04/12/2018 14:11 GMT+7

Noong Hẻo hồi sinh sau nạn 'vàng tặc'

QUANG THẾ - VŨ TUẤN
QUANG THẾ - VŨ TUẤN

TTO - Chúng tôi đến Noong Hẻo - một xã vùng cao - thuộc huyện Sìn Hồ (Lai Châu) khi gió mùa đông bắc vừa tràn về cũng là lúc bà con dân tộc Thái nơi đây đang bước vào vụ lúa mùa.

Noong Hẻo hồi sinh sau nạn vàng tặc - Ảnh 1.

Bà con ở bản Nậm Há 1 đến giúp gia đình ông Cà Văn Giót thu hoạch lúa - Ảnh: QUANG THẾ

Ruộng bậc thang cao thấp lúa chín vàng ửng trải rộng từ cửa rừng tới tận bờ suối như báo hiệu một vụ bội thu…

Hình ảnh người dân tất bật gặt, tuốt lúa ngay tại ruộng tạo nên khung cảnh rộn ràng trong không gian tĩnh mịch trời chiều. Nhìn hình ảnh này ít ai biết rằng mới được hồi sinh sau cơn lốc "vàng tặc" chỉ vài năm trước.

Noong Hẻo hồi sinh sau nạn vàng tặc - Ảnh 2.

Thu hoạch lúa - Ảnh: QUANG THẾ

Quên vàng mới có thóc mà ăn

Con đường đất, đá hộc lởm chởm đưa chúng tôi vào những bản làng cạnh "suối vàng" năm xưa. Phó chủ tịch UBND xã Noong Hẻo - Lò Văn Xương bảo rằng: "May mà cán bộ cấp trên dẹp được vàng tặc dân mới có thóc ăn, chứ vàng thổ phỉ mà còn thì bây giờ dân bản không có nhà mà ở".

Hướng mắt nhìn về những ruộng lúa đang thu hoạch ông Xương nói trong vui mừng: "Dân bản không lo đói nữa rồi! Làm cán bộ nhìn thấy dân có thóc ăn mình cũng vui lây cho bà con. Mấy năm trước dân không có cái ăn mình làm cán bộ tìm mọi cách để giải cứu nhưng không sao xoay được tình thế…".

Lúa chín trước nên gia đình ông Cà Văn Giót (Bản Nậm Há 1) được bà con trong bản đến giúp thu hoạch. Ai cũng vui vẻ tươi cười vì năm nay hầu hết các bản ở xã Noong Hẻo lúa đạt năng suất cao.

"Vài năm trước nhiều diện tích lúa bị nước thải từ khai thác vàng tràn về làm chết khô cả cây. Sau khi "vàng tặc" bị triệt phá phải rất khó khăn chúng tôi mới có thể cải tạo lại đất. Năm nay được mùa mọi người đều vui, không ai muốn nhắc tới vàng nữa" - ông Giót nói.

Noong Hẻo hồi sinh sau nạn vàng tặc - Ảnh 3.

Trưởng bản Nậm Há 1 - Lò Văn Phái - Ảnh: QUANG THẾ

Trên đường vào trung tâm bản Nậm Há 1, trưởng bản Lò Văn Phái (33 tuổi) kể bao năm nay đồng bào dân tộc Thái rất chăm chỉ làm ăn, thường cư trú gần bờ suối nên cuộc sống luôn no đủ.

Vào cuối năm 2009, một số chủ vàng không biết nghe thông tin được từ đâu cứ "nhảy dù" về dòng suối Noong Hẻo tập kết máy móc, lập lán trại khai thác vàng.

Người dân thấy vậy lao vào lán làm thuê cho chủ vàng kiếm sống, ai cũng mong muốn đổi đời nhưng nào ngờ giàu chưa thấy, cuộc sống ngày một khốn khó rồi đi vào bế tắc, tệ nạn nhức nhối.

"Vàng tặc" xuất hiện ở Noong Hẻo, nghe theo lời dụ dỗ của người lạ, trưởng bản Phái cùng nhiều thanh niên trai tráng lao theo cơn lốc vàng để đổi đời nhưng nhiều trai trẻ đã bỏ mạng nơi đây.

"Mình cũng từng bị dụ vào suối làm nhưng được một thời gian thấy phu vàng cứ chích hút tập thể, sợ quá nên bỏ về. Nhiều thanh niên chỉ 16 -19 tuổi bị cuốn vào ma túy, rồi mắc căn bệnh thế kỷ vài năm sau chết…" - trưởng bản Phái tâm sự.

Giai đoạn đông "vàng tặc" là từ năm 2004 đến 2012. UBND tỉnh Lai Châu phải lập các đoàn công tác phá các mỏ vàng tự phát do mất tình hình an ninh trật tự. Tháng 6-2017, dân đang yên ổn làm ăn thì lại xuất hiện một nhóm người lạ đến suối Noong Hẻo để dựng lán trại. Được quần chúng báo sớm, UBND xã, công an xã đã có mặt lập biên bản, đốt máy móc và trục xuất những người chuẩn bị khai thác vàng ra khỏi địa phương.

Phó chủ tịch UBND xã Noong Hẻo - Lò Văn Xương

Noong Hẻo hồi sinh sau nạn vàng tặc - Ảnh 5.

Một góc xã Noong Hẻo nhìn từ trên cao - Ảnh: NGỌC QUANG

Núi rừng Noong Hẻo đẹp lắm!

Bãi vàng dẹp rồi, nhưng cái khổ vì vàng thì chưa hết. Ông Lù Văn Cưởi, chủ tịch UBND xã, nhớ lại hồi đó ông đang làm cán bộ tư pháp - hộ tịch xã. Huyện về dẹp bãi vàng xong, ông và ba người khác được phân công ở lại rừng không cho vàng tặc quay lại đào vàng.

Làm lán túc trực trong rừng, xã cho người hằng ngày mang gạo, pin đèn vào tiếp tế. Nằm lại rừng đến ngày thứ 10 thì ông Lò Văn Đôi bị sốt rét phải lấy võng làm cáng khiêng ra xã cấp cứu.

Ông Cưởi và hai người khác vẫn bám trụ. Ngày thứ 12 thì có một người "cai" vàng quay trở lại. Người này đến xin cơm ăn, về hầm cũ lấy chiếc đèn pin rồi vượt rừng đi đâu không biết. Đến giờ đám cai vàng năm đó không ai quay trở lại nữa.

Dân bản Nậm Há 1 chưa hết bàng hoàng sau trận lở đất kinh hoàng làm 5 người dân của bản bị vùi lấp tháng 6-2018.

Những cây cao su đã xanh trở lại bên sườn núi nhưng không che được khe nứt rộng từ những con suối. Ông Lò Văn Yêng chỉ tay về cánh rừng phía trên vết sạt mới của bản Nậm Há 1 chính là bãi vàng xưa.

Ông Yêng giờ đã hơn 70 tuổi, có sáu người con nhưng đến nay hai vợ chồng già phải nai lưng làm việc nuôi cháu. Con trai cả của ông trước đây theo người ta vào núi đào vàng rồi chết vì ma túy. Con thứ hai đang ở tù cũng vì bán ma túy.

Còn cô con gái lấy chồng ở xã bên, chồng cũng đi đào vàng rồi nghiện ma túy. Khuyên bảo chồng mãi không được, cô kết liễu đời mình bằng nắm lá ngón.

Noong Hẻo hồi sinh sau nạn vàng tặc - Ảnh 6.

Chị Lò Thị Diên (bản Nậm Há 2) thu hoạch lúa, phía sau là mái lều rách nát làm nơi trú ngụ của cả gia đình chị - Ảnh: QUANG THẾ

Dân tứ xứ đổ về lòng suối, bìa rừng xới từng tấc đất tìm vàng. Thấy vậy chồng chị Lò Thị Diên (bản Nậm Há 2) cũng vào rừng mong muốn cơ may đổi đời, nhưng vàng đã cướp đi người cha trụ cột gia đình có ba đứa con thơ.

Đến nay mấy mẹ con chị Diên vẫn phải sống tạm bợ trong mái lều rách nát bên bờ ruộng mà không khỏi xót xa. "Chồng mình mất được 5 năm rồi. Từ ngày chồng mất mọi công to việc lớn mình phải lo hết" - chị Diên bùi ngùi.

Mấy bản gần bãi vàng trở thành "bản chết". Người chết vì bị AIDS, người đi biệt tăm, người nghiện không có tiền mua thuốc sinh ra trộm cắp, bán cả ma túy để có tiền thỏa mãn cơn nghiện.

Cả một thời gian dài ở Noong Hẻo hở ra cái gì là mất cái đó. Xưa con vịt bơi cả ngày dưới suối, con trâu tha thẩn ăn cỏ ven đồi cả ngày chẳng sao.

"Vàng tặc" đến, con vịt bơi ra suối là mất, con trâu buộc dưới gầm sàn cũng bị người ta vào dắt đi. Bây giờ cả xã còn hơn 60 người nghiện đang được dùng metadol thay thế.

Cánh đồng Noong Hẻo đang trở thành "vựa" lúa của huyện Sìn Hồ. Chủ tịch UBND xã Lù Văn Cưởi mong muốn được chính quyền cấp trên đầu tư làm con đường vào xã để khai tác tiềm năng bởi núi rừng Noong Hẻo còn thơ mộng, tươi đẹp lắm!

Có đường mới, du khách sẽ đến nhiều, dân bản sẽ có cơ hội làm du lịch...

Sập hầm vàng liên tiếp xảy ra!

Một vụ sập hầm vàng nghiêm trọng lại xảy ra vào khoảng 2h sáng 4-11-2018 tại hang Cột Cờ, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình làm 2 người phu vàng chết. Sau 11 ngày nỗ lực tìm kiếm nạn nhân thứ 2 mới được đưa ra ngoài.

Đêm 19-8-2016, vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra tại bãi vàng thuộc địa phận bản Mà Sa Phìn (xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, Lào Cai) đã làm 11 người chết.

ảnh 1

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân trong vụ sập hầm vàng trái phép ở tỉnh Hòa Bình - Ảnh: VŨ TUẤN

Đêm 4-9-2013, cũng trên địa bàn huyện Văn Bàn (Lào Cai) vụ sập hầm vàng xảy ra tại rừng Vầu thuộc địa phận xã Minh Lương.

Thông tin ban đầu UBND huyện Văn Bàn cho biết chỉ có 2 người chết. Tuy nhiên sau khi báo chí vào cuộc điều tra UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, thừa nhận số người chết lên đến 12 người.

Tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng vụ sập hầm vàng hang Cột Cờ

TTO - Lực lượng cứu hộ đã phát hiện được thi thể phu vàng cuối cùng trong vụ tai nạn sập hang khai thác vàng trái phép tại thôn Lộng, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

QUANG THẾ - VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp