Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tùng quyết định gọi điện giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy xin trở lại làm "hậu phương" hỗ trợ cho các đàn em điều trị bệnh nhân trong đợt dịch căng thẳng này - Video: N.H
"Cố gắng giữ gìn sức khỏe cho bản thân. Rồi nghỉ ngơi đi nha" - nữ bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ kín mít vỗ tay nhẹ vào vai người bệnh nằm trên giường nói với giọng run run. Dứt lời, bà lại tiếp tục sải bước qua giường cạnh bên ân cần thăm hỏi bệnh nhân như thể người thân yêu ruột thịt của mình.
"Cho chị làm hậu phương nhé"
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tùng - Ảnh: N.H
Khoảng một tuần nay, các bệnh nhân chạy thận tại khoa thận nhân tạo của Bệnh viện Chợ Rẫy được "đón tiếp" một vị khách đặc biệt. Đó là nữ bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tùng (56 tuổi), người đã gắn bó hơn nửa đời mình cho bệnh viện, cho những bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Lần trở lại này cũng thật đặc biệt, đó là khi nữ bác sĩ này đã "gác kiếm" nghỉ hưu hơn một năm nay.
Một chiều cuối tuần, điện thoại của bác sĩ Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - nhận được cuộc gọi. Đầu giây bên kia, giọng bác sĩ Tùng nói: "Chị thấy anh em cực quá. Các bạn trẻ còn sức cũng đã ra tuyến đầu, em cho chị xin phép làm hậu phương san sẻ bớt công việc cho các em yên tâm chiến đấu" - bác sĩ Thức kể lại.
Xin trở lại bệnh viện, bác sĩ Tùng nói với giám đốc bệnh viện sẽ làm việc không giới hạn thời gian, "còn sức còn làm" và chỉ cần ngày 3 bữa cơm chay thôi. Vậy là bác sĩ Thức "gật đầu" đồng ý.
"Đầu tiên khi nghe chị Tùng đề xuất tôi rất bất ngờ và cảm phục trước tinh thần của một người đàn chị đã nghỉ hưu. Tinh thần xung phong muốn góp sức chống dịch cùng nhân dân TP.HCM khiến tôi rất cảm động" - bác sĩ Thức chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tùng quay trở lại với công việc của một người bác sĩ tại khoa thận nhân tạo sau hơn 1 năm nghỉ hưu - Ảnh: N.H
Vài ngày sau bà quay lại bệnh viện. Dù khoa thận nhân tạo như là "nhà", nhưng lãnh đạo bệnh viện vẫn trực tiếp đưa bà xuống khoa, trao đổi với trưởng khoa để phân công nhiệm vụ giống như một bác sĩ chính thức. Bác sĩ Thức nói: "Khi chị Tùng quay lại làm việc đã thúc đẩy một tinh thần chống dịch và vì cộng đồng rất mạnh mẽ cho anh em trong bệnh viện. Đó là điều rất đáng trân trọng".
Sự trở lại của bác sĩ Tùng không chỉ tiếp thêm niềm tin cho đồng nghiệp, cả cho những bệnh nhân chạy thận, vốn dĩ gắn bó thời gian dài chống chọi bệnh tật. Với bác sĩ Tùng, họ đều "biết mặt quen tên", thậm chí còn "rất thân" nữa. "Thấy chị, những bệnh nhân cũ họ mừng, vui dữ lắm" - bác sĩ Thức xúc động kể lại.
Đau lòng khi chứng kiến Sài Gòn oằn mình chống dịch
Với kinh nghiệm dày dặn, bác sĩ Tùng được bố trí công việc điều trị như một bác sĩ bình thường tại khoa thận nhân tạo. Ngày ngày bà vẫn xuất hiện đúng giờ, vẫn đến bên từng người bệnh kiểm tra, ân cần hỏi han sức khỏe.
Suốt 30 năm gắn bó với ngành y, bác sĩ Tùng bảo rằng bà đã có cơ hội làm việc với nhiều thế hệ giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Dù về hưu, bà vẫn luôn theo dõi các công việc tại bệnh viện.
Bà ân cần kiểm tra, hỏi thăm và động viên người bệnh - Ảnh: N.H
"Đối với tôi bệnh viện giống như mái ấm gia đình. Tôi xem đồng nghiệp là những anh chị em; còn bệnh nhân là những người cha, chú,anh, chị, con, cháu của mình vậy" - vị bác sĩ 56 tuổi tâm sự.
Nói về quyết định xin trở lại làm việc, bà bảo trước tình hình dịch COVID-19 lan rộng, TP.HCM cũng như cả nước đang chung tay chống dịch một cách triệt để. Và lực lượng y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy không là ngoại lệ, họ được điều phối đi nhiều nơi để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh.
Dù biết rằng vai trò của mình chỉ rất nhỏ, nhưng bà nói vẫn muốn đóng góp một chút công sức để đền ơn đáp nghĩa với những thế hệ đi trước..."Với tôi Sài Gòn như là quê cha, đất tổ của mình. Nhìn dịch bệnh ngày một lan rộng tôi rất đau lòng. Tôi thiết nghĩ mình nên góp một chút sức lực nào đó để đóng góp cho nơi mình được sống, lớn lên. Mong sao đại dịch này qua nhanh và không để lại những hậu quả quá nặng nề" - bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tùng tâm sự.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bác sĩ Tùng là người rất có kinh nghiệm, sau khi về hưu mặc dù có rất nhiều bệnh viện tư mới hợp tác nhưng bà không đồng ý, nghỉ luôn cho đến khi xin quay lại làm việc tại bệnh viện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận