Ông cũng đã cho ra đời công trình nghiên cứu Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam (1981), nhiều công trình khác về dân ca Việt Nam, về hát cho trẻ em cùng nhiều giáo trình về nhạc cổ điển và nhạc nhẹ.
Năm 1997, Trần Hiếu được trao danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND). Từ năm 2000, ông cùng gia đình rời Hà Nội chuyển vào TP.HCM tiếp tục công việc giảng dạy và xuất hiện trong nhiều chương trình phát thanh truyền hình, trên các sân khấu ca nhạc. Ở tuổi 75, Trần Hiếu đang sống hạnh phúc với người vợ thứ ba của mình sau nhiều biến cố thăng trầm trong cuộc sống, có lúc làm ông tưởng chừng ngã quỵ…
Phóng to |
Trần Hiếu thường ngồi lại ở góc công viên hút thuốc sau khi tập thể dục xong, ông ngồi một mình lặng lẽ có khi nối liên tục hết cả bao thuốc. Những cơn đau, sưng khớp của căn bệnh gout hành hạ khiến ông càng trở nên cô độc và buồn bã. Đó là khoảng thời gian giữa 2002-2003, không lâu sau khi ông chuyển vào Sài Gòn.
Kể lại tám năm chung sống với người vợ thứ hai - một giảng viên thanh nhạc - của mình, giọng Trần Hiếu trở nên chua xót: “Vợ tôi mất lúc Trần Thu Hà 14 tuổi, bốn năm sau thì tôi tục huyền. Cô ấy trước đây là học trò của mẹ Hà. Lúc tôi kết hôn, hai đứa con tôi nói thẳng, bố mà lấy cô ấy là chúng con không chấp nhận. Hà thẳng tính lắm!
Khi dạy Hà qua trung cấp thanh nhạc rồi, tôi mới cảm thấy khó là vì bố giọng trầm còn con gái thì giọng cao, nên có những hạn chế nhất định. Thế nên tôi mới nhờ cô ấy dạy thêm cho Hà bên cạnh hai buổi lên lớp mỗi tuần; phải có một giọng mẫu cao như thế thì Hà mới tiến bộ nhanh được. Cô ấy có công lao trong việc dạy Hà, nhưng cái đó chỉ là kỹ thuật, đến khi dựng bài và tinh thần có sẵn từ huyết quản để hát, Hà vẫn là học trò chính thức của thầy Trần Hiếu.
Hà luôn biết ơn những gì cô ấy dạy, nhưng đó là chuyện học hành, còn chuyện tình cảm thì khác. Sau khi tôi lấy cô ấy, chưa bao giờ Hà đến thăm nhà chúng tôi. Kể cả ngày sinh nhật của bố nó cũng không đến, cứ bảo bố về nhà con, con làm tiệc cho bố. Ngày tết cũng thế. Nhưng cô ấy lại làm sinh nhật cho chồng, thế là tôi chẳng về được với con.
Suốt tám năm trời sống với nhau, cô ấy cắt tóc cho tôi, tự may quần áo cho tôi, ngay cả bộ comple tôi mặc đi hát cũng được cô ấy may. Người ngoài thoạt nghe sẽ tưởng rằng như thế là hạnh phúc rồi, đàn ông sung sướng thế đòi gì nữa. Nhưng những việc ấy chẳng qua là vì cô ấy không muốn cho tôi đi đâu và tiếp xúc với ai cả. Tôi gần như mất con, mất bạn bè và khán giả. Thật tình thì chỉ một năm sau ngày cưới tôi đã nhận ra nhưng không muốn bỏ, vì nghĩ mình cũng lớn tuổi rồi, lại nghĩ là từ từ có thể cải tạo được.
Càng ngày tôi càng nhận ra quá nhiều sự khác biệt. Ban đầu là cãi vã, sau đó thì tôi cố giữ im lặng, nhưng giữ im lặng thì mình bị đau đầu, trầm uất. Có dạo tôi gầy tọp đi và mệt mỏi vì những chuyện đó. Đến khi chia tay, tôi ra đi với không một xu dính túi. Cả đời dành dụm đã trắng tay. Khi ở với nhau, cô ấy may cho tôi quần áo, nhưng khi tôi đi thì cô ấy giữ tất cả. Chỉ có vài bộ quần áo mà tôi tự bỏ tiền ra mua thì mới được mang đi, còn thì để lại, kể cả cái phòng cô ấy ở là tiền của tôi, cũng để lại nốt. Sai lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi là yêu cô ấy, phải chịu khổ trong tám năm trời. Thời gian kéo dài như thế đâm ra trầm cảm...”.
Phóng to |
Ly thân, Trần Hiếu được người em - Trần Tiến rủ về nhà mình ở. Một thời gian sau thì Trần Hiếu gặp Minh Ngà - bà nhỏ hơn ông 19 tuổi, từng sống cùng khu phố ngày xưa ở Hà Nội, lúc này đã ly dị chồng và có hai con đang du học nước ngoài.
Chen giữa những câu chuyện về cuộc sống lắm thăng trầm của Trần Hiếu, bà Minh Ngà giãi bày hộ chồng như làm rõ thêm một khoảng đời trầm tối của người nghệ sĩ già: “Lúc đầu, tôi cũng chẳng biết bà vợ ông ấy là ai. Một hôm, bà ấy gặp tôi, hỏi: “Cô có biết tôi là ai không? Tôi là vợ ông Trần Hiếu, tôi nói cho cô biết, chúng tôi sắp bỏ nhau rồi nhưng phải đợi đến khi ông ấy 75 tuổi, hết tuổi đàn ông đã thì tôi mới ký đơn. Cái lão nghệ sĩ nhân dân ấy chỉ là giẻ rách, chui vào nhà tôi ở mấy năm nay”!
Nói thật, lẽ ra tôi không lấy anh Hiếu, chỉ coi là một người anh thôi, đồng hương Hà Nội rất quý nhau. Nhưng bà ấy xúc phạm anh Hiếu quá nên tôi thương. Sau này, chú Trần Tiến gặp tôi mới bảo: “Ông Hiếu nhà em khổ lắm, lấy vợ tám năm, mất con mất bạn, giờ mất hết tiền dành dụm cho người ta xây nhà, còn mang tiếng đi ở nhờ”.
Bà ấy viết thư cho mẹ tôi: “Con bà còn trẻ lắm, tôi được biết con bà hiện nay đang quan hệ với ông Trần Hiếu. Tôi khuyên là đừng có lấy, nghệ sĩ khố rách áo ôm một xu dính túi cũng không có”. Bà ấy còn viết thư gửi sang tận Mỹ cho bố mẹ chồng Trần Thu Hà, còn viết thư cho cả NSND Trọng Bằng nữa… Hồi đó gia đình khuyên tôi không nên đi bước nữa, ở đấy đợi con về thôi. Nhưng có một ngày anh Hiếu gặp tôi và nói: “Ngà ơi, bây giờ anh khổ lắm! Giờ anh ở với Trần Tiến, chẳng ai chăm sóc cho anh!”.
Cả gia đình khuyên tôi không nên lấy, nhưng anh Hiếu bảo: “Nếu mà thương thì lấy anh chứ anh không cặp bồ đâu, anh già rồi mà là nghệ sĩ không muốn nhiều điều tiếng. Anh cần một người vợ để chăm sóc, chứ con anh cũng ở xa hết rồi”. Tôi suy nghĩ cả tháng trời rồi chấp nhận. Đám cưới người già nên dè dặt lắm, tính đặt ba bàn thôi nhưng rồi bạn bè khắp nơi nghe tin gọi chúc mừng, thế là phải làm tới 10 bàn...”.
Năm 2006, lúc lấy nhau Trần Hiếu vẫn còn trú tạm ở nhà Trần Tiến, sau đó thì hai người ra ngoài thuê nhà sống. Lang thang mãi con cái của hai ông bà thấy ái ngại bèn hùn nhau mua căn hộ cho bố mẹ. Đến đầu năm 2008 thì Trần Hiếu mới thật sự có cuộc sống ổn định. Nằm trên lầu 5 của chung cư Bộ Đội Biên Phòng sát bên là chợ Tân Sơn Nhất (Q. Gò Vấp), căn hộ nhỏ 50m2 của vợ chồng nghệ sĩ Trần Hiếu thật ấm cúng với chiếc piano chiếm gần hết một góc phòng, bức tượng bán thân bằng đồng của ông đặt kế bên.
Trên bức tường ốp gạch treo đầy những bức ảnh gia đình và con cháu của hai người như một sự tôn trọng cuộc sống riêng trước khi đến với nhau. Không lâu sau khi hai ông bà dời về chung cư này, mảnh đất ở dưới tòa nhà đã biến thành một mảnh vườn nhỏ xanh mát với nhiều cây cỏ, được đặt rải rác những chiếc ghế đá sạch sẽ.
Ở tuổi 75, ngồi kiểm lại hơn 50 năm ca hát và đào tạo, Trần Hiếu không còn nhớ nổi bao nhiêu ca sĩ từng có xuất phát điểm là những lớp học và sự dạy dỗ của ông: NSND Thanh Hoa, NSND Y Moan, 14 nghệ sĩ được phong danh hiệu NSƯT và nhiều ngôi sao ăn khách như Bằng Kiều, Thanh Thúy, Nam Khánh, Tấn Minh, Trọng Tấn…
Nửa thế kỷ truyền nghề, truyền lửa, Trần Hiếu vẫn chưa muốn dừng lại. Ở nhà, ngày ngày ông vẫn nhận học trò đến luyện thanh. Ông cười bảo mình là thầy giáo thanh nhạc lấy thù lao thấp nhất hiện nay: 150.000 đồng/giờ, dạy chăm chỉ có khi sáu người một ngày nên kiếm sống cũng được mà không phải phụ thuộc vào con cái. Học trò ông hiện lọt vào vòng chung kết Việt Nam Idol 2010 tới bảy thí sinh, cũng có nhiều người đến học để thi đại học, cao đẳng, hay nhiều hơn nữa là các ca sĩ.
Trong số những học trò được ông yêu quý nhất, Trần Hiếu đặc biệt dành nhiều tình cảm cho Tinna Tình. Ông kể: “Tinna Tình cũng là trường hợp lạ lùng. Nó là học trò lạ nhất trong đời làm thầy của tôi, để lại nhiều xúc cảm đặc biệt. Khi nó tìm tới tôi là năm 2004, mới 17 tuổi nhưng rất giỏi, đã tự sáng tác được một số bài rồi, nhưng nó hát kiểu bản năng nên không có nghề.
Tôi không muốn nhận, nhưng Tinna cứ năn nỉ “bác thương con thì dạy cho con...”. Và Tinna không làm tôi thất vọng, nó rất cố gắng và đi học đều sáu buổi một tuần. Lúc tổng kết lại, mới giật mình là Tinna học một năm bằng người khác học ba năm thanh nhạc…”. Và tất nhiên, vẫn không có học trò nào qua được Trần Thu Hà.
Năm ngoái, Tuấn Trinh Production làm đĩa “NSND Trần Hiếu - Còn lại với thời gian”, nhiều người bỗng thấy nghẹn ngào ngẫm ra rằng, cuộc đời hơn 50 năm ca hát của ông chỉ có mỗi sản phẩm cá nhân này; trước đây cũng có một album nhưng là băng cassette do Hồ Gươm Audio phát hành. Các nghệ sĩ thế hệ cũ có cách nghĩ riêng của mình: Ai cần thì mời thu âm, thế thôi.
Trần Hiếu cũng nói rằng ông chẳng bao giờ có ý nghĩ phải làm album cho mình. Cuộc sống trôi qua, Trần Hiếu giờ sống an nhiên và hạnh phúc, vẫn tự hào rằng một nghệ sĩ lớn tuổi như ông nhưng vẫn luôn được mời vào nhiều chương trình lớn, mới nhất là giám khảo cho chương trình truyền hình thực tế “Gia đình tài tử” sắp phát sóng trên HTV7.
Với chương trình này, Trần Hiếu tỏ ra rất hào hứng, cho rằng đây là cuộc thi tìm kiếm sự chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình nhiều thế hệ thông qua việc ca hát. Bản thân Trần Hiếu cũng luôn mơ đến một ngày ông cùng những thành viên xuất sắc trong gia đình - Trần Tiến và Trần Thu Hà, đứng biểu diễn chung trên sân khấu.
“Tôi luôn có khát vọng, là ba người nhà tôi lập thành Trần gia nhã nhạc đi diễn xuyên Việt. Trần Tiến bảo có thể xuyên cả châu Âu nữa. Nhưng khó, vì tôi đi bây giờ vứt học trò cho ai? Năm nào cũng có đứa tốt nghiệp cả, phải lo cho chúng nó chứ. Và hơn thế, mỗi người một kế hoạch. Trần Thu Hà bây giờ sống ở xa, cũng phải để nó lo sự nghiệp nữa. Thỉnh thoảng chúng tôi ngẫu hứng hát với nhau và rất nhiều người rất thích thú với phần biểu diễn đó”.
Tổ chức một chương trình ca nhạc tưởng rằng rất dễ, ấy mà ba người rất nổi tiếng ấy đã phải ấp ủ mười năm vẫn chưa thực hiện được...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận