29/05/2010 14:16 GMT+7

NSƯT Bảo Quốc: góp với nhân gian một tiếng cười

Theo THUẬN VŨDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo THUẬN VŨDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Bước chân vào nghề ca diễn từ sự cố bất ngờ của việc thế vai, để rồi phút chốc trở thành một danh hài. Gánh hát xưa trong trí nhớ của NSƯT Bảo Quốc đã là nguồn vui sống của đạo hát mà anh tôn kính suốt nửa thế kỷ theo nghề.

Gặp Bảo Quốc trong những ngày gia đình chịu mất mát bởi tai nạn cướp đi sinh mạng cháu anh - nghệ sĩ Hữu Lộc, tinh thần cuộc trò chuyện vì thế cũng xoay quanh những ám ảnh từ cuộc sống phù du…

Một đời lênh đênh

Ký ức tuổi thơ ghi dấu nhất của NSƯT Bảo Quốc là những ngày hè. Vì được nghỉ học ba tháng nên ngoài thú vui đi đá banh với đám bạn trai trong xóm, anh còn được ba mẹ dẫn vào đoàn hát chơi. Mẹ của anh đường đường là một bà bầu đại bang nhưng hễ đến dịp hè là tự tay may cho con trai những chiếc quần đùi để cậu đi đá banh.

Chị gái anh, cố NSƯT Thanh Nga, tài sắc vẹn toàn, được cha mẹ cưng chiều vì “hái ra tiền” từ năm mới 16 tuổi, vẫn phải làm những công việc nội trợ, nhất là những tháng hè, tập làm bánh để cho các em cùng ăn.

0TOD12Iw.jpgPhóng to
NSƯT Bảo Quốc trong vở ca kịch Nhất vợ nhì trời - Ảnh: Zing

Anh cười thích thú nhắc lại kỷ niệm của tuổi thơ: “Chỉ có tôi vì mê đá banh bị đòn hoài nhưng vẫn không chừa cái tật” - anh kể trong niềm luyến nhớ, vì nhờ những trận đòn đó anh mới biết rằng mình có những suy nghĩ rất khác về nghề hát. Anh nói: “Nghề hát theo lời ba tôi nói và qua những chuyến lênh đênh theo đoàn hát với ba, tôi đã hiểu - đó là thế giới tuy cực nhưng vui, vì thế giới đó người giàu tiền lắm của cũng không mua được”.

Rồi anh miên man kể, cha anh - nghệ sĩ Năm Nghĩa (Lư Hòa Nghĩa) ngày xưa hễ hè sang là dẫn anh cùng các nghệ sĩ đi về các gánh hát nghèo trên sông Hậu, sông Tiền, để thăm hỏi anh em đồng nghiệp và đưa tuồng cho các đoàn dàn dựng. Hình ảnh các anh chị nhân viên hậu đài với nghề vác gương, vác đồ cũng có nhiều chuyện vui cười mà thế giới công tử như Bảo Quốc không bao giờ tìm thấy.

Còn các nghệ sĩ ghe hát thì sao? Anh cười giòn tan rồi kể: “Họ yêu nghề đến độ si mê, sắm tuồng, làm tuồng chỉ với ánh đèn leo lét nhưng ra vai lung linh, sáng đẹp. Những ngày xuân đó của tuổi 14, 15 đã theo tôi vào giấc mơ được làm ông hoàng, bà chúa trên sân khấu. Thú thật tôi mê bóng đá hơn, thích được làm cầu thủ, mê những cú sút của anh Phạm Huỳnh Tam Lang, Phạm Văn Rạng, Tư Lê, Đỗ Thới Vinh… nên mỗi khi bị cha bắt học ca vọng cổ với thầy Út Trong, tôi sợ lắm. Học thì vẫn học nhưng lại lo ra, không chú tâm như chị Thanh Nga”.

Những ngày chuẩn bị vào hè, anh cùng đi với cha về các gánh hát tỉnh để hướng dẫn tập tuồng, vì cha anh là thầy tuồng, Bảo Quốc đã hình dung một thế giới màn nhung đầy huyền bí, đã vẽ nên trong anh niềm tin về một nghề nghiệp mà gia đình đã hướng. Và rồi những gánh hát nghèo trên sông đã là nơi cho anh sự mường tượng về cảnh đời “gạo chợ, nước sông”.

Họ lớn lên trong gánh hát, kết hôn ở những đình miễu nơi ghe hát đi qua. Những đứa trẻ ra đời cũng bên cánh gà sân khấu. Chị đào chánh đang hát lớp Đắc Kỷ đối ẩm với Trụ Vương thì nghe tiếng con khóc, phải hát cương: “Đại vương đợi em một chút nghe!”. Rồi cô chạy vào trong cho con bú. Đại vương bên ngoài sốt ruột cũng hát cương: “Nàng đi đâu, rượu ở đây sao không uống mà còn vô trong hâm rượu làm gì?!”.

Anh hề hà kể: “Từ ngày đó tôi biết thế nào là hát cương. Khán giả có biết ất giáp gì đâu, họ cũng cười rồi cùng chờ nàng Đắc Kỷ. Những đứa bé lớn lên trong gánh hát, nghèo tiền bạc nhưng giàu nhân nghĩa, vì hồi đó ba tôi viết nhiều tuồng cho các đoàn tỉnh, toàn dựa vào các tích truyện Tàu, ca ngợi trung hiếu tiết nghĩa, nên gánh hát nào cũng được giáo huấn bởi những điều đạo đức trong từng câu ca, lời nói của các nhân vật nghĩa khí”.

Mùa hè đáng nhớ nhất của NSƯT Bảo Quốc còn phải kể đến dịp chạy sô. Thời đất nước còn khó khăn, đường chưa mở rộng, chiếc xe gắn máy của anh bị xì lốp giữa đồng. Một mình trong bóng đêm, bỗng anh gặp một toán thanh niên đã nhậu xỉn, định giở trò xin điểu và hù: “Nếu không cho tiền mua rượu uống tiếp thì sẽ cướp xe”. Lúc đó thì Bảo Quốc có xưng tên cũng không ai nhận ra, vì họ chẳng thể tin được một nghệ sĩ như anh lại chạy xe vào chốn đồng không mông quạnh. Nhưng anh cũng cứ xưng tên cầu may.

Một thanh niên lên tiếng: “Nếu ông nói ông là Bảo Quốc thì thử hát một đoạn Khóc Hoàng Thiên”. Cổ đang bị dí dao, túi đã bị lột sạch tiền, chìa khóa xe gắn máy cũng bị tịch thu, nhưng anh đã cố ứng biến ngay để ca: “Dạ, dạ vãn bối là kẻ thích ngao du, ngày đây mai đó, để tìm thầy học võ. Nay tình cờ ghé qua gia trang, nghe trang chủ là bậc anh hùng, chốn giang hồ tiếng nổ danh kêu, nên vào thọ giáo mấy chiêu…”.

Người thanh niên nghe xong kêu lớn: “Đúng rồi, anh Sáu của tao tụi bây ơi!”. Thì ra chàng thanh niên ấy là con của một chú làm hậu đài trong đoàn hát xưa, nơi mà ba anh từng là thầy tuồng và từng ăn cháo khuya với anh trong những ngày sau mùa gặt. Anh hỏi chàng thanh niên với giọng trách, sao “cha làm thầy mà con lại đốt sách”, chú Ba hậu đài ngày trước đâu ngờ con mình lại đi cướp như bây giờ.

Anh thanh niên giãi bày: “Bọn em hù anh thôi, chứ có đói cạp đất ăn cũng không làm nghề trộm cướp đâu. Bác Năm Nghĩa hồi đó đã dạy những thằng nhỏ như em sống trong gánh hát phải biết giữ chữ nhơn ở đời mà. Thôi vào đây uống vài ly với tụi em, rồi tụi em đốt đuốc dẫn xe đưa anh ra lộ tìm chỗ vá”.

Đêm đó, đến 4g sáng anh mới về đến nhà. Kể cho vợ con nghe câu chuyện “Khốc hoàng thiên”, anh đứng trước bàn thờ cha mà khóc. Hình ảnh của cha anh hiện về trong trí nhớ cái đêm ông đau bao tử, xuất huyết phải nhập viện, cũng là cái đêm đầu tiên anh lên sân khấu thế vai kép nhí Hữu Nghĩa bị bệnh, không thể diễn được vai đứa con trong vở Người vợ không bao giờ cưới, để từ cái đêm diễn định mệnh đó anh bước chân theo nghề diễn viên như lòng mong mỏi của người cha.

aukhs4y2.jpgPhóng to
NSƯT Bảo Quốc - Ảnh: Danny Nguyen

Nói về nghề hát, anh nhớ lại những gánh hát nghèo mà chuyện ông bầu Bòn của gánh hát Tầm Xuân, một đời tảo tần nuôi gánh hát, đến ngày gánh rã đám sau cơn bão dữ, ông vẫn cười tươi chia hết số bạc cắc còn lại cho anh em nhân viên hậu đài. Rồi lội bộ ra bến xe xin quá giang về với mẹ già ở tận Gò Công.

Nhiều tấm gương nghĩa khí của nghệ sĩ thời xưa đã hình thành nhân cách của nhiều nghệ sĩ thời nay, trong đó có NSƯT Bảo Quốc. Anh nói: “Nghề hát có gặp phong ba bão táp, có những bước thăng trầm dâu bể, nhưng vẫn làm tròn nhiệm vụ răn đời, răn người. Ba tôi nói người nghệ sĩ đâu chỉ đơn thuần đi hát kiếm tiền mà còn làm thiên chức tôn vinh cái đẹp, cảnh báo cái xấu để thiên hạ nhìn vào đó mà suy gẫm. Đạo hát vì thế thiêng liêng lắm, con phải ráng học để nối nghiệp gia đình.

Năm tôi đúng 60 tuổi, bước vào một chặng đường mới với nhiều niềm tin mới. Các cháu tôi là Hữu Châu, cố nghệ sĩ Hữu Lộc, Hà Linh, Gia Bảo, rồi con gái là Hồng Loan đã nhận được nhiều sự yêu mến của công chúng, đó là món quà đầy ý nghĩa của gia tộc tôi. Xin được góp với nhân gian những tiếng cười đầy ý nhị để cùng mọi nhà hân hoan chào đón những thành quả mới”.

Bao giờ tổ chức liveshow trong nước?

Anh hứa với lòng mình, trong năm 2010 sẽ tổ chức liveshow trong nước sau thành công vang dội của chương trình Bảo Quốc 50 năm cười với khán giả tổ chức tại quận Cam (California, Mỹ) tối 21-6-2009. Thế nhưng chưa kịp lên kế hoạch thì . Công ty Nụ cười mới mất đi một giám đốc trẻ, gia tộc nhà anh mất đi một thành viên năng nổ, ham nghề, đã lèo lái một thương hiệu năm năm vang dội với những kịch mục và liveshow hài được công chúng yêu mến.

Ngày Hữu Lộc ra đi, anh đau trong lòng như có ai đâm vào tim mình. Vì nhìn lại cả gia tộc, những cái chết bất ngờ của những thành viên khiến cho ai cũng đau xót. Chị của anh - cố NSƯT Thanh Nga mất năm 37 tuổi do bị ám sát, người anh trai Đào Mai Tiên - tác giả kịch bản mất năm 22 tuổi (thắt cổ), nghệ sĩ Hữu Thìn (ba của nghệ sĩ Hữu Châu) mất năm 46 tuổi, bị tai nạn giao thông, Hữu Hải - anh cả của Hữu Châu mất vì bị xuất huyết bao tử năm 20 tuổi khi theo đoàn cải lương Thanh Nga lưu diễn ở Hà Nội và ngày nay, Hữu Lộc qua đời do tai nạn giao thông. Do đó, mỗi khi nghe những cú điện thoại nửa đêm hoặc nghe tiếng còi xe cứu thương, NSƯT Bảo Quốc lại lo lắng, hồi hộp.

Anh tâm sự: “Năm nay gia đình tôi lại có một biến cố đau lòng. Hữu Lộc ra đi để lại hai đứa con nhỏ. Sau đám tang của Hữu Lộc, ngôi nhà của nghệ sĩ Hữu Châu vẫn chưa hết sự náo nhiệt khi một số người hâm mộ vẫn tìm đến xin thắp hương và chia sẻ. Điều khiến cho gia đình chúng tôi xúc động là có nhiều hoa, hương đèn được mang đến chùa nơi đặt hài cốt của Hữu Lộc để cầu siêu cho người nghệ sĩ đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.

Những tình cảm của công chúng, khán giả dành cho Hữu Lộc làm cho gia đình chúng tôi cảm thấy tự hào vì cháu tôi đã sống tốt. Nhưng chúng tôi cũng rất khó chịu khi biết một số thông tin không chính xác, cho rằng nghệ sĩ X, nghệ sĩ Y nào đó đứng ra tổ chức hết đám tang cho Hữu Lộc, lo hết tiền chi phí.

Tôi và gia đình xin cảm ơn tấm lòng của anh em đồng nghiệp và cảm ơn tình thương của khán giả đã dành cho Hữu Lộc. Số tiền chấp điếu là 256 triệu đồng và 2.120 USD sẽ được trích tặng cho công tác từ thiện thông qua Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM và Chi hội Từ thiện Bảo Hòa - Bình Thạnh, TP.HCM. Phần còn lại, gia đình tôi sẽ gửi tiết kiệm ghi tên hai cháu: Nguyễn Khương Vy và Nguyễn Hữu Sang. Sau thời gian tôi nuôi dưỡng hai cháu, đến khi chúng tròn 18 tuổi, chúng sẽ có quyền quyết định sử dụng số tiền này vào mục đích gì”.

Trả lời câu hỏi về việc ba thanh niên điều khiển xe gắn máy vượt đèn đỏ đã đụng chết Hữu Lộc, gia đình anh hành xử thế nào, NSƯT Bảo Quốc cho biết: “Trong đám tang, gia đình của ba thanh niên này có đến xin lỗi gia đình chúng tôi. Chị Hai tôi đã hết nước mắt để khóc và cũng chẳng muốn làm khó ai, vì nếu có làm khó họ thì cháu tôi cũng đã mất rồi.

Tuy nhiên, tôi lên án thái độ của gia đình người thanh niên đã đụng chết Hữu Lộc, họ bảo rằng: “Tưởng đụng phải thằng bá vơ nào nên không áy náy, chứ biết là gia đình nghệ sĩ thì họ vô cùng lo lắng (?!)”. Nghĩa là họ xem sinh mạng con người qua danh tiếng. Chúng tôi chờ pháp luật xử lý sự vi phạm giao thông nghiêm trọng dẫn đến cái chết thương tâm này của cháu tôi”.

NSƯT Bảo Quốc cho biết thêm: “Cách đây bốn năm, Hữu Châu đã đứng ra tổ chức giỗ lần thứ 30 của chị Ba tôi - cố NSƯT Thanh Nga tại rạp Đại Đồng. Lúc đó Hữu Châu đã chủ trương không bán vé, thì nay Hữu Châu cũng sẽ tổ chức cho em trai mình như vậy, cũng sẽ không dùng hình thức này để kinh doanh nhưng không phải trong thời điểm này.

Bản thân tôi không muốn khơi gợi lại nỗi đau của chị Hai tôi, vì chị ấy đã hết nước mắt khóc chồng, khóc con. Theo suy nghĩ của Hữu Châu, Công ty TNHH Nụ cười mới là đứa con tinh thần của Hữu Lộc. Khi Lộc mất đi, còn lại nghệ sĩ Văn Long, Lê Hoàng, hai cháu sẽ tiếp tục gánh vác công việc để giữ sáng thương hiệu mà cháu tôi đã cố công vun đắp. Nếu Nụ cười mới tổ chức vào đêm 10-6-2010 lễ sinh nhật của Hữu Lộc, cũng là kỷ niệm chặng đường năm năm của Nụ cười mới thì tôi sẽ ủng hộ và gia đình chúng tôi sẽ hoan nghênh.

Tuy nhiên, chị Hai tôi và Hữu Châu không nhận tiền doanh thu cũng như cảm ơn tấm lòng của Nụ cười mới muốn tặng cho hai con của Hữu Lộc. Điều mà gia đình chúng tôi muốn là toàn bộ số tiền thu được cho việc củng cố, phát huy thêm nữa thương hiệu Nụ cười mới, xây dựng nhiều kịch mục hay phục vụ khán giả. Vong hồn của Hữu Lộc sẽ mỉm cười nơi chín suối khi biết được đêm diễn này đã diễn ra như nó từng ao ước về một chương trình sinh nhật năm năm Nụ cười mới”.

Riêng về liveshow NSƯT Bảo Quốc, anh cho biết sẽ tổ chức cuối năm nay, khi Hồng Loan hoàn thành việc du học tại Mỹ về, sẽ cùng phối hợp với các thành viên trong gia đình, hoạch định việc tổ chức cũng nhằm vào mục đích từ thiện. Trải qua một chặng đường dài, NSƯT Bảo Quốc vẫn là một danh hài sống có đạo đức, có tấm lòng và được công chúng yêu mến không chỉ vì tài năng của anh.

Theo THUẬN VŨDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp