Nữ bác sĩ trẻ Lò Thị Thanh Hợp - Ảnh: HÀ THANH
5 năm công tác ở Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), nữ bác sĩ trẻ Lò Thị Thanh Hợp (32 tuổi, trưởng khoa nhi) vừa phụ trách khoa nhi, vừa khám chữa bệnh tại các khoa lâm sàng, lại vừa cùng đồng nghiệp chiến đấu với dịch bệnh.
Những ngày dịch bùng phát mạnh ở huyện nghèo Nậm Pồ, mạng xã hội lan truyền hình ảnh xúc động về các "chiến sĩ áo trắng" tranh thủ chợp mắt bên vệ đường. Căng mình làm việc với hơn 100% sức lực, đội ngũ bác sĩ, nhân viên, lái xe y tế nơi đây không quản ngày đêm tham gia chống dịch.
Có hôm làm xét nghiệm xong cũng đã khoảng 11 - 12h đêm, lúc đó một mình trên chiếc xe máy đi từ trong điểm bản trở ra ngoài, đêm xuống sợ lắm, nhiều khi mệt rã rời nhưng phải cố gắng để làm tốt nhất có thể.
Chị Hợp bộc bạch
Vượt núi, băng rừng chữa bệnh cho bà con
Đôi mắt đỏ hoe, chị Hợp không giấu được xúc động khi nhớ lại những ngày tháng khó quên (tháng 5, 6-2021) khi trời miền núi nắng như thiêu đốt lại mặc trên mình bộ quần áo bảo hộ kín mít, mồ hôi ướt sũng, vệt khẩu trang in hằn lên cả gương mặt. Nhưng khó khăn nhất là hằng ngày vượt núi, băng rừng đến từng bản làng vùng sâu, vùng xa tham gia truy vết dịch tễ các trường hợp.
Thời điểm đó, Nậm Pồ là điểm nóng COVID-19. Thiếu cả nhân lực và vật lực, nhưng "thời gian là vàng", các bác sĩ và nhân viên y tế không thể để chậm trễ dù chỉ một phút giây. Đường sá vùng núi xa xôi, hiểm trở. Từ trung tâm huyện xuống từng xã, từng bản có khi mất nửa ngày mới đến được tận nơi.
Chị chia sẻ nhớ nhất là đợt phải đi lấy mẫu xét nghiệm ở xã biên giới cách trung tâm y tế khoảng 20km đường núi. Lúc đến nơi, bà con không ở nhà mà đang đi làm trên nương rẫy. Anh em cán bộ y tế kiên nhẫn chờ đợi đến khi đêm buông xuống thì bà con đi làm nương mới trở về và công tác lấy mẫu xét nghiệm, truy vết được tiến hành ngay trong đêm.
Có những ngày vừa hoàn thành xong tour trực 24 giờ ở trung tâm y tế, cả đêm phải thức trắng chữa trị cho bệnh nhân nhưng sáng hôm sau nhận nhiệm vụ xuống bản, chị tiếp tục một mình trên chiếc xe máy đến với bà con. Đi suốt cả ngày lẫn đêm, trưa không nghỉ, đôi mắt đỏ hoe vì mệt mỏi nhưng chị chỉ tranh thủ chút ít thời gian chợp mắt để lấy lại sức lực, tiếp tục với cuộc chiến chống COVID-19.
Khó nhất là ở bản vùng sâu vùng xa. Mới đầu bà con chưa hiểu rõ về tình hình dịch bệnh, chưa kể gặp khó khăn về rào cản ngôn ngữ, các y bác sĩ phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, của trưởng bản cùng tham gia công tác tuyên truyền, vận động người dân nắm bắt được thông tin về dịch bệnh COVID-19.
Đồng thời, vận động bà con tuân thủ các quy định trong phòng chống dịch, chủ động khai báo y tế hoặc chủ động cách ly khi về từ các vùng đang có dịch, tuyên truyền cho bà con hiểu biết và nhận thức rõ hơn về hiệu quả của tiêm phòng vắc xin COVID-19 nhưng phải "dân vận khéo" để tránh gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
"Đó là nhiệm vụ của người bác sĩ, của tất cả anh em trong lực lượng. Dù khó khăn vất vả, căng mình chiến đấu nhưng ai cũng cố gắng hết sức để làm sao đẩy lùi dịch bệnh ở địa phương" - bác sĩ Hợp chia sẻ.
Nữ bác sĩ trẻ Lò Thị Thanh Hợp xung phong về vùng khó chữa bệnh cho bà con vùng cao - Ảnh: HÀ THANH
Xung phong về vùng khó
Là con em dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở huyện Nậm Pồ, nữ bác sĩ Lò Thị Thanh Hợp thấu hiểu được những khó khăn, vất vả trong công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ở vùng sâu vùng xa.
Tốt nghiệp Trường ĐH Y dược Thái Bình, chị quay trở về địa phương công tác. Một năm sau, chị tham gia vào dự án 585 - "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" của Bộ Y tế.
Được sự tín nhiệm của lãnh đạo và đồng nghiệp, chị Hợp được tin tưởng đảm nhận trọng trách trưởng khoa nhi của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ.
Mới đây chị một mình lặn lội xuống thủ đô tham gia lễ vinh danh 10 gương mặt Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021 trên mặt trận phòng chống đại dịch COVID-19.
Điều kiện đường sá xa xôi vất vả, dịch bệnh ở địa phương vẫn còn phức tạp, không có người thân hay bạn bè cùng xuống thủ đô chung vui, mới đầu nữ bác sĩ trẻ thoáng chút buồn.
Thế nhưng sau đó nỗi buồn nhanh chóng được xua đi khi chị được gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều thầy thuốc giỏi ở tuyến trung ương cũng như các địa phương khác, nhờ đó giúp bác sĩ trẻ học hỏi, đúc rút được thêm nhiều kinh nghiệm quý giá, trau dồi kiến thức chuyên môn.
Nhận giải thưởng xong, bác sĩ Hợp tức tốc quay về Nậm Pồ. Chị chia sẻ, thời điểm này số lượng ca F0 tăng nhanh, một số nhân viên y tế ở trung tâm cũng đang trong diện F0.
Nhận nhiệm vụ mới, trên chiếc xe gắn máy, chị cùng đồng nghiệp lại lặn lội đường xa, vượt mưa gió, sương mù nơi vùng núi cao để đến với bà con, tiếp tục lao vào cuộc chiến chống dịch cam go.
"Nhận thông tin là 1 trong 10 gương mặt thầy thuốc trẻ được tuyên dương, tôi không dám tin đó là sự thật, rất bất ngờ và rất vui. Ở địa bàn vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, điều kiện trang thiết bị không đủ và không có nhiều nhân lực, điều tôi mong mỏi nhất là nhận được sự hỗ trợ của các anh chị đồng nghiệp ở tuyến trên, tư vấn về mặt chuyên môn, tạo ra mạng lưới thầy thuốc gắn kết từ trung ương đến cơ sở.
Mỗi khi có ca bệnh khó ở tuyến cơ sở, vùng sâu vùng xa, tôi cũng mong có thể được chia sẻ, hỏi ý kiến, tư vấn từ xa của các anh chị ở tuyến trên để làm sao cứu chữa người bệnh kịp thời và tốt nhất" - bác sĩ Lò Thị Thanh Hợp mong muốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận