Những khu nhà lưu trữ, sơ chế nông sản của Nông trường Sông Hậu trước rất nhộn nhịp nay bị bỏ hoang phế do làm ăn không hiệu quả - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Hè - giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi nông trường này - cho biết: "Trong những năm qua, sản xuất kinh doanh của nông trường đã đạt một số kết quả. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất về tài chính chưa được xử lý, nợ gốc và tiền lãi ngân hàng lớn lên đến trên 400 tỉ đồng; hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của nông trường thấp, đời sống cán bộ nhân viên khó khăn.
Một trở ngại khác trong việc tái đầu tư, mở rộng sản xuất là thiếu nguồn vốn. Tình thế này buộc phải chuyển đổi để cứu Nông trường Sông Hậu không đổ vỡ".
Xử lý khó khăn về tài chính
* Vì sao Cần Thơ lại chọn phương án chuyển Nông trường Sông Hậu thành công ty TNHH hai thành viên mà không phải là mô hình khác?
- Tháng 4-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho phép chuyển đổi, UBND TP Cần Thơ đã thành lập ngay Ban chỉ đạo chuyển đổi Nông trường Sông Hậu, hướng dẫn nông trường xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, ban hành kế hoạch chuyển đổi.
Ngoài ra còn tổ chức nhiều cuộc họp và ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho nông trường trong quá trình xây dựng phương án chuyển đổi.
Sở dĩ UBND TP Cần Thơ phải chọn phương án công ty TNHH hai thành viên vì phương án này xử lý được khó khăn về tài chính của Nông trường Sông Hậu kéo dài nhiều năm.
Được bổ sung vốn điều lệ, đặc biệt là đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, mở rộng quy mô hoạt động nhằm tạo công ăn việc làm, gắn kết hộ hợp đồng nhận khoán trong việc tổ chức sản xuất theo quy hoạch và đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản phẩm tạo ra trên đất nhận khoán.
* Thưa ông, tại sao chỉ có duy nhất 1 đối tác tham gia chuyển đổi là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và chính doanh nghiệp này cũng được chọn là nhà đầu tư tham gia thực hiện phương án chuyển đổi Nông trường Sông Hậu?
- Tôi khẳng định việc chọn nhà đầu tư được làm rất chặt chẽ, đúng quy định.
Cụ thể thực hiện thông báo ngày 1-4-2019 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc thẩm định và phê duyệt đề án sắp xếp, chuyển đổi Nông trường Sông Hậu, UBND TP Cần Thơ đã ban hành quyết định tiêu chí lựa chọn công khai nhà đầu tư tham gia khi thực hiện phương án chuyển đổi Nông trường Sông Hậu thành công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Theo đó, nhà đầu tư tham gia phải đáp ứng đủ 6 điều kiện và phải có cam kết 5 nội dung bằng văn bản. Thành phố cũng thông báo công khai mời gọi nhà đầu tư từ ngày 24-6-2019. Tuy nhiên, đến ngày 25-7-2019, chỉ có 1 hồ sơ đề xuất nộp tại Sở Kế hoạch - đầu tư là của Vinamilk.
Ngày 16-8-2019, Ban chỉ đạo chuyển đổi Nông trường Sông Hậu tổ chức đánh giá chi tiết hồ sơ của Vinamilk với sự có mặt của 10/11 thành viên. Các thành viên đánh giá hồ sơ đăng ký tham gia của Vinamilk đạt 6/6 điều kiện và 5/5 cam kết theo tiêu chí lựa chọn ban đầu.
Từ đó, chúng tôi đã thống nhất đề xuất UBND TP chọn Vinamilk là nhà đầu tư chính thức tham gia thực hiện phương án chuyển đổi Nông trường Sông Hậu.
Một góc Nông trường Sông Hậu (tháng 8-2018), nơi được Vinamilk ký hợp tác đầu tư trang trại bò sữa 4.000 tỉ đồng - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ưu tiên tuyển lao động tại chỗ
* Thưa ông, còn phương án góp vốn đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước là UBND TP Cần Thơ cụ thể thế nào?
- UBND TP Cần Thơ là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tham gia góp vốn thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên, căn cứ trên cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp tại Nông trường Sông Hậu.
Kết quả thẩm định giá sẽ được tính toán đầy đủ toàn bộ giá trị vườn cây, tài sản hiện hữu, giá trị đầu tư trên đất của Nông trường Sông Hậu theo cơ chế thị trường; giá trị thương quyền và giá trị lợi thế đất đai theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Việc xác định vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên, UBND TP Cần Thơ xem xét các quy định, kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh và quy mô hoạt động của công ty mới để xác định tỉ lệ góp vốn phù hợp.
* Việc chuyển đổi này sẽ gây xáo trộn bộ máy Nông trường Sông Hậu cũ? Mô hình hoạt động sắp tới của Nông trường Sông Hậu sẽ như thế nào?
- Đề án đã được xây dựng, lấy ý kiến của bộ, ngành trung ương. Công ty TNHH hai thành viên có trách nhiệm kế thừa, tiếp nhận và sử dụng toàn bộ lao động hiện có của Nông trường Sông Hậu. Ngoài ra sẽ có kế hoạch tuyển bổ sung từ 900-1.000 lao động khi có nhu cầu về mở rộng quy mô.
Việc tuyển lao động cũng sẽ ưu tiên lao động tại chỗ và hợp đồng nhận khoán đất. Công ty mới có trách nhiệm đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động theo hợp đồng lao động và lao động trong hộ hợp đồng nhận khoán đất; kế thừa toàn bộ nghĩa vụ và quyền lợi hợp pháp của Nông trường Sông Hậu, duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của Nông trường Sông Hậu...
* Các khoản nợ hàng trăm tỉ đồng của Nông trường Sông Hậu nhiều năm nay sẽ được giải quyết ra sao?
- Số nợ gốc của Nông trường Sông Hậu tại các ngân hàng hiện trên 400 tỉ đồng. Vinamilk cam kết thanh toán từ nguồn tạm ứng góp vốn đầu tư vào vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên sau khi chuyển đổi Nông trường Sông Hậu thành công.
Riêng về khoản nợ lãi vay, lãnh đạo Nông trường Sông Hậu cũ đã đàm phán với hai ngân hàng và được chấp thuận sẽ xem xét xóa toàn bộ lãi vay đến thời điểm tất toán nợ gốc.
Cơ hội mới cho người lao động địa phương
* Lãnh đạo TP Cần Thơ kỳ vọng gì sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động của Nông trường Sông Hậu, thưa ông?
- Chúng tôi kỳ vọng vào quý 1-2020, sau khi chuyển đổi xong, công ty TNHH hai thành viên trở lên sẽ là cầu nối, hài hòa lợi ích trong mối liên kết 3 nhà - Nhà nước, nhà doanh nghiệp và người lao động, nông dân - trong việc chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, cung cấp giống cây con chất lượng cao từ các dự án chương trình xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP Cần Thơ giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến; phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế của công ty.
Công ty mới thành lập cũng sẽ tạo ra các cơ hội mới cho người lao động địa phương, trên cơ sở được công ty bao tiêu toàn bộ đầu ra thì các hộ dân nhận khoán có cơ hội chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhận hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm của công ty mới trong sản xuất nông nghiệp, trong chăn nuôi hiện đại nhằm nâng cao thu nhập của nguồn nhân lực tại chỗ và tạo thêm việc làm cho địa phương.
* Ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang):
Để người dân có đời sống kinh tế tốt hơn
Khi tổ chức sản xuất, dù theo mô hình nào thì điều quan trọng nhất là phải đảm bảo quyền lợi của người dân. Chúng ta không thể cứ giữ cách làm cũ trong khi nông dân thì nghèo khó.
Đổi mới, tổ chức lại sản xuất để người dân có đời sống kinh tế tốt hơn trên đồng đất của mình là điều nên làm. Nông trường Sông Hậu trước đây làm ăn kém hiệu quả, nay mạnh dạn cho doanh nghiệp có uy tín cùng làm ăn theo mô hình mới thì tôi cho rằng là một bước làm tiến bộ.
Theo tôi, Nhà nước cứ cho chủ trương, có cơ chế tốt, còn việc tổ chức kinh doanh thì nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các giám đốc họ làm. Tôi tin họ sẽ làm tốt.
Vinamilk của chị Liên (bà Mai Kiều Liên) trước nay làm ăn tạo được tin tưởng, có vốn mạnh, có tổ chức, vận hành tốt... Họ hợp tác làm ăn với Nông trường Sông Hậu là chọn lựa tốt.
TIẾN TRÌNH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận