26/02/2020 12:03 GMT+7

Nông sản Việt: Quay về để tiến xa hơn

VĂN LỢI  (ĐÀI PT-TH ĐỒNG THÁP)
VĂN LỢI (ĐÀI PT-TH ĐỒNG THÁP)

TTO - Việt Nam xuất khẩu nhất nhì thế giới về gạo, cà phê, cá tra, tôm… Trái cây Việt cũng xuất đi khắp thế giới. Nhưng làm sao nâng đẳng cấp hàng Việt trong mắt người Việt?

Nông sản Việt: Quay về để tiến xa hơn - Ảnh 1.

Khách hàng mua trái cây Việt Nam đạt chuẩn xuất khẩu đi Mỹ tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đa số người Việt vẫn đang phải tiêu dùng nông sản không nhãn mác và thiếu an toàn. Và những bước chuyển mới ở kênh phân phối bán lẻ đang dần nâng "đẳng cấp" hàng Việt trong mắt người Việt.

“Nông sản Việt xuất đi khắp nơi nhưng ngay tại thị trường nội địa, có loại nông sản Việt nào có thể cạnh tranh sòng phẳng với nông sản ngoại nếu được bán cùng giá?

"Tự bắn vào chân mình"

Nhớ lại thời Việt Nam bắt đầu xuất khẩu tôm, nồi tôm kho tàu ở nông thôn ĐBSCL biến mất. Trẻ em thèm quá cũng chỉ có thể được ăn đầu tôm bởi tôm nguyên con mắc quá. Nhưng đó là lúc cả nước còn nghèo, phải ưu tiên thứ tốt nhất cho xuất khẩu lấy ngoại tệ để đổi máy móc, xăng dầu. Còn bây giờ, phần lớn người Việt đã không còn phải nhịn miệng đãi khách như trước nữa.

Bằng chứng là trong năm 2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 40 tỉ USD, nhập khẩu nông sản của Việt Nam cũng đạt hơn 30 tỉ USD. Riêng với nhóm hàng rau củ quả, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỉ USD thì trị giá nhập khẩu cũng đã bằng một nửa với hơn 1,75 tỉ USD. 

Những con số này nói lên rằng người Việt bây giờ đã đủ điều kiện để chi cho những bữa ăn ngon và sạch theo chuẩn hàng nhập khẩu. Nên, nếu sản xuất trong nước bỏ qua thị trường nội địa 100 triệu dân thì đúng như Thủ tướng nói, đó là thiếu trách nhiệm với dân.

Sản xuất trong thời hội nhập mà bỏ qua thị trường nội địa là coi như "tự bắn vào chân mình". Năm 2019, Việt Nam đón tới 18 triệu khách du lịch quốc tế, hầu hết đến từ các quốc gia có nhập khẩu nông sản Việt Nam. Thử hỏi, du khách nghĩ gì khi họ tìm hiểu và biết rằng không nhiều người dân Việt hiểu hết giá trị con cá tra? Nếu du khách hỏi thăm người Việt Nam ăn gạo gì, họ sẽ nhận được câu trả lời là người Việt thích ăn gạo Nhật, Thái Lan hay Campuchia... Khi trở về nước, họ sẽ nghĩ gì?

Người Nhật xuất khẩu ôtô đi khắp thế giới, bởi vì ôtô sản xuất bán trong nước rất tốt, dân Nhật ai ai cũng xài. Rượu vang Pháp nổi tiếng là nhờ người Pháp ai ai cũng thích uống rượu vang do xứ mình làm ra. 

Thử hỏi, khi nông sản Việt còn chưa gầy dựng được lòng tin ở ngay chính người Việt, thì làm sao chinh phục được người tiêu dùng nước ngoài, đặc biệt là người tiêu dùng ở những thị trường khó tính? 

Thương hiệu nghĩ dân dã như là cái "hiệu" người ta "thương". Người trong nước còn chưa "thương" được, làm sao cho người nước ngoài thương? Và nông sản Việt xuất khẩu đi khắp thế giới nhưng với giá cả ở mức thấp nhất nhì thế giới.

Chinh phục thị trường nội địa

Điều đáng vui mừng là những năm gần đây, vượt qua những khó khăn như nêu trên, nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu quay lại chinh phục thị trường nội địa. Tại Đồng Tháp, từ nhiều năm trước, hai thương hiệu khá nổi tiếng là bánh phồng tôm Sa Giang và bột gạo lứt Bích Chi, sau thời gian dài chỉ tập trung cho xuất khẩu đã bắt đầu quay trở lại thị trường nội địa.

Gần đây, những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam đã bắt đầu sản xuất các loại gạo túi cho thị trường trong nước. Hay như mới đây, tại Cần Thơ và TP.HCM, các doanh nghiệp cá tra trong nước cũng đã tổ chức nhiều mini cooking show giới thiệu các món ăn hấp dẫn chế biến từ cá tra cho người tiêu dùng Việt.

Ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp phân phối hàng hóa nông thủy sản Việt chất lượng cao ra đời hướng đến thị trường nội địa. Hàng hóa được đầu tư chất lượng xuất khẩu, chế biến công nghệ mới, trưng bày trang trọng, bắt mắt tại hệ thống cửa hàng bán lẻ ở đô thị cùng các kênh quảng bá sản phẩm rộng khắp cả nước. Nhờ vậy, hạt tiêu, hạt cà phê, nhiều loại đặc sản, trái cây Việt... được nâng tầm, chinh phục người tiêu dùng "khó tính" nhất và được khách nước ngoài đặt mua.

Có thể thấy những quyết tâm chinh phục thị trường nội địa của các doanh nghiệp bán lẻ, chính họ đồng hành với nhà nông nâng chất lượng và uy tín của hàng Việt ngay trong lòng người Việt. 

Để từ đó, chúng ta cùng hi vọng vào tương lai có những vùng trồng trái cây rộng lớn được canh tác tốt hơn, đảm bảo chuẩn an toàn thực phẩm đạt chuẩn quốc tế và hàng Việt chất lượng cao sẽ bán rộng khắp với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 

Đó là cách hàng Việt chinh phục người dùng nội địa và nâng đẳng cấp hàng hóa "made in Việt Nam", người Việt sẽ tự hào chọn hàng Việt. Chinh phục thị trường 100 triệu dân trong nước cũng chính là lời giải cho bài toán xây dựng thương hiệu, giúp nông sản Việt đi xa hơn trên trường quốc tế.

3 cái khó

Nói đi thì cũng phải nói lại. Sở dĩ có chuyện nông sản Việt bỏ rơi thị trường nội địa, ngoài lý do khách quan là chính sách nhà nước và cả tâm lý doanh nghiệp ưu tiên cho xuất khẩu ra, còn có việc doanh nghiệp bán sản phẩm ra nước ngoài dễ hơn với các kênh phân phối lớn tổ chức rất bài bản. Doanh nghiệp Việt chỉ cần mang hàng hóa qua bên đó, cung cấp cho một đầu mối, vậy là xong.

Còn ở trong nước, kênh phân phối chính là chợ truyền thống, trăm người bán vạn người mua, các đầu mối phân phối lớn còn rất ít. Chính vì vậy, muốn bán hàng ở trong nước, doanh nghiệp phải tổ chức mạng lưới phân phối rất cực.

Chưa kể hệ thống đường sá, logistics trong nước còn hạn chế dẫn đến chi phí cao, doanh nghiệp rất khó xoay xở. Trên thực tế hiện nay, hầu hết nông sản Việt vẫn còn chịu cảnh tiêu thụ theo lối tự sản tự tiêu, ế đồng đắt chợ cũng là do những hạn chế này.

Cái khó cuối cùng, mà cũng là cơ bản nhất, đó là hầu hết nông sản Việt đang được sản xuất nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình với lối canh tác thủ công, truyền thống. Nông sản làm ra có chất lượng, quy cách không đồng nhất. Thường thì hàng loại 1, loại 2 không nhiều và sẽ được doanh nghiệp gom mua xuất khẩu, các hạng thấp hơn thì thương lái mang đi tiêu thụ nội địa. Đặt câu hỏi nếu ưu tiên hàng loại 1, loại 2 cho thị trường nội địa, chất lượng hàng hóa phải nâng lên theo chuẩn cao hơn.

VÕ BÌNH MINH

Cần Cần 'nhạc trưởng' điều phối nông sản

TTO - Dưa hấu ế, thanh long rớt giá vì dịch bệnh Covid-19 lại một lần nữa cho thấy quản lý nông sản Việt Nam vẫn chưa có thay đổi cơ bản so với cách đây hàng chục năm.

VĂN LỢI (ĐÀI PT-TH ĐỒNG THÁP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp