Trao đổi thông tin về hàng nông sản tại Hội chợ Foodex Japan 2017 - Ảnh: N.V.T. |
Theo các doanh nghiệp, nhiều khách hàng Nhật Bản mong muốn hợp tác để mua nông sản VN với số lượng lớn, thậm chí sang VN đầu tư vùng nguyên liệu, rồi xuất khẩu về Nhật cũng như các thị trường cao cấp khác.
Xây nhà máy mới đón đầu thị trường Nhật
Ngày 28-3, Công ty Koyu&Unitek (Đồng Nai) đã khánh thành nhà máy chế biến thịt gà mới để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Ông Khưu Nhon Hiếu, tổng giám đốc Koyu&Unitek, cho biết đã đầu tư 6 triệu USD nhập dây chuyền máy móc công nghệ từ Nhật Bản để xây dựng nhà máy có công suất chế biến 50.000 con gà/ngày.
Sản phẩm đầu ra của nhà máy này là các loại thịt gà đã chế biến như gà rán, burger gà, gà viên... đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
“Chúng tôi đã đầu tư vào phát triển chuỗi thịt gà đạt chuẩn xuất khẩu đi Nhật hơn hai năm qua. Đây là những công đoạn cuối cùng, đợi phía Nhật Bản sang đánh giá lần cuối là có thể xuất khẩu thịt gà sang Nhật” - ông Hiếu cho biết.
Vừa trở về sau khi tham gia Hội chợ quốc tế thực phẩm và đồ uống Foodex Japan 2017 tại tỉnh Chiba (Nhật Bản), ông Nguyễn Văn Thứ, giám đốc Công ty TNHH thực phẩm GC (Đồng Nai), cho biết đang tích cực chuẩn bị giao đơn hàng thanh long ruột đỏ vừa ký được với đối tác Nhật Bản. Đơn hàng đầu tiên sẽ được giao ngay trong tháng 3 và tiếp tục được triển khai trong các tháng tới.
Theo ông Thứ, cùng những đợt tiếp xúc với các doanh nhân đến từ Nhật Bản trước đó, qua các buổi làm việc tại hội chợ này cho thấy tiềm năng xuất khẩu các loại nông sản của VN sang Nhật là rất lớn.
Bên cạnh trái thanh long ruột đỏ vừa được phía Nhật Bản mở cửa đầu tháng 3, khách hàng Nhật cũng quan tâm nhiều đến các sản phẩm nông sản khác của VN như hạt điều, cà phê... Các mặt hàng đông lạnh cũng có nhu cầu rất cao từ các khách hàng Nhật.
Cùng với việc các rào cản đối với trái thanh long, xoài và dừa tươi được dỡ bỏ, cơ hội xuất khẩu nông sản VN vào Nhật càng mở rộng.Trước đó, doanh nghiệp này đã xuất khẩu thành công sản phẩm thạch dừa, nha đam nguyên liệu vào Nhật.
“Chúng tôi vừa xây dựng thêm một nhà máy mới chuyên sản xuất hạt điều và cà phê để chuẩn bị việc làm ăn với Nhật Bản” - ông Thứ cho biết.
Lãnh đạo một trong những đơn vị xuất khẩu trái cây tươi lớn nhất của VN sang thị trường Nhật là Yasaka (Bình Dương) cũng cho biết đã đưa được trái thanh long ruột đỏ của VN vào các siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại Nhật Bản. Theo vị này, ngoài thanh long ruột trắng và xoài, thanh long ruột đỏ VN sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh.
“Chúng tôi đang tính đầu tư thêm một dây chuyền xử lý trái cây tươi bằng hơi nước nóng để nâng công suất xử lý trong thời gian tới” - vị này nói.
Nhiều rào cản nhưng triển vọng lâu dài
Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trang trại gà công nghiệp quy mô 560.000 con/lứa đang tham gia chuỗi thịt gà xuất khẩu đi Nhật với Koyu&Unitek, cho rằng để xuất khẩu được hàng đi Nhật cần tuân thủ các điều kiện rất khắt khe về chất lượng.
Theo đó, toàn bộ gà giống phải được nhập khẩu từ Pháp và Mỹ. Trong quá trình nuôi không được xảy ra các dịch bệnh cúm gia cầm, bệnh dịch tả và không tồn dư kháng sinh. Ngay cả một số kháng sinh mà VN cho phép dùng trong chăn nuôi, Nhật cũng không cho sử dụng.
“Việc xuất khẩu thành công thịt gà đi Nhật sẽ là một lối thoát, giúp ngành nuôi gà VN tồn tại và phát triển trước cạnh tranh từ gà nhập khẩu” - ông Kha cho biết.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng - tham tán công sứ Đại sứ VN tại Nhật Bản, tiềm năng xuất khẩu các loại nông sản của VN sang thị trường Nhật Bản là rất lớn, vì mỗi năm nước này nhập khẩu hàng trăm tỉ USD.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hết sức lưu ý thị trường Nhật Bản cũng là thị trường khó tính nhất thế giới về các yêu cầu đối với chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vì vậy để có thể làm ăn ổn định và lâu dài với các doanh nghiệp Nhật, doanh nghiệp VN cần đầu tư nhiều vào việc đảm bảo chất lượng và công nghệ chế biến.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thứ, dù các doanh nghiệp Nhật đang có xu hướng rời khỏi Trung Quốc, tìm các nguồn hàng thay thế từ ASEAN, trong đó có VN, nhưng điểm yếu của các doanh nghiệp VN là khả năng đáp ứng được yêu cầu của phía Nhật chưa cao.
Trong đó quy trình sản xuất đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu vào sản phẩm phải được kiểm soát, có thể truy xuất được nguồn gốc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật cũng đưa những đoàn công tác sang kiểm tra các công ty VN theo tiêu chuẩn nội bộ của họ, trong đó đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, máy móc, môi trường làm việc... theo đúng tiêu chuẩn mà phía Nhật đưa ra.
“Một trong những yêu cầu của phía Nhật mà nhiều doanh nghiệp Việt gặp khó là năng lực thực hiện của đội ngũ nhân viên bởi tính tuân thủ kỷ luật lao động VN chưa cao, công tác đào tạo huấn luyện lao động của doanh nghiệp trong nước chưa tốt” - ông Thứ nói.
Đừng vì lợi nhuận trước mắt Nhiều doanh nghiệp cho rằng VN không phải là nguồn hàng duy nhất và cũng không phải là lựa chọn đầu tiên khi các doanh nghiệp Nhật rời khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên nếu đáp ứng được các yêu cầu mà phía Nhật đưa ra, doanh nghiệp Việt sẽ nhận được hợp đồng của nhiều doanh nghiệp Nhật. Theo một số doanh nghiệp có kinh nghiệm làm ăn với Nhật, đừng quá tập trung vào lợi nhuận trước mắt mà phải nhìn vào dài hạn. Chẳng hạn với mặt hàng nông sản, trước tiên phải đầu tư cho vùng nguyên liệu bài bản để có sản phẩm chất lượng cao, số lượng đủ lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn của Nhật. Khi đó, doanh nghiệp sẽ không lo thiếu đơn hàng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận