15/03/2012 08:37 GMT+7

NSND Trọng Khôi với vai kịch để đời

V.HOÀI
V.HOÀI

TT - Tại Hội diễn sân khấu kịch quốc tế ở Matxcơva năm 1990, lần đầu tôi được chứng kiến một sự kiện nghệ thuật lớn của nghệ sĩ Việt qua vở diễn Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Một phong cách đạo diễn rất độc đáo, hiện đại của Nguyễn Ðình Nghi và vai diễn cũng rất độc đáo và hiện đại của Trọng Khôi.

2Dhipugl.jpgPhóng to

Trương Ba - một vai diễn để đời của NSND Trọng Khôi trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Ảnh tư liệu

Vai diễn này đã đạt đến tầm quốc tế theo đánh giá của cuộc họp báo được tổ chức trang trọng ngay sau đêm diễn kết thúc.

NSND Trọng Khôi qua đời

Nghệ sĩ nhân dân Trọng Khôi - một trong những nam diễn viên đầu đàn của nền kịch nói Việt Nam - đã qua đời rạng sáng 14-3 tại Hà Nội vì bệnh tim, hưởng thọ 69 tuổi.

Là lớp diễn viên đầu tiên được đào tạo bài bản trong trường sân khấu (ra trường năm 1964), Trọng Khôi cùng với các bạn đồng thế hệ của ông như Thế Anh, Đoàn Dũng, Nguyệt Ánh, Hà Văn Trọng... đã tạo nên một mùa vàng cho sân khấu cách mạng VN. Nhắc đến Trọng Khôi, người yêu sân khấu sẽ nhớ ngay đến vai diễn để đời của ông - vai Trương Ba trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt - một trong những vở diễn kinh điển nhất của sân khấu VN.

Nhưng Trọng Khôi còn thành danh trên sân khấu với những vai diễn không kém phần sâu sắc và ấn tượng khác: tướng Đờ Cát trong Bài ca Điện Biên, vua Lear trong Vua Lear của văn hào Shakespeare... Sinh thời, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi từng nhận xét về diễn xuất của Trọng Khôi: “Rất lâu nữa sân khấu VN sẽ lại mới có được một diễn viên đặc biệt như Trọng Khôi”.

Với điện ảnh, chất “xinêma” trong diễn xuất của ông cũng hấp dẫn các đạo diễn. Ông đã thành công với vai nghị Hách trong Giông tố, Ba Đức trong phim Đứng trước biển và hàng chục bộ phim truyền hình khác. Ông từng là giám đốc Nhà hát Kịch VN, chủ tịch Hội Sân khấu VN.

Trong vở diễn, Trọng Khôi là nghệ sĩ đã gánh vác toàn bộ sức nặng của tấn bi kịch mà Lưu Quang Vũ đặt ra trong kịch bản sắc sảo nhất của mình, sắc đến mức nó phải "ngủ đông" trong ngăn kéo của Vũ vài năm, cho đến khi được đánh thức bởi cây đũa thần của đạo diễn Nguyễn Ðình Nghi.

Nhân vật người làm vườn Trương Ba của Trọng Khôi, do bị quan Nam Tào Bắc Ðẩu xóa nhầm tên mà chết, đã được sống lại trong xác anh hàng thịt và từ đó phải sống cuộc sống hai mang "hồn nọ xác kia". Trọng Khôi đã phải đặt mình trước câu hỏi xuyên suốt kịch bản này: Liệu con người có thể sống như một tha nhân không? Và Trọng Khôi phải diễn tả bằng tâm hồn và thể xác - sân khấu của mình câu trả lời: Không! Dứt khoát không!

Với bản lĩnh nghề nghiệp cao cường, Trọng Khôi đã đi cùng nhân vật của mình qua những chặng đường cam go nhất của cuộc sống "lưỡng phân". Trọng Khôi đã dám "xé đôi" không thương tiếc nhân vật lưỡng lự của mình: Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Ban ngày khi sống cùng bà Trương Ba, cháu nội, con trai, con dâu... đã đưa ra hình ảnh thô lậu, kềnh càng thân xác anh hàng thịt, làm tổn thương hầu hết người ruột thịt trong gia đình mình. Ban đêm, phải trở về nhà vợ anh hàng thịt, thì lại phát lộ ánh sáng dịu dàng của tâm hồn một Trương Ba đôn hậu, cao thượng, khiến vợ anh hàng thịt đắm đuối phải lòng...

Trọng Khôi quả là rất giỏi trong việc diễn đạt sự giằng xé của tâm hồn Trương Ba trong cái thân xác cục mịch của anh hàng thịt. Ông đã cực giỏi khi "đóng đinh" nhân vật của mình vào cái hình thể sân khấu của chính ông!

Cảnh kịch mà Trọng Khôi diễn đạt tinh tế nhất trong vở diễn chính là cảnh cao trào: Nghe vợ anh hàng thịt thổ lộ tình yêu với tâm hồn Trương Ba, chứ không phải cái xác thô lỗ của anh hàng thịt chồng mình, hồn Trương Ba đã run rẩy xúc động và chỉ một xíu nữa thì ông đã thuận theo cái xác của anh hàng thịt mà ngã vào lòng người đàn bà đang phải lòng mình... Phải nhận thức rằng đây là cảnh tượng yêu đương đẹp lãng mạn trên nền văn hóa Á Ðông trong xử lý tinh tế, phong nhã cảnh nóng của đạo diễn Nguyễn Ðình Nghi.

Và ở một cảnh khác, Trọng Khôi đã đẩy tính kịch lên điểm đỉnh cần thiết phải "xé đôi" mình thành hai nhân vật (theo yêu cầu kịch bản), và ông hiểu đã đến lúc "hồn Trương Ba" chịu hết nổi cảnh sống chung với "da hàng thịt". Cảnh này đã đạt tới sự hài hòa của ba vẻ đẹp vốn ít chịu đi cùng nhau trong cùng một vở diễn trên sân khấu: vẻ đẹp của chữ nghĩa, của ngôn ngữ dàn cảnh đạo diễn và ngôn ngữ biểu diễn nhân vật của diễn viên, cả ba đã hài hòa thành một khối nhất nguyên trọn vẹn của cái đẹp, và cùng bùng nổ trên sân khấu khiến người xem choáng ngợp.

Trên hết bao trùm chính là bản lĩnh nghề nghiệp của một nghệ sĩ lớn đã dâng hiến tài năng cho một vai kịch lớn. Cho nên, khi Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã thành công trên trường quốc tế, đã chiếm huy chương vàng, được chấm giải vở diễn thành công nhất của Hội diễn quốc tế Matxcơva 1990, và sau này vở diễn tiếp tục chinh phục công chúng tại hơn 20 trường đại học Mỹ năm 1998, thì chính nó đã đạt tới số phận của một vở diễn văn hóa. Và tất nhiên, vai diễn của NSND Trọng Khôi trong vở diễn ấy cũng đã đạt tới một vai diễn văn hóa. Với vai diễn chói sáng, cũng là vai diễn để đời này, NSND Trọng Khôi sẽ còn sống mãi với sân khấu Việt Nam hiện đại...

V.HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp