NSƯT Thanh Kim Huệ - Ảnh: GIA TIẾN
Thanh Kim Huệ tên thật là Bùi Thị Huệ, sinh năm 1954, tại Sài Gòn. Không xuất thân từ gia đình nghệ thuật, nhưng do ba mẹ chuyên cho các gánh hát thuê âm thanh, mỗi đêm ba mẹ dẫn cô vô rạp hát.
Trong không gian đó, chơi chán Huệ lại xoay ra nghe người ta ca. Nghe riết, rồi tự lẩm nhẩm ca theo. Biết đọc sơ sơ là Huệ đã dành dụm tiền tìm mua tập bài ca về bắt chước theo giọng của Lệ Thủy, Mỹ Châu...
Cô bé nghèo trở thành danh ca
8, 9 tuổi, Huệ được kép Hoàng Siêu chỉ cho hát và lên sân khấu đoàn Hằng Xuân - An Khương đóng đào con. Ba mẹ chia tay nên khi Huệ vô đoàn hát, mẹ cũng theo chăm sóc và làm công việc soát vé.
Cô đã đi qua các đoàn Dạ Minh Châu, Hoa Phượng và dần dần được để ý khi về đoàn Kim Chung lúc 13, 14 tuổi đóng vai đào nhì, đào ba với các tài danh như Lệ Thủy, Mỹ Châu, Diệu Hiền, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn, Chí Tâm...
Khởi điểm Huệ bị chê ca dở, nhưng cô bé là người có ý chí. NSND Lệ Thủy nhớ lại: "Huệ rất chịu khó, ráng luyện hoài, luyện hoài để thoát khỏi cái bóng anh chị lớn, tạo nên giọng ca đặc trưng của Thanh Kim Huệ hôm nay". Bà cho biết hồi đó mọi người hay ghẹo Huệ có giọng đặc biệt: "Câu vô vọng cổ của Huệ đặc biệt lắm, tươi mới, lạng lách và rất lạ".
NSND Minh Vương cho rằng Thanh Kim Huệ là một danh ca với chất giọng ngọt ngào, đầy đủ trầm bổng. "Đó là giọng ca hay, và ca bền từ trẻ cho đến bây giờ" - Minh Vương nói. NSND Trọng Hữu thì nhớ Thanh Kim Huệ như một giọng ca lúc nào cũng đem đến nét trẻ trung, tươi mới cho câu vọng cổ.
Nghe bà hát người ta thấy sướng lỗ tai. Bởi thế, nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này bị ảnh hưởng bởi giọng ca Thanh Kim Huệ, lấy giọng ca bà làm chuẩn mực để học hỏi. Có thể nói, Thanh Kim Huệ đã tạo ra cho riêng mình một trường phái ca Thanh Kim Huệ được rất nhiều đàn em ca theo như Ngân Huệ, Linh Huệ...
Để có được giọng ca đã đi vào lòng khán giả, may mắn của Thanh Kim Huệ là được đào luyện trong môi trường thâu âm.
Nghệ sĩ Lệ Thủy cho biết Huệ được cô Sáu Liên của Hãng đĩa Việt Nam để ý và tạo điều kiện thâu âm với nhiều tài danh. Năm 1973, cô được Hãng đĩa Việt Nam ký độc quyền với số tiền 200.000 đồng (khoảng 200 triệu đồng ngày nay), bài tân cổ đầu tiên là Yêu lầm, thâu chung với nghệ sĩ Minh Vương.
Đĩa phát hành được khán giả ủng hộ. Vậy là cô bé Huệ bắt đầu những ngày tháng miệt mài trong phòng thu. Sáng vô thu từ 9h sáng tới 5h chiều. Vừa xong chạy lẹ về rạp để chuẩn bị cho suất hát tối.
Hai năm liền như thế, ngày nào cũng như ngày nào, thu nghe lại rồi rút kinh nghiệm bảo sao cô đào trẻ không tiến bộ vượt bậc và giọng hát ngày càng điêu luyện hơn.
Cũng chính từ môi trường thâu âm này, Huệ đã chạm đến cơ hội để có một vai diễn để đời. Cuối năm 1974, soạn giả Loan Thảo cho thâu tuồng Lan và Điệp. Ông đã có quyết định táo bạo khi giao vai Lan cho Thanh Kim Huệ. Nghệ sĩ Chí Tâm hát vai Điệp, dàn bao là các nghệ sĩ Hữu Phước, Tú Trinh, Hùng Minh, Mai Lan...
Lần thâu đó, do chưa biết kiềm chế cảm xúc nên mấy lần ở đoạn buồn cô bé Huệ cứ bật khóc không ca nổi. Ai dè khi tuồng phát hành, khán giả khắp nơi mê mệt. Tên tuổi Chí Tâm - Thanh Kim Huệ nổi như cồn. Tên hai nhân vật đã được dùng để gọi Chí Tâm - Thanh Kim Huệ kể từ ngày ấy.
Thanh Kim Huệ vai Thị Hến và Nam Hùng vai thầy Đề trong vở Ngao Sò Ốc Hến - Ảnh chụp màn hình: CẨM LINH
Luôn tìm tòi tạo ra cái mới
Để có giọng ca và tên tuổi bền mãi theo thời gian trong hơn 50 năm theo nghiệp hát, ở Thanh Kim Huệ là sự tìm tòi không mệt mỏi. Bà thích tìm kiếm, khám phá trong từng ngóc ngách của giọng ca.
Bà vô vọng cổ lạng lách, có hướng láy láy qua tân nhạc rồi xuống xề ngọt xớt làm người nghe thấy thiệt đã. Chính sự tìm tòi đó mà các soạn giả rất cưng Thanh Kim Huệ. Bà "đòi" gì là các soạn giả chiều theo.
Có lần bà mất cả tháng trời tập bài Lý giao duyên ca theo kiểu Huế, rồi bà tỉ tê với soạn giả Loan Thảo: "Chú viết cho con một bài để con ca Lý giao duyên theo giọng Huế đi!". Vậy là sau đó có ngay bài Sao không thấy anh về để bà thâu chung với Minh Vương.
Khoảng năm 1978, 1979, Thanh Kim Huệ và Trọng Hữu thâu bài Chợ mới của soạn giả Trọng Nguyễn. Bài ca cổ đó sau này trở thành bài yêu thích của nhiều người dân Nam Bộ. Từ bài ca cổ này, Trọng Nguyễn phải tìm gặp Thanh Kim Huệ để trò chuyện và đưa tiếp cho cô nhiều tác phẩm để cô thể hiện giùm ông.
Cách hát bài Lý trăng soi trong bài Chợ mới cũng là sáng tạo của Thanh Kim Huệ, dù khác bản gốc nhưng vẫn không bị nhạc sĩ Cao Văn Lý rầy mà còn khen ngợi. Thanh Kim Huệ đã trở thành một trong những nghệ sĩ hiếm hoi "phá phách" bài ca nhưng chưa bao giờ bị các soạn giả phật lòng mà còn gật gù khen hay.
Trải qua bao đận thăng trầm của cải lương, đến thời điểm trước khi phát bệnh, Thanh Kim Huệ vẫn là một trong số những nghệ sĩ cải lương gạo cội đắt sô. Lạ là, dù có tuổi giọng ca bà vẫn giữ được thanh xuân. Và trong các cuộc thi về giọng ca cải lương, Thanh Kim Huệ luôn là cái tên uy tín được mời vào vị trí giám khảo.
Vở diễn cuối cùng bà tham gia là vở cải lương Lan và Điệp do nghệ sĩ Gia Bảo đầu tư dàn dựng năm 2019. Đây là lần đầu nhân vật Lan của bà bước từ băng đĩa lên sân khấu, bà và nghệ sĩ Chí Tâm đảm nhiệm vai diễn hết trọn vở.
Gia Bảo chia sẻ: "Khi cô nằm bệnh, tôi còn động viên cô ráng khỏe để tôi tổ chức show diễn cho cô cùng 4 chàng kép là nghệ sĩ Minh Vương, Chí Tâm, Thanh Tuấn, Thanh Điền. Cô còn nói để cô ráng chớ nằm hoài nhớ sân khấu quá. Vậy mà cô đã không kịp thực hiện lời hứa đó cùng tôi...".
"Em rất hiền lành, chân tình"
Nghệ sĩ Lệ Thủy và nghệ sĩ Thanh Kim Huệ - Ảnh: Đình Trí cung cấp
Tánh Huệ ít nói, nhút nhát, đi ra ngoài dễ bị người ta hiểu lầm bởi em không xởi lởi, ai bắt chuyện mới nói còn không thì thôi. Nhưng chị em tôi hiểu nhau và quý mến nhau từ lúc em 13, 14 tới giờ. Hiểu em rồi mới biết em rất hiền lành, chân tình. Đi đâu thấy cái vòng, đôi bông đẹp là mua về tặng mấy chị em mà em yêu quý.
Biết em bệnh mà suốt mùa dịch không dám qua thăm. Sợ mình lỡ mang mầm bệnh tới cho em thì không hay. Cứ gọi điện động viên, em cười yếu ớt và đưa tay biểu tượng chiến thắng nói: Chị yên tâm! Vậy mà...
NSND Lệ Thủy
Nàng Hến - Huyện Trìa và gần 50 năm bên nhau
Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ và Thanh Điền kết hôn với nhau vào năm 1975 - Ảnh: GIA TIẾN
Nghệ sĩ Thanh Điền, ông xã Thanh Kim Huệ, là mối tình đầu của bà. Vợ chồng họ đã cùng nhau đi qua các gánh hát Xuân Liên Hoa, đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Sài Gòn 1. Một thời Thanh Kim Huệ còn thử sức khả năng viết khi là tác giả của hàng loạt vở diễn Quỷ kiến sầu, Nắng đẹp muôn màu, Tiếng hát rừng hoang...
Vở diễn ghi dấu ấn của hai vợ chồng là vở Ngao Sò Ốc Hến (đạo diễn Ba Vân) của soạn giả Năm Châu. Với vở này, lần đầu tiên Thanh Kim Huệ vào vai đào lẳng, vai Thị Hến và Thanh Điền vào vai Huyện Trìa. Các nghệ sĩ như: Giang Châu vai Trùm Sò, Trường Xuân vai Bác Ngao, Nam Hùng vai thầy Đề, Tô Kim Hồng vai bà Huyện...
Ngao Sò Ốc Hến trở thành vở cải lương hài độc đáo trong lịch sử sân khấu cải lương. Các nhân vật trong vở diễn đều đi vào cuộc sống, ai lẳng lẳng sẽ được gọi là Thị Hến, ai keo kiệt bị gọi là Trùm Sò, ai có máu dê bị gọi là quan Huyện, thầy Đề...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận