòng bệnh, bệnh nhân nên có chế độ ăn cân đối dinh dưỡng, nhiều rau xanh, hạn chế bia rượu, đồ uống có ga và tập thể dục thường xuyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận