23/05/2010 07:34 GMT+7

NSƯT Thanh Thanh Hiền: Giả vờ yêu là chết!

THUẬN VŨ
THUẬN VŨ

TT - Bỏ hết sô diễn hơn một tháng qua để vào Nam tham gia vở cải lương Bà chúa thơ Nôm, NSƯT Thanh Thanh Hiền thú nhận: "Phải quen dần với cách làm việc của nghệ sĩ Sài Gòn. Cứ phóng khoáng, chẳng có gì căng thẳng, rồi thì đâu cũng ra đó".

qoK0xd6i.jpgPhóng to
NSƯT Thanh Thanh Hiền trong Bà chúa thơ Nôm - công diễn tại Nhà hát TP.HCM tối 22-5 - Ảnh: T.Vũ

Xem chị trên sàn tập, thấy một Thanh Thanh Hiền rút hết ruột cho nghề. NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc - người dàn dựng vở cải lương lần đầu bén duyên với ca trù, hát xẩm, chèo - hào hứng kể: "Chỉ mấy ngày tập vở, Hiền đã thuộc trôi chảy, chẳng sai một chữ. Kịch bản này Linh Huyền chuyển thể từ những bài thơ Nôm, mà ngôn ngữ Nôm thì khó hiểu lắm. Nhưng Hiền không chỉ thuộc, mà còn thả hồn vào từng câu ca, lời thoại".

Hiền vào vai nhanh và ngọt. Cách làm việc khiến NSƯT Trần Minh Ngọc thích thú: "Giá mà tinh thần các nghệ sĩ đều như Hiền, tập đúng giờ, chết sống với nhân vật và thuộc tuồng như cháo thì đạo diễn sẽ bay bổng hơn trong dàn dựng". Bỏ mặc vị đạo diễn đang say sưa khen ngợi diễn viên, Thanh Thanh Hiền quay qua làm việc với dàn nhạc, chi tiết đến từng cái gõ vào bộ trống, từng tiếng phách, tiếng đờn kìm phải được hòa quyện với giọng xẩm. Nghe đến nao lòng: Trời già rõ khéo đến dở dom/Tạo chi phận bạc với nước non/Băm sáu nõn nường Hương chiếc bóng/Hai lần làm lẽ phận phập phòm.

Trong cách ca có ẩn chứa nỗi lòng của Hiền, nên câu hát cứ ở mãi trong trí người nghe như tìm một sự sẻ chia, tìm một lối đồng cảm. Vai nào Thanh Thanh Hiền diễn cũng thế, từ kịch sang hài, cứ nhẹ nhàng đi vào lòng khán giả. Chị lý giải gọn gàng: "Ðơn giản thôi, cứ yêu và sống hết mình với tình yêu đã chọn. Giả vờ yêu là chết. Những mạch rung cảm giả sẽ tự đứt trong nhịp đập trái tim của mình, vì nó không tìm được lối dung hòa để thăng hoa trong diễn. Khi vào vai Hồ Xuân Hương, mình lại càng hiểu thêm cái đáng sợ nhất trong cuộc sống là giả vờ"...

Có mặt trong vở cải lương đầu tiên sử dụng nhiều nhất chất liệu âm nhạc truyền thống VN, trong 120 phút, Bà chúa thơ Nôm đã cho Thanh Thanh Hiền có đủ nghị lực để diễn nhiều trò, rung động đủ các cung bậc cảm xúc về một nữ thi nhân hết mực kỳ tài.

Nhìn người phụ nữ xưa bằng chính cái đa đoan, đa cảm của mình hôm nay nên chị hiểu rất rõ nhân vật mà mình thủ vai: "Thơ của bà Hồ Xuân Hương được hậu thế thừa nhận là đi trước thời đại, là những hồi chuông đinh tai nhức óc vang giữa không gian mà chế độ phong kiến bao phủ với những hủ tục hà khắc. Ðó là sự ngậm ngùi cho số phận hồng nhan đa tài, đa tình và lắm truân chuyên. Có hai cuộc hôn nhân thì cả hai lần bà đều chịu phận làm lẽ và rơi vào nghịch cảnh góa bụa. Trong vở cải lương này, thơ bà phản chiếu những mặt trái của cuộc đời, đấu tranh cho khát vọng được sống - được yêu của người phụ nữ thông qua những bài bản tổ của sân khấu cải lương mà Linh Huyền đã bỏ tám tháng dài sáng tác, nghiền ngẫm".

Với vở Bà chúa thơ Nôm, Linh Huyền - cũng là giám đốc Công ty Mekong Artists - còn ấp ủ nguyện vọng hợp tác với Công ty Sài Gòn Truyền thông (Saigon Media) tổ chức diễn cho công chúng nước ngoài xem định kỳ mỗi tháng một lần. Và Thanh Thanh Hiền cho biết cứ hằng tháng vào ngày 22 chị lại vào Nam. Không chỉ diễn vai này tại Nhà hát TP.HCM, chị còn tham gia nhiều vở nữa.

Chị tâm sự: "Hiền thích cách tiếp thị của Mekong Artists là hướng khán giả các nước đến với tác phẩm sân khấu dân tộc của mình, thông qua việc cho giới thiệu bằng tiếng Anh về nhân vật Hồ Xuân Hương và cốt truyện Bà chúa thơ Nôm trước mỗi buổi diễn. Hầu hết các bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra tiếng Anh và được khán giả quốc tế đón nhận nên đó cũng là một thuận lợi cho Bà chúa thơ Nôm khi ra mắt công chúng nước ngoài".

Nồng nhiệt, Thanh Thanh Hiền cuốn người nghe vào câu chuyện của chị. Vào Nam biểu diễn lần này người nghệ sĩ đất Bắc bảo mình thích nhiều thứ, thích thiết kế sân khấu của Kim B, thích thiết kế trang phục của Sĩ Hoàng. "Hiền cũng thích dàn nhạc dân tộc của nghệ sĩ - nhà giáo Nhất Dũng, họ đã làm việc bằng tấm lòng trân trọng nghệ thuật đúng nghĩa".

“Tôi là đào thương”

Khi không hát và không diễn, giọng Thanh Thanh Hiền trầm, gần như khàn đặc. Còn khi chị đã cất giọng lên, trong vắt như giọng em bé và trầm đục như vọng từ cõi khác về, đều là giọng Thanh Thanh Hiền. Ca, vũ, trình thức, duyên sân khấu của cải lương xứ Bắc hình như dồn hết vào cô đào này.

Nổi tiếng từ khi còn là sinh viên, ít ai mê sân khấu hồi những năm 1985-1990 quên được những vai diễn thân phận đầy cay đắng chìm nổi của cô đào trẻ này trong những vở diễn lấy nước mắt công chúng: Đôi dòng sữa mẹ, Khi thành phố lên đèn, Lan và Điệp, Mùa tôm... Trẻ đẹp, hát hay, diễn xuất sắc...Thanh Thanh Hiền từng là cái tên đảm bảo bán vé, đồng thời là danh hiệu đảm bảo huy chương vàng trong các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc.

Có những vở diễn mà cả tác giả kịch bản, đạo diễn và nhạc sĩ đều nghĩ đến Thanh Thanh Hiền để “đo ni đóng giày” khi bắt tay vào dàn dựng. Đó là Người đẹp đến Tiền Châu (sau này còn gọi là Sứ giả tình yêu), vở cải lương về mối tình của danh nhân Nguyễn Công Trứ - người vừa là quan phụ trách khẩn hoang lấn biển vùng Thái Bình - Nam Định, vừa là bậc thi hào lừng danh vì sự phóng túng, đa tình.

Thanh Thanh Hiền vào vai Huệ Thư - người con gái với thân phận cô đầu đem lòng yêu Nguyễn Công Trứ và được ông yêu lại. Bài hát Đàn cầm dây vũ dây văn mà nhạc sĩ Nguyễn Cường viết riêng cho Thanh Thanh Hiền hát trong Sứ giả tình yêu với chất giọng kim pha thổ quyến rũ da diết mà lơi lả của cô đã vượt ra khỏi khuôn khổ một vở diễn sân khấu, trở thành một bài hát độc lập trên các sân khấu nhạc nhẹ, và gần 20 năm nay vẫn không ai hát qua được Thanh Thanh Hiền.

Vai diễn thành công nhất gần đây của Thanh Thanh Hiền cũng là một sự kiện của sân khấu: Cung phi Điểm Bích - một kịch bản rất cũ bị “xếp kho” đã lâu của nhà văn Hoàng Công Khanh, được nữ đạo diễn trẻ là Hoàng Quỳnh Mai “phủi bụi” đưa lên sân khấu. Lựa chọn đầu tiên và duy nhất cho vai cung phi Điểm Bích đương nhiên là Thanh Thanh Hiền. Không ai đã xem Cung phi Điểm Bích mà có thể quên được những lần Điểm Bích lặn lội lên Yên Tử thăm Huyền Quang, quên được những giây phút say đắm mà tuyệt vọng của người đàn bà có thân phận trớ trêu.

Thanh Thanh Hiền hát, múa, đầu mày cuối mắt, thuyết phục, nỉ non, chân tình, lẳng lơ... đủ các cung bậc. Và cuối cùng nàng tuyệt vọng ai oán thốt lên: Nửa tiên nửa phật nửa đời/Chàng ơi chàng làm khổ những người thương yêu. Thanh Thanh Hiền đã hóa thân hoàn toàn vào nhân vật cực kỳ phức tạp, nhiều tâm trạng, nhiều ẩn ức và suy tính này.

Cho nên chị hơi “ấm ức” khi bị gọi là “đào lẳng”: “Lẳng đâu mà lẳng, đào thương đấy chứ. Tôi chỉ đóng đào thương, Điểm Bích vẫn là đào thương, lẳng chỉ là giây phút, thời điểm, tình huống”. Rồi chị lại tự lý giải: “Chắc mọi người xem tôi đóng vai Thị Mầu nên ấn tượng. Thị Mầu là nhân vật của chèo, chèo mới có đào lẳng, tôi là dân cải lương mà. Tôi chỉ thích là đào thương thôi”.

THUẬN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp