22/11/2017 08:41 GMT+7

NSND Lê Khanh: Xuống đáy là cơ hội để bắt đầu...

NGỌC DIỆP thực hiện
NGỌC DIỆP thực hiện

TTO - Ở tuổi 53, mỹ nhân một thời của màn ảnh - sân khấu Việt cho thấy sự quyết liệt, khát khao học hỏi để đổi mới nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội).

Lê Khanh trong trích đoạn Bến bờ xa lắc 

Phải có ranh giới trong một chừng mực nào đấy khi ta khám phá chính bản thân mình.

NSND Lê Khanh

NSND Lê Khanh, phó giám đốc nhà hát, vừa đi Nhật về. 

Chị hỏi học được rất nhiều điều mới mẻ, nhưng cũng rất tỉnh táo tự biết mình biết người để đối diện với thực trạng sân khấu ở Việt Nam, vốn không thể thay đổi một sớm một chiều.

NSND Lê Khanh: Xuống đáy là cơ hội để bắt đầu... - Ảnh 3.

NSND Lê Khanh bên market tạo hình mặt nhân vật cho rối tại Nhà hát múa rối cổ YOUKIZA gần 400 năm tuổi ở Nhật Bản - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Cơ chế bao cấp lâu nay đã giết chết nghệ thuật, khiến nghệ sĩ trở nên mòn mỏi. Được đi ra ngoài, chị cảm thấy thế nào?

- Không cạnh tranh thì không thể phát triển. Bao cấp mà không quan tâm xem nhà hát phát triển thế nào cũng là giết không gươm, không dao, khiến nhà hát chết từ từ, dần dần.

Nhiều nước vẫn có nhà hát công, nhưng họ đầu tư có điều kiện, rút bớt tiền nếu làm việc không hiệu quả. Nhà hát công của họ để phát triển văn hóa cộng đồng thực sự, chứ không phải phục vụ cộng đồng như mình.

Nhà hát của mình mang tiếng là phục vụ nhân dân nhưng lôi xềnh xệch khán giả đến, họ cũng chẳng muốn xem. Những thứ mình làm vẫn là giáo điều, chưa thực sự vì khán giả.

- NSND Lê Khanh -

Có cơ hội là tôi đi học ngay. Có đi mới thấy nhiều nghệ sĩ độc lập trên thế giới giỏi thế nào.

Khi ra ngoài thú vị vì mình vừa cảm thấy hoang mang, lo sợ khi đứng giữa biển mênh mông, nhưng cũng cảm thấy vô cùng phấn khích vì cảm giác được chinh phục thử thách. 

Tôi nghĩ nếu không đủ sức để tạo thành làn sóng thay đổi, ít nhất cũng thay đổi chính mình.

* Khát khao đổi mới của thế hệ lãnh đạo mới ở Nhà hát Tuổi trẻ đang phải đối mặt với thực tế thế nào?

- Là làm sao để thuyết phục được chính thế hệ mới của nhà hát phải cùng chung chí hướng, cảm thấy cần thiết phải đổi mới.

Thay đổi tư duy cho số đông không dễ. Năm 2014, sau khi tu nghiệp ở Nhật, tôi đã mang về một dự án nhạc kịch rất lớn, nhưng chỉ được 12 tháng thì phải ngừng vì nhân sự không đáp ứng được.

Những người được chọn đã quen với các buổi tập dễ dàng, nhanh chóng. Họ không thích những dự án bắt họ tập hát, múa, nhảy, diễn dài tới 2-3 năm.

Điều này khiến tôi áy náy không bao giờ nguôi. Mình đã nhìn thấy tương lai rồi mà phải đầu hàng, chỉ tự nhủ sẽ không bỏ cuộc.

Mỗi lần đi Nhật là một lần tôi được tôi luyện nghiệt ngã, khi về gầy xác xơ. Nhưng mình biết được cảm giác chạm đến thành công sau mỗi lần học hỏi như thế nào. 

Muốn giàu có trong tương lai thì phải tập luyện từ bây giờ, phải chịu đựng gian khổ thì mới gặt hái được kết quả.

NSND Lê Khanh: Xuống đáy là cơ hội để bắt đầu... - Ảnh 5.

Lê Khanh trong Bến bờ xa lắc

Tôi tự biết một hay hai người không lay chuyển được nhà hát, mà tất cả phải nhận thấy đổi mới là cấp thiết thì mới thay đổi được. Đôi khi tôi tự an ủi, xuống đáy lại là cơ hội để bắt đầu điều gì đó mới mẻ.

NSND Lê Khanh

* Từ một diễn viên không phải lo lắng gì đến vị trí quản lý nhà hát, chị phải đối mặt với áp lực gì?

- Tôi áp lực liên tục, luôn dằn vặt vì không làm được những cái mình nghĩ phải làm được.

Ở mọi ngành nghề, rất nhiều người Việt ra nước ngoài tu nghiệp. Nhưng tại sao họ lại không thể phát huy được ở môi trường Việt Nam?  Giờ tôi thấy quả nhiên không dùng được thật. 

* Chị rất chăm học. Có thời gian chị đi học đạo diễn, mấy năm gần đây đi tu nghiệp bên Nhật liên tục. Vì sao vậy?

- Nhiều người nói khâm phục vì tôi tuổi này rồi còn đi học. Có gì đâu mà khâm phục? Một người không biết ngoại ngữ như tôi, cũng chẳng có điều kiện đi du học, lại được người ta tài trợ cho đến nơi văn minh, môi trường kỉ luật, sáng tạo, chỉ để học thôi, có gì mà ngại?

Đi học bằng tiền tài trợ của nước ngoài thì phải hiểu đó là thuế, là mồ hôi, nước mắt của nhân dân người ta.

Người ta thương quý, muốn mình cùng tiến nên hỗ trợ. Mình không học hành tử tế là đánh mất sĩ diện của mình rồi.

NSND Lê Khanh: Xuống đáy là cơ hội để bắt đầu... - Ảnh 7.

Lê Khanh - Ảnh Nguyễn Khánh

* Trong các bài phỏng vấn trước đây, chị chủ yếu nói về nghiệp diễn, về gia đình, ít khi chia sẻ những ý kiến động chạm đến ai. Nhưng giờ ở cương vị quản lý, dường như chị quyết liệt hơn?

- Trước đây tôi chỉ tập trung cho việc diễn, mọi vấn đề ở nhà hát đã có người khác lo hộ. Bây giờ mình cùng lo việc quản lý nhà hát thì phải để tâm.

Để tâm mà không đi đến kết quả như mình mong muốn thì day dứt, xấu hổ, dằn vặt lắm. Tôi thực sự lo ngại vì trông thấy những cái mất mát nhãn tiền, mà không làm gì được.

* Chị cho rằng chính các dự án hợp tác với các trung tâm văn hóa nước ngoài đang cứu các nhà hát ở phía Bắc?

- Có thể hiểu dự án hợp tác chính là hình thức du học tại chỗ với nghệ sĩ nhà hát. Mình không mất tiền, các thầy về tận đây dạy bảo nhiệt thành. Mình có mỗi việc là giữ họ và học thật tốt thôi.

Trong khi chưa cải thiện được mô hình vận hành nhà hát hiện đại, nghệ sĩ cần trau dồi nghề nghiệp để không mất đi thời gian tuổi trẻ.

Nhờ quỹ Japan Foundation, nhà hát nhận được rất nhiều dự án. Khi người ta mời mình, mình làm hết sức, mới được người ta tin tưởng giao tiếp.

* Vai trò quản lí khiến Lê Khanh phải bứt ra vùng an toàn?

- Trong đời sống nghệ thuật, tôi là người quyết liệt, táo bạo. Tôi luôn muốn đương đầu với cái mới, cho dù biết phải hi sinh lớn, phải chấp nhận rủi ro.

Những năm 2000, hài trở thành hiện tượng trên sân khấu. Diễn như chơi, kiếm tiền dễ như bỡn.

Lúc này tôi đã đóng xong bi kịch cổ điển châu Âu rồi, xong cổ điển truyền thống Việt Nam rồi, tâm lý xã hội xong xuôi, kịch thiếu nhi, người lớn, tất thảy đủ cả. Chỉ còn hài là chưa thử sức thôi.

Tôi đã quyết định thử sức với hài. Và dường như quyết định này đã trở thành cú hích giúp tôi được trao tặng danh hiệu NSND, dù trước đó tôi đã đủ năm cống hiến, đủ số huy chương để trao danh hiệu này rồi.

Nhưng chỉ sau 3 số Đời cười, tôi quyết định dừng lại, dù day dứt lắm nhưng phải quay về.

Tôi có may mắn là được vào mọi thể loại, toàn được giao cái khó, và tôi dám làm. Cái khó hơn là dám từ bỏ, dám dừng lại, vì tôi đã thấy rất nhiều bài học lỡ trớn không về được, dù rất muốn.

Trong hoàn cảnh có ngút ngàn nghệ sĩ có danh hiệu - mà có danh hiệu là phải giỏi chứ, nhưng không bán được vé nào thì phải suy nghĩ.

Trong ngút ngàn hội diễn, vở diễn gần như giống nhau đồng loạt về cách thể hiện, mình phải thấy có vấn đề.

- NSND Lê Khanh -

NSND Lê Khanh: Xuống đáy là cơ hội để bắt đầu... - Ảnh 9.

NSND Lê Khanh đi dự Festival Sân khấu quốc tế - Ảnh do nhân vật cung cấp

NSND Lê Khanh: Xuống đáy là cơ hội để bắt đầu... - Ảnh 10.

NSND Lê Khanh tập với con rối, cho vở "Con Vịt trời" của Henrik Ebsen - Ảnh: NVCC

NSND Lê Khanh: Xuống đáy là cơ hội để bắt đầu... - Ảnh 11.

NSND Lê Khanh đi tu nghiệp tại Nhật Bản - Ảnh: NVCC

NGỌC DIỆP thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp