01/08/2020 06:38 GMT+7

'Nóng' vì dịch, Đà Nẵng, Quảng Nam kiến nghị dừng thi tốt nghiệp THPT

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Đó là đề xuất của ông Lê Trung Chinh - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - nêu tại hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với 63 địa phương chiều 31-7.

Nóng vì dịch, Đà Nẵng, Quảng Nam kiến nghị dừng thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 1.

Học sinh Quảng Nam tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2020 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

"Chúng tôi xin kiến nghị xem xét báo cáo Chính phủ cho dừng thi đối với thí sinh tại Đà Nẵng và xét đặc cách tốt nghiệp đối với thí sinh. Những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường đại học có phương án phù hợp, tạo điều kiện cho thí sinh Đà Nẵng được xét tuyển".

Đó là đề xuất của ông Lê Trung Chinh - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - nêu tại hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với 63 địa phương chiều 31-7.

Chúng ta phải coi trọng sức khỏe của học sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên... tham gia thi, rộng hơn là coi trọng sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, không vì không đủ thông tin hoặc vì một số khó khăn mà có những quyết định không được cân nhắc kỹ.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Đảm bảo an toàn

Ông Lê Trung Chinh chia sẻ để đưa ra đề xuất này cũng là một quyết định khó khăn, vì việc không tổ chức thi sẽ có nhiều vấn đề xáo trộn nhưng sau khi cân nhắc, lãnh đạo Đà Nẵng thấy cần ưu tiên đảm bảo an toàn cho thí sinh, cán bộ, giáo viên.

Phân tích về lý do đề xuất, ông Chinh nói tới thời điểm hiện nay Đà Nẵng đã có 80 ca nhiễm virus corona. Trong đó có giáo viên, học sinh cũng bị lây nhiễm hoặc là người tiếp xúc gần. Mặc dù Đà Nẵng vẫn đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi nhưng tâm lý của thí sinh, phụ huynh, giáo viên lúc này rất hoang mang và lo lắng, trong khi diễn biến dịch chưa lường được.

Tiếp theo, ông Trần Văn Tân - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cũng bày tỏ lo lắng vì đây là địa phương láng giềng Đà Nẵng có nhiều ca bệnh và nguy cơ lây lan còn rất lớn. Ông Tân đề xuất 3 phương án. Thứ nhất, sẽ tiếp tục chuẩn bị mọi mặt và theo sát diễn biến dịch đến hết ngày 7-8 (trước khi thi 2 ngày). 

Nếu tình hình có thể đảm bảo an toàn thì sẽ tổ chức thi như dự kiến. Thứ hai, thí sinh Quảng Nam sẽ lùi lịch thi muộn hơn các địa phương khác và sử dụng đề thi dự phòng. Thứ ba, giống Đà Nẵng, thí sinh Quảng Nam sẽ không thi, được xét đặc cách tốt nghiệp THPT.

Theo ông Tân, Quảng Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi, cả phương án phân nhóm thí sinh, chuẩn bị phòng thi cách ly, lực lượng dự phòng. Nhưng do không lường được diễn biến của dịch nên cần có nhiều phương án để tránh mạo hiểm.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị đã cho rằng các địa phương cần bình tĩnh, vừa chuẩn bị những công việc còn lại của kỳ thi vừa theo dõi sát diễn biến dịch để cùng Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế tham mưu Thủ tướng Chính phủ có giải pháp phù hợp.

Nóng vì dịch, Đà Nẵng, Quảng Nam kiến nghị dừng thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 3.

Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với 63 địa phương diễn ra chiều 31-7 tại Hà Nội - Ảnh: MAI THƯƠNG

Sẵn sàng, vẫn nhiều băn khoăn

Trao đổi tại hội nghị, ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) - cho biết Bộ GD-ĐT đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở 46/63 tỉnh, thành. Các tỉnh đều thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và cấp quận huyện; có phương án đối phó với thiên tai, dịch bệnh, phương án hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho thí sinh.

Tại hội nghị, các địa phương có đông thí sinh nhất là Hà Nội và TP.HCM cũng cho biết tới thời điểm hiện tại đã hoàn tất công tác chuẩn bị, bao gồm cả các điều kiện dự phòng như điểm thi, nhân lực, phương án đối phó với dịch bệnh. 

Nhưng vì là những địa phương đông thí sinh, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao nên vẫn có nhiều lo lắng. Ông Ngô Văn Quý, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, mong muốn Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể hơn về giải pháp đảm bảo an toàn cho thí sinh. 

Cụ thể như quy định về đeo khẩu trang, về giãn cách trong phòng thi, khử khuẩn điểm thi, phương án phân luồng đảm bảo không tập trung đông thí sinh, lực lượng phục vụ thi...

Phương án rà soát đối tượng F0, F1 và F2, bố trí điểm thi, phòng thi riêng cũng khiến nhiều địa phương băn khoăn vì những phát sinh sẽ xảy ra trên thực tế. 

Ông Đặng Duy Hậu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - băn khoăn về việc tổ chức điểm thi riêng thì việc vận chuyển, bảo quản đề thi sẽ như thế nào, di chuyển từ điểm chính sang hay bảo quản tại điểm thi riêng.

Cũng về điều này, ông Lê Hải Hòa - đại diện UBND tỉnh Cao Bằng - cho biết tỉnh này có 600 thí sinh có "yếu tố Đà Nẵng" phải tổ chức thi riêng. Trong khi việc in sao đề thi hiện đã và đang tiến hành. 

Việc điều chỉnh phòng thi sẽ dẫn tới phải điều chỉnh túi đề thi và việc này có thể tạo kẽ hở làm lộ đề thi. Ông Hòa cũng băn khoăn về việc giãn cách, tổ chức phòng thi, điểm thi cách ly sẽ làm tăng nhân lực, nhất là lãnh đạo điểm thi và việc này cần được hướng dẫn kỹ.

Tại TP.HCM, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả cán bộ tham gia in sao đề thi trước khi họ vào khu cách ly. 

TP.HCM cũng bố trí điểm thi dự phòng đủ cho tình huống có đông thí sinh F1. Tuy nhiên, ông Đức lo lắng khi chấm thi sẽ phải tập trung khoảng 600 người thì không đảm bảo an toàn và vi phạm quy định cấm tụ tập đông người.

Trao đổi về những băn khoăn liên quan tới đề thi, bài thi, ông Mai Văn Trinh đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh phòng thi, điểm thi đảm bảo giãn cách và cách ly với đối tượng F1, F2. Trên cơ sở đó mới tính toán việc in sao đề thi phù hợp. 

Ông Trinh cũng đề nghị ở các điểm thi riêng cho đối tượng F1 và F2, bài thi sẽ được bảo quản riêng để chấm sau cùng.

Khẳng định quyết tâm vượt qua khó khăn để thực hiện kỳ thi an toàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý các địa phương cần xây dựng phương án chi tiết đảm bảo an toàn, phòng chống dịch, trong đó có tính toán tới những tình huống bất thường. 

"Các địa phương sau khi rà soát phải tổ chức điểm thi riêng thì báo cáo để Bộ GD-ĐT xử lý trên hệ thống phần mềm. Trên cơ sở thực tế, các địa phương phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Trong đó chú ý đến việc hỗ trợ thí sinh, nhất là thí sinh trong diện F1, F2" - ông Nguyễn Hữu Độ nói.

Nóng vì dịch, Đà Nẵng, Quảng Nam kiến nghị dừng thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 4.

Mặc dù đã chuẩn bị tốt cho kỳ thi, học sinh Quảng Nam vẫn lo lắng trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19 - Ảnh: TR.H.

Chờ quyết định

Ông Hà Thanh Quốc - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam - cho biết quyết định cuối cùng vẫn là ở Bộ GD-ĐT. Ngay từ đầu khi kết thúc năm học, sở xác định, tính toán các phương án chuẩn bị cho kỳ thi.

Tất cả các điểm thi đều có nhân viên y tế trực 24/24 giờ, các huyện, thị xã, thành phố đều chuẩn bị tinh thần phối hợp với sở y tế, sở giáo dục - đào tạo, mọi công việc hết sức chủ động, không chủ quan ở bất kỳ khâu nào.

"Cái khó là vừa đảm bảo tính nghiêm túc cho kỳ thi vừa đảm bảo an toàn cho thí sinh, bởi vậy mọi thứ tập trung chỉ đạo kỹ càng" - ông Quốc nói.

LÊ TRUNG

TS Phan Thị Thùy Trang (phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cần Thơ):

Ai cũng sợ

thuy tranga 1(read-only)

Thật sự tôi cảm thấy rất lo trước việc Bộ GD-ĐT vẫn quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Với diễn biến khó lường của dịch COVID-19, đến thời điểm này vẫn chưa tìm ra được nguồn lây nhiễm của đợt bùng phát dịch bệnh lần 2 này ở Đà Nẵng.

Do đó, khả năng dịch lây lan ra nhiều địa phương là rất lớn. Với quy mô kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trên cả nước, ngoài gần cả triệu thí sinh còn có giáo viên và phụ huynh, việc tập trung đông người vô cùng nguy hiểm.

Bản thân tôi cũng là phụ huynh nên rất hiểu cảm giác lo lắng của những người có con tham dự kỳ thi năm nay.

Dù Bộ GD-ĐT công bố các phương án tổ chức thi đảm bảo an toàn trong dịch, nhưng nhiều người vẫn chưa yên tâm nhiều thứ. Thực tế không ít thí sinh không muốn thi, ngay cả cán bộ coi thi, thanh tra công tác kỳ thi không muốn tham gia vì ai cũng lo sợ nhiễm bệnh.

TS Lê Trường Tùng (chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT):

Vẫn khả thi

le truong tunga 1(read-only)

Dù dịch diễn biến phức tạp song tập trung chủ yếu tại một số ổ dịch ở Đà Nẵng, do vậy việc tổ chức thi tốt nghiệp vẫn khả thi. Các địa phương căn cứ vào mức độ đánh giá an toàn để chọn tổ chức thi cho những đối tượng nào, tại những địa điểm nào. Thi là việc quan trọng, nhưng an toàn là vấn đề số 1.

Với các em không thể dự thi, trong tình hình hiện nay cần thiết vận dụng mềm dẻo cơ chế đặc cách tốt nghiệp THPT. Việc này thuộc thẩm quyền của hội đồng xét tốt nghiệp THPT do sở GD-ĐT thành lập đã được quy định tại điều 34, 39 thông tư 04/2017/TT-BGDĐT.

ThS Phạm Thái Sơn (giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM):

Tổ chức thi phức tạp, vất vả

pham thai sona 1(read-only)

Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vẫn diễn ra, tôi hình dung công tác tổ chức rất phức tạp, vất vả, vô cùng tốn kém và nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 rất cao. Đối với thí sinh, trước mỗi kỳ thi đều có tâm trạng lo lắng rồi, nay thêm tình hình dịch bệnh thế này thì nỗi lo càng tăng lên gấp bội.

Đặc biệt ở các vùng dịch, địa phương bị cách ly, việc sàng lọc thí sinh để phân loại F1, F2, F3 sẽ thực hiện ra sao để không ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh? Trong quá trình thi, thí sinh nào đó không may phát sốt thì xử lý thế nào? Khi đó, thí sinh có còn giữ được bình tĩnh để tiếp tục làm bài, cán bộ coi thi có yên tâm tiếp tục làm nhiệm vụ?

TRẦN HUỲNH ghi

Thi tốt nghiệp THPT lúc này có mạo hiểm? Thi tốt nghiệp THPT lúc này có mạo hiểm?

TTO - Hội nghị trực tuyến giữa ban chỉ đạo quốc gia về thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với 63 tỉnh, thành phố diễn ra chiều ngày 31-7 trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp