03/04/2016 10:23 GMT+7

NSND Lê Khanh: Có lúc tôi âm thầm ngồi khóc

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Trở về từ chuyến lưu diễn tại Nhật, NSND Lê Khanh kể với Tuổi Trẻ một câu chuyện nghề nghiệp thú vị.

Vở kịch Vịt trời trúng độc được biểu diễn ở nhà hát Nhật Bản - Ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ
Vở kịch Vịt trời trúng độc được biểu diễn ở nhà hát Nhật Bản - Ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ

Các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ có gần hai tháng hợp tác lao động nghệ thuật cùng các nghệ sĩ Nhà hát múa rối cổ truyền Youkiza, Nhật Bản. Vở kịch kết hợp rối dây Vịt trời trúng độc là kết quả của dự án được công diễn ở Nhà hát Metropolitan - Tokyo, Nhật Bản từ 16 đến 21-3.

Vịt trời trúng độc là vở diễn được đạo diễn Sakate Yoji xây dựng dựa trên nguyên tác kịch bản văn học Con vịt trời của nhà viết kịch nổi tiếng Na Uy Henrick Ibsen. Cùng với nghệ nhân Yuki Magosaburo đời thứ 12 - giám đốc Nhà hát Youkiza, nghệ sĩ violon Otakeisuke (Nhật Bản), hai nghệ sĩ Việt Nam là NSND Lê Khanh và nghệ sĩ Thanh Bình đã cùng tham gia biểu diễn.

Trở về từ chuyến lưu diễn, NSND Lê Khanh đã kể với Tuổi Trẻ một câu chuyện nghề nghiệp thú vị:

- Tôi đã có những tháng ngày lao động cật lực. Stress cũng có mà hạnh phúc cũng có. Stress khi mất hơn tháng trời tôi phải tìm mọi cách để “bắt lời” thoại với nghệ sĩ Nhật Bản.

Đã có lúc tôi âm thầm ngồi khóc, âm thầm mua len về... đan áo cho lòng không bị bấn loạn và quyết tâm đi tiếp. Nhưng stress nhất là đạo diễn Sakate Yoji giống như một nhà “khảo cổ” vậy, lúc nào anh ấy cũng nói: “Bạn làm chưa phải cái tôi muốn, chưa phải là kịch của Ibsen...” dù có lúc mọi thứ cứ tưởng như đã tốt.

Thế là mọi thứ trở về con số 0 để tôi và các bạn diễn lại phải tìm tòi, sáng tạo... Cách làm việc cứ thế cho đến tận lúc vở diễn được khán giả đón nhận.

Khi ấy tôi hạnh phúc nhận ra rằng với nghệ sĩ, trước mỗi vai diễn thì không chỉ là hiểu ngay, hiểu đúng mà luôn phải đòi hỏi nỗ lực đến tận cùng.

* Ở vở Vịt trời trúng độc, chị thấy việc kết hợp giữa rối dây cổ truyền Nhật Bản và kịch phương Tây có điều gì thú vị?

- Từ nhỏ tôi vẫn hay nghe bậc cha chú mong ước có vở diễn xóa nhòa ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật. Khi bước vào nghệ thuật, tôi cũng đem theo mơ ước đó.

Còn nhớ năm 2004, tôi từng tham gia diễn cùng với múa rối trong vở Vịt con xấu xí của Nhà hát Múa rối trung ương. Nhưng khi ấy cách tiếp cận vẫn còn đơn sơ, chân phương vì nghĩ rằng nghệ thuật múa rối là trò diễn đơn giản, mang tính minh họa, phục vụ thiếu nhi.

Lần này, khi hợp tác với các nghệ sĩ Nhà hát múa rối cổ truyền Youkiza, tôi nhận ra rằng giữa kịch và múa rối không có ranh giới. Vì khi đó, nghệ thuật múa rối đạt đến mức biểu diễn tác phẩm sâu sắc, kinh điển, đầy tính triết lý, biểu cảm.

Tới đây, khi các bạn thưởng thức vở diễn thì sẽ thấy rõ hơn điều đó. Thêm nữa, dưới bàn tay đạo diễn Sakate Yoji, vở diễn còn là sự hòa quyện của kịch Noh, kịch Shakespeare trong kịch Ibsen.

* Nghe nói vở diễn đã có 6 buổi công diễn “cháy vé” ở Nhà hát Metropolitan - Tokyo, thưa chị?

- Quả thật, chúng tôi hạnh phúc bao nhiêu khi lần đầu tiên được biểu diễn ở “thánh đường” sân khấu của Nhật Bản - Nhà hát Metropolitan - Tokyo thì lại càng sung sướng bấy nhiêu khi biết được tin khán giả đặc biệt quan tâm đến vở diễn.

Phải mở ngoặc nói thêm rằng các suất diễn đó đều hạn chế tối đa vé mời. Nhiều nhà hoạt động sân khấu, lý luận phê bình, đạo diễn và nghệ sĩ Nhật Bản cũng như anh em, họ hàng nghệ sĩ... đều mua vé đến xem. Có khán giả còn mua vé xem đến hai lần.

Thật ra, trong thời gian luyện tập, sau mỗi ngày chúng tôi đều được nghe bên sản xuất thông báo tiến triển của công tác bán vé và họ trực tiếp vận động mọi thành viên tham gia.

Họ trân trọng bán từng tấm vé đến tận tay khán giả chứ không treo băngrôn la liệt rồi ngồi đợi khán giả đến với mình.

* Theo chị, đấy có phải là điều kiện để sân khấu truyền thống Nhật Bản vẫn phát triển trong xã hội hiện đại?

- Nói đến chuyện này, tôi muốn chia sẻ với bạn câu chuyện của chính Nhà hát múa rối cổ truyền Youkiza đang hợp tác cùng Nhà hát Tuổi Trẻ thực hiện dự án này. Đấy là nhà hát tư nhân, hoạt động theo hình thức truyền nghề gia tộc.

Giám đốc nhà hát là nghệ nhân Yuki Magosaburo đời thứ 12. Ông ấy kể rằng Nhà nước Nhật (thông qua Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản) chỉ đầu tư theo dự án nhưng không phải lúc nào cũng có dự án được đầu tư. Thế nên, để gìn giữ được nghề, họ đã phải nỗ lực một cách khủng khiếp trong từng giây, từng phút.

Khi lập dự án, họ có đến hai giám đốc sản xuất lo việc kêu gọi êkip, tìm đối tác, xây dựng chiến dịch truyền thông và bán vé... Trong đó, chất lượng nghệ thuật luôn được nhà hát đặt lên hàng đầu. Chẳng hạn như vở Vịt trời trúng độc, họ đều mời đạo diễn, giám đốc âm thanh, ánh sáng nổi tiếng của Nhật Bản tham gia.

Đặc biệt, với riêng nghệ sĩ thì việc có được “đẳng cấp” nghệ thuật là yếu tố quyết định cho sự sống còn của nghệ thuật chứ không phải là tuổi tác hay tiền bạc, rạp hát lớn. Khán giả sẽ luôn tán thưởng những nghệ nhân 70-80 lên sân khấu biểu diễn.

Nghệ sĩ Nhật Bản vì vậy luôn chuyên tâm rèn giũa, học tập tất cả những tinh hoa nghệ thuật nhân loại. Họ có nhu cầu ra thế giới giao lưu, biểu diễn, giống như con người cần khí trời để sống vậy.

Sau đó họ trở về và bắt tay xây dựng tác phẩm sao cho thật mới mẻ, sáng tạo nhưng vẫn đậm chất văn hóa Nhật.

NSND Lê Khanh và nghệ nhân Yuki Magosaburo đời thứ 12 - giám đốc Nhà hát Youkiza - trên sàn tập vở Vịt trời trúng độc - Ảnh: nvcc
NSND Lê Khanh và nghệ nhân Yuki Magosaburo đời thứ 12 - giám đốc Nhà hát Youkiza - trên sàn tập vở Vịt trời trúng độc - Ảnh: nvcc

Sau 6 buổi biểu diễn trong tháng 3 tại Nhà hát Metropolitan - Tokyo, đến tháng 5, vở kịch rối được công diễn từ ngày 13 đến 15 ở Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) và ngày 17 ở Nhà hát lớn Hải Phòng.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp