Nụ cười hiếm hoi của nông dân thôn Đông Cao khi biết nông sản được hỗ trợ tiêu thụ dù biết vụ mùa này coi như lỗ vốn - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhiều vườn củ cải đường được nông dân nhổ bỏ, chặt gốc, chất đầy trên mặt đất. Nhiều luống củ cải đường tươi tốt nhưng không có người thu hoạch. Rau cải đang được thu hoạch nhưng có tình trạng sâu bệnh phá hoại nên đành phá bỏ để trồng rau màu khác.
Cà chua là mặt hàng dễ tiêu thụ nên được bà con đóng thành từng túi lớn, xếp tạm tại sân của Hợp tác xã (HTX) Đông Cao chờ xe tải chuyển lên trung tâm Hà Nội bán.
Nông sản của bà con được tập trung tại sân của hợp tác xã trước khi chuyển lên xe tải lên các chợ đầu mối để bán như Chợ Xanh, chợ Long Biên, chợ Vĩnh Tuy... - Video: HÀ QUÂN
"Trước tết, mình bán được 9, 10 triệu mỗi sào, lãi về 5, 6 triệu sau khi trừ phân bón, thuốc men... Nhưng giờ bán không ai mua. Mỗi lứa củ cải đường thường 60 ngày, giờ đến 90 ngày, già rồi nên đổ bỏ" - ông Thuận, một nông dân tại thôn Đông Cao, chia sẻ.
Không được may mắn, vườn của chị Viết - anh Bài (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) phải đổ bỏ vì củ cải đường đã xốp, giờ thu hoạch đem bán còn lỗ vốn nặng hơn nữa - Ảnh: H.Q.
Ông Song - ngụ xóm 4, thôn Đông Cao - nghẹn ngào: "Mấy hôm nay hợp tác xã làm trung gian hỗ trợ, liên hệ giúp người dân bán được đồng nào hay đồng ấy. Xe tải 5, 6 tấn chất hàng đầy rồi lại lên phố bán.
Củ cải bị vứt bỏ có dấu hiệu phân hủy, bốc mùi nồng nặc - Ảnh: H.Q.
Khách mua thì bỏ vào thùng, 5.000, 10.000, 20.000 đồng tùy tâm để đủ tiền xăng dầu. Có người ta thì họ lấy mấy túi rồi gửi lại 50.000 đồng. Chứ giá cà chua cứ 1.300 - 1.500 đồng/kg thì không biết tìm ai thu mua".
Những túi rau non từ 5 - 10kg vẫn có thể bán được cho khách hàng, được nông dân xếp sẵn tại ruộng chờ xe tải chuyển đi bán - Ảnh: H.Q.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đàm Văn Đua - giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đông Cao - khẳng định: "Nông sản tại thôn cần hỗ trợ chứ không phải giải cứu".
Nhiều luống rau của người dân ngoài việc chậm tiêu thụ còn bị sâu bệnh ăn lá chưa có cách chữa phải đổ bỏ. Mặc dù người dân dùng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc thiên nhiên để trừ bệnh nhưng không có tác dụng - Ảnh: H.Q.
Theo ông Đua, do nhiều nguyên nhân nên số nông sản khó tiêu thụ, nhất là cà chua (100 tấn) và củ cải đường (200 tấn). Ông Đua cho biết HTX Đông Cao đang kết nối với các thương lái, doanh nghiệp... hỗ trợ bà con. Hiện tại, nông sản được đưa đến chợ Long Biên, chợ Xanh… tiêu thụ một phần.
Những chiếc xe tải "Chung tay ủng hộ bà con mùa dịch" nối đuôi nhau vận chuyển nông sản - Ảnh: H.Q.
"Tính riêng ngày 27-2 đã tiêu thụ được 25 tấn củ cải đường, cà chua. Dự kiến khoảng một tuần hoặc hơn là tiêu thụ hết số nông sản dư thừa", ông Đua nói.
Những hộ có nông sản chất lượng tốt được tập kết trước trụ sở Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao trước khi chuyển lên xe tải đưa đến các chợ đầu mối gỡ vốn - Ảnh: H.Q.
Để người nông dân không còn cảnh đổ bỏ nông sản trong những vụ mùa sau, ông Đua kiến nghị một số giải pháp như định hướng đầu ra sản phẩm, chế biến sản phẩm mới (đồ khô, đóng túi)… Quan trọng nhất là vận động người dân cân đối giống phù hợp, tránh tràn lan.
Cà chua, củ cải đường, rau cải... đang được đoàn viên thanh niên, hội viên Hội Phụ nữ... tích cực hỗ trợ để nhanh chóng thu hoạch trước khi thối, rữa, giảm thiểu thiệt hại kinh tế - Ảnh: H.Q.
Vào ngày 25-2, chủ tịch UBND huyện Mê Linh kiến nghị Sở Công thương Hà Nội giới thiệu các đơn vị thu mua, các đơn vị thiện nguyện, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn Hà Nội xây dựng các điểm tiêu thụ nông sản hỗ trợ nông dân. Sau khi vấn đề được giải quyết, địa phương sẽ vận động nhân dân phục hồi sản xuất.
Hiện toàn thôn Đông Cao có 140ha hoa màu chuyên canh với 200 hội viên và 400 khách hàng. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, trường học, nhiều nhà hàng, khách sạn đóng cửa, thương lái từ một số tỉnh không đến thu mua nên nông sản tiêu thụ chậm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận