01/10/2014 19:08 GMT+7

Nông Trường Sông Hậu còn đâu thời vang bóng!

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Từng được xem là mô hình điểm trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của cả nước, nhưng rồi như chiếc xe mất thắng lao dốc, Nông trường Sông Hậu (NTSH) rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Con đường dẫn vào Nông trường Sông Hậu cùng các cơ sở hạ tầng khác xuống cấp trầm trọng - Ảnh: Tấn Đức

Cùng với việc cựu giám đốc Trần Ngọc Sương bị khởi tố điều tra để làm rõ hành vi “lập quỹ trái phép”

Qua mấy bận đáo tụng đình, tháng 2-2012 vụ án đình chỉ, bà Ba Sương được khôi phục sinh hoạt Đảng. Sóng gió qua đi, nhưng mô hình hoạt động nào để vực dậy tiềm năng của nông trường vẫn còn bỏ ngỏ. 

Nhìn lại chặng đường 35 năm thăng trầm, người trong cuộc không khỏi ngậm ngùi...

Vàng son một thủa

Men theo con rạch nhỏ ở chân cầu số 4, chúng tôi đi sâu vào “vùng lõi” của NTSH để tìm lão nông Tám Lùn (Lê Thành Năm, 86 tuổi, nhà ở khu 2), một trong những người có mặt lâu nhất tại vùng đất này.

Người già ưa kể chuyện xưa, hay cái thủa ban đầu gian khó đã khắc sâu vào tâm trí, nên những câu chuyện ông kể đều bắt đầu bằng hai chữ hồi đó...

“Hồi đó ông già tui vì chạy giặc Tây mà “chui” vô đây. Mãi tới những năm đầu giải phóng, cả vùng đất rộng lớn từ rạch Sập Phòm qua Mướp Xát, Ba Đá, Mất Quần, Bà Luộc... (bây giờ thuộc NTSH) vẫn còn hoang vu lắm. Người sống lẫn với rừng và những cánh đồng năn, lác cao lút đầu, mùa khô phèn phựt lên vàng ối".

"Hồi đó nhờ nông trường đào kinh, dẫn nước, rửa phèn, rồi bán lúa giống, phân, thuốc chịu cho nông dân, tới chừng cắt lúa trừ nợ nên người nghèo không vốn như chúng tôi mới có thể trồng lúa thần nông, đưa năng suất chừng chục giạ/công (1.000 m2) tăng vùn vụt lên 40-50 giạ/công”.

Rồi ông Tám khoe: “Nhờ làm thần nông, kết hợp với nuôi tôm cá, trồng xoài cát Hòa Lộc mà tui có bạc triệu, bạc tỉ xây căn nhà tường rộng rinh ở cho mát. Bảy đứa con của vợ chồng tui cũng nhờ nhận đất khoán, nhận đầu tư của nông trường đã an cư, rồi lo cho đám trẻ học hành tới nơi. Bây giờ tui đã có mấy đứa cháu làm kỹ sư, bác sĩ rồi đó”.

Đơn vị mạnh

Thành lập vào tháng 4-1979, từ chỗ không có gì trong tay, NTSH đã nhanh chóng huy động các nguồn lực để khai hoang, tổ chức sản xuất trên tổng diện tích gần 7.000ha, với hơn 2.500 hộ nông trường viên.

Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nông trường đã huy động các nguồn vốn vay, vốn tích lũy để xây dựng hạ tầng, các cơ sở chế biến nông lâm, hải sản.

Thời cao điểm, nông trường có tới 14 phân xưởng chế biến lương thực, thực phẩm, đóng hộp hàng nông sản, một nhà máy chế biến thủy hải sản, một nhà máy chế biến gỗ hoạt động rôm rả cả ngày đêm, doanh số sản phẩm trên 1.000 tỉ đồng/năm.

Nghe ông Tám Lùn say sưa kể chuyện, anh Phan Văn Chín, hàng xóm của ông, góp thêm: “Còn tui, cách đây gần 30 năm, mấy anh em đã theo cha rời quê hương Vĩnh Long sang đây nhận khoán của nông trường. Từ chỗ chỉ có chiếc ghe bầu mục nát là quý nhứt, giờ đây ba anh em tui ai cũng có ruộng rẫy, mỗi năm thu vô vài trăm triệu đồng như chơi".

"Đứa con gái đầu của vợ chồng tui giờ đang học năm thứ hai ngành chế biến thực phẩm tại Đại học Cần Thơ. Khi cháu học xong, tui định bụng sẽ xin cho về quê làm việc. Coi như mình đã làm được cuộc đổi đời cho con vậy”!- anh Chín nói.

Cũng giống nhu ông Chín, câu chuyện đổi đời của gia đình ông Mười Thành ở khu 3 cứ như một giấc mơ.

Sau khi giải ngũ, ông Mười Thành định trở về quê hương Mỏ Cày (Bến Tre), nhưng nhà không có đất thì làm sao sống được?

Nghe nông trường mời gọi người dân các nơi về chung tay chung sức khai phá vùng đất hoang, ông bàn với vợ đưa ba con còn chưa biết đọc, biết viết vào đây nhận khoán.

Những ngày tháng lao động miệt mài trên nông trường đã mang lại cho ông quả ngọt khi con trai đầu bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành công nghệ thông tin tại Nga, hiện giảng dạy tại Đại học Cần Thơ.

Người con kế sau khi hoàn thành chương trình cao học ngành công nghệ sinh học đã có việc làm ổn định tại Đà Lạt. Hiện vợ chồng ông sống cùng người con út là kỹ sư nông nghiệp.

“Nông trường đã tạo ra những điều kiện cần thiết về đất đai, vốn, chính sách... Nếu có ý chí, có quyết tâm thì đổi đời là chuyện trong tầm tay” - ông Mười Thành nói.

Nhưng bây giờ...

Dân không chơi với nông trường nữa

Hỏi chuyện Lê Hoàng Giang (41 tuổi, nông trường viên ở khu 2, ấp 8, xã Thới Hưng), khi anh đang trên đường thăm ruộng trở về, Giang xuýt xoa: “Lúc nông trường còn hưng thịnh, mùa này các nhà máy xay xát, chế biến lương thực, nông sản hàng hóa của nông trường hoạt động ì ầm chứ đâu buồn thiu như bây giờ, dân và nông trường hết bà con rồi!”.

Dù đã mường tượng trước những thay đổi từ diện mạo bên ngoài cho tới các hoạt động sản xuất kinh doanh do chính những cán bộ nông trường nói ra, nhưng chúng tôi cũng không khỏi bất ngờ khi cổng chào nơi đầu ngã ba từ quốc lộ 91, mang thương hiệu “Nông trường Sông Hậu” một thời là niềm tự hào của người Cần Thơ, đã bị ai đó hạ xuống, đem đi đâu mất.

Con lộ phẳng phiu cặp kênh KH 8 như cái xương sống chạy dọc dài nông trường bây giờ nhiều đoạn đã bong mất lớp nhựa, mặt đường lởm chởm ổ gà, đọng thành những vũng nước lớn sau mưa. Đoạn từ cầu số 1 đến cầu số 4 một thời là nơi tập trung các nhà máy xay xát, kho chứa lương thực, bến nông sản, lò sấy lúa, xưởng gỗ... lúc nào cũng nhộn nhịp giờ phần lớn đóng cửa im lìm, biển hiệu bị bong tróc, rêu phong nhạt nhòa.

Nơi còn hoạt động, có lẽ là mấy chiếc lò sấy lúa cũ kỹ hoạt động cầm chừng trong những ngày mưa gió dập dồn, do lúa không thể vận chuyển đi xa.

Tiếp chúng tôi tại phòng họp của nông trường bộ mà ngay cả tấm biển hiệu trụ sở giờ cũng bị che kín bằng một lớp nhựa trắng, ông Bùi Hữu Hiền - phó giám đốc NTSH - có chút bối rối: “Nông trường đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình hoạt động sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Trong hơn bốn năm qua chúng tôi đã trình đề án chuyển đổi tới bảy lần rồi, các bộ Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng Nhà nước... cũng đã thông qua. Nghe đâu hồ sơ đang chờ Thủ tướng quyết định”.

Cũng theo ông Hiền, thời gian qua NTSH chỉ hoạt động cầm chừng do nhiều yếu tố, trong đó có lý do không tiếp cận được các nguồn vốn để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Hiền cho biết: Mấy năm gần đây dân không thèm chơi với nông trường nữa. Trong số hơn 2.500 hộ đang canh tác đất của nông trường, chỉ có khoảng 500 hộ thực hiện theo hợp đồng nhận khoán có đóng định mức, còn lại không nộp, không chịu làm ăn với nông trường.

"Tới mùa vụ, chúng tôi đều kết hợp với xã đi vận động nông dân ký hợp đồng đầu tư sản xuất, thu mua, bao tiêu sản phẩm với giá lúa mua cao hơn thương lái bên ngoài từ 50-100 đồng/kg, nhằm tận dụng hệ thống kho hơn 10.000 tấn, nhà máy xay xát, lò sấy hiện có, nhưng dân vẫn không nhận đầu tư sản xuất, không bán lúa cho nông trường vì sợ bị... trừ định mức! Nguồn thu hạn hẹp, nông trường đã giảm biên chế hơn 250 người xuống còn gần 100 người, vậy mà để có tiền trả lương chúng tôi phải toát mồ hôi để xoay xở” - ông Hiền nói.

Cũng theo thừa nhận của ông Hiền, khi xã Thới Hưng của huyện Cờ Đỏ được thành lập (tháng 1-2004) trên cơ sở toàn bộ diện tích đất và hộ lao động nhận khoán của nông trường thì có lúc nông trường đã tự buông lỏng các hoạt động sản xuất.

Một số hộ nhận khoán đã cho thuê mướn, cầm cố, sang nhượng đất đai cho người khác. Rồi tình trạng không đóng định mức, không trả nợ vật tư kéo dài, khó đòi ngày càng lây lan.

“Gần đây chúng tôi đã thống kê được, trong tổng số 107 cán bộ, công nhân viên thuộc UBND xã Thới Hưng quản lý, trực tiếp hoặc có thân nhân đang canh tác trên đất của nông trường thì có tới 102 trường hợp không làm nghĩa vụ nộp khoán. “Trời ơi, cán bộ không thực hiện nghĩa vụ khoán nhiều tới vậy thì làm sao vận động dân được đây” - ông Hiền than thở.

Nên mở “hội nghị Diên Hồng”, tái cơ cấu Nông trường Sông Hậu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS-TS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, khẳng định: Trong thời buổi lợi ích nông dân tăng quá ít vì vướng vào tình trạng khó tiêu thụ hàng hóa thì việc duy trì, tái cơ cấu NTSH là cần thiết, vì không nơi nào có đất lớn như NTSH, thuận lợi cho cơ giới hóa, giảm giá thành sản xuất, đồng thời có thể chủ động làm ra hàng hóa với số lượng lớn, đồng chất, đúng thời điểm khách hàng cần.

"Tốt nhất, theo tôi, nên chuyển đổi NTSH thành công ty cổ phần nông nghiệp, trong đó người nông dân lãnh đất làm thì cho họ mua cổ phần, không phải bằng cách để họ bỏ tiền ra, mà là mua bằng lúa, bằng các sản phẩm khác theo vụ thu hoạch và được chia cổ tức như là một người chủ"- ông Xuân nói.

Ông Xuân kiến nghị: "Để có vốn sản xuất kinh doanh, trước mắt ban giám đốc nông trường, ngành nông nghiệp và các nhà khoa học, mà tôi cũng sẽ tham gia, cùng tổ chức họp dân làm “hội nghị Diên Hồng”.

Ông khẳng định: Mình nói rõ cho nông dân biết nông trường không còn vốn, bây giờ bà con bán sản phẩm, chịu cho nông trường trả chậm, coi như hùn vốn làm ăn. Trong chừng một tháng, khi các nhà máy của nông trường xay xát, chế biến xong, mang đi bán sẽ trả cho bà con, tiền lời chia ra, ai cũng được hưởng.

Về lâu dài, nông trường sẽ xây dựng các đề án sản xuất gắn với củng cố và phát triển thị trường sẵn có, phát huy giá trị thương hiệu mà nông trường đã bỏ công sức xây dựng trong bao nhiêu năm để được vay các nguồn vốn ưu đãi.

"Tôi nghĩ làm như vậy chừng 3-4 năm sẽ có tích lũy, nông dân mới đổi đời được...", ông Xuân nói.

 

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp