22/04/2015 09:30 GMT+7

Nông sản đổ bỏ: Vì đâu nên nỗi?

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Nông sản rớt giá, những đơn vị thu mua nông sản lớn muốn đưa tay gỡ khó cho nông dân nhưng đành bất lực đứng nhìn. Chuyện gì đang xảy ra?

Nông dân bỏ hành tây ngay trên ruộng - Ảnh: Mai Vinh
Nông dân bỏ hành tây ngay trên ruộng - Ảnh: Mai Vinh

Hành tây tại vùng rau Đà Lạt rớt giá thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ từ 1.500-2.000 đồng/kg.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, có khoảng 500 hecta hành tây với năng suất 3.500 tấn/vụ đang cho thu hoạch. Cả nghìn tấn hành tây đang bị nông dân bán đổ bán tháo hoặc tìm cách lưu kho đợi giá.

Tại Đà Lạt, một diện tích nhỏ củ dền đỏ cũng đang trong tình trạng giá hạ thấp, giá bán tại vườn khoảng 500-1.000 đồng/kg.

Muốn cứu cũng không được

Hệ thống siêu thị Co.op Mart và nhà cung ứng rau củ của mình là Hợp tác xã Anh Đào (Đà Lạt) đưa ra kế hoạch “giải cứu” nhà nông với dự tính mua hàng trăm tấn hành tây với giá đủ để nông dân hoàn vốn.

Chi phí vận chuyển, kho bãi và tổ chức bán trên toàn quốc sẽ do nhà phân phối và cung ứng chịu. Sau khi khảo sát từ chính quyền cho đến nông dân, hai nhà cung ứng và phân phối đành buông tay.

Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Anh Đào, nói: “Muốn giúp cũng không được, vì nếu giúp trong trường hợp này cả Anh Đào và Co.op Mart đều vi phạm hợp đồng và nguyên tắc chỉ tiếp nhận và cung cấp nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đa số nông dân bị vướng vào trận thua hành tây lần này đều canh tác không theo chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn mà đa số hệ thống siêu thị trên toàn quốc căn cứ để thu mua nông sản của nông dân”.

Rà lại danh sách của nông hộ thua lỗ vụ hành tây lần này cũng như các vụ cà chua, cà rốt trước đó, nhận thấy thêm một đặc điểm chung: trồng và bán cho thương lái khi đến mùa, không có hợp đồng bao tiêu hay kế hoạch liên kết sản xuất cụ thể.

Liên kết sản xuất đang nói đến có với sự phối hợp của ba nhà: nhà phân phối (chợ, siêu thị), nhà cung ứng (cơ sở thu mua, tổ chức sản xuất), nhà nông. Cơ chế vận hành của liên kết: nhà phân phối đặt hàng, nhà cung ứng tổ chức nông dân sản xuất theo đặt hàng của nhà phân phối, nông dân chăm sóc theo quy trình nhà cung ứng đưa ra.

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, phân tích vấn đề: “Canh tác không theo tiêu chuẩn thị trường cần và không liên kết để cân đối cung - cầu đã khiến nông dân gặp khó hết lần này đến lần khác”.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, chỉ khoảng 10% diện tích canh tác nông sản thuộc các liên kết sản xuất. Trong số 40.000 hecta canh tác nông sản chỉ có 1.000 hecta canh tác nông sản VietGAP. Đây là tỉ lệ rất thấp.

Theo ông Sơn, nếu nông dân chịu liên kết làm ăn với các nhà cung ứng - nhà phân phối thì sản xuất theo tiêu chuẩn gì không còn là vấn đề, việc đó sẽ được quyết định thông qua hợp đồng liên kết.

“Siêu thị, chợ cần tiêu chuẩn gì thì nông dân cứ sản xuất theo tiêu chuẩn ấy nếu thấy lợi nhuận đảm bảo”, ông Sơn nhấn mạnh.

Chỉ những củ hành tây lớn thì nông dân mới thu hoạch trữ trong kho chờ giá nhích lên sẽ bán - Ảnh: Mai Vinh
Chỉ những củ hành tây lớn nông dân mới thu hoạch trữ trong kho chờ giá nhích lên sẽ bán - Ảnh: Mai Vinh

 

Nên liên kết làm nông theo hợp đồng

Để nông dân chịu liên kết làm ăn không phải chuyện dễ, Lâm Đồng đã triển khai cùng các tiểu thương chợ, siêu thị kêu gọi nông dân liên kết làm ăn đã hơn 10 năm nhưng liên kết hợp tác sản xuất tiến triển rất chậm chạp.

Ông Nguyễn Văn Sơn, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Nếu liên kết, lợi nhuận cùng chia sẻ, rủi ro được giảm thiểu và tính tổng một năm nông dân sẽ có lãi ở mức chấp nhận được theo đúng hoặc gần đúng với tính toán khi ký hợp đồng sản xuất với các nhà cung ứng.

Nhưng nhiều nông dân vẫn cứ theo lối làm ăn truyền thống, có lúc lỗ nhưng sẽ có lúc lãi to. Như vậy thua lỗ không làm họ kiệt quệ nên nông dân chủ quan không muốn liên kết hoặc chần chừ thay đổi cách làm ăn. Về lâu dài, sự bất hợp tác của nông dân sẽ khiến lợi nhuận trên một diện tích canh tác giảm đi nhiều”.

Ông Trần Duy Việt, chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, cho rằng năm nay là thời điểm cái lợi, cái hại của liên kết và không liên kết sản xuất nông sản bộc lộ rõ nhất, cụ thể là giá cả phân hóa rất rõ.

Từ đầu năm 2014 đến nay đã 4 vụ cà chua, cà rốt, hành tây bị rớt giá đến mức đổ bỏ hoặc làm thức ăn cho gia súc. Trong khi đó những nông hộ có liên kết sản xuất vẫn bán được nông sản với giá tốt. 

Ông nói: “Nếu nông dân không bước vào những liên kết sản xuất thì chúng tôi cũng khó mà hỗ trợ họ nâng cao chất lượng nông sản. Các dự án đầu tư nâng cao chất lượng nông sản, phát triển nông nghiệp nhiều nhưng hỗ trợ nhỏ lẻ từng hộ dân thì khó mà làm được”.

Câu chuyện sản xuất rau củ ở Lâm Đồng cũng là câu chuyện chung của sản xuất nhiều loại nông sản khác trên cả nước như vải, dưa hấu. Ai có thể cứu nông dân hết vụ rau này đến vụ củ quả khác? Chỉ có nông dân khi chính họ chịu bước vào những liên kết sản xuất, sản xuất theo hợp đồng với những ràng buộc pháp lý rõ ràng.

Những củ khoai tây nhỏ nông dân bỏ vương vãi trên đồng - Ảnh: Mai Vinh
Những củ hành tây nhỏ nông dân bỏ vương vãi trên đồng - Ảnh: Mai Vinh
Những củ hành tây thực sự to người dân mới chọn mang về, còn những củ kém to thì bỏ lại để không bị lỗ do phí vận chuyển - Ảnh: Mai Vinh
Những củ hành tây to người dân mới chọn mang về, còn những củ nhỏ thì bỏ lại để không bị lỗ do phí vận chuyển - Ảnh: Mai Vinh
Tránh lỗ nặng, nông dân trữ hành tây trong kho đợi giá. Trong ảnh, nông dân Lê Mỹ Thành đang bảo quản hơn 80 tấn hành tây trong kho để đợi giá - Ảnh: Mai Vinh
Tránh lỗ nặng, nông dân trữ hành tây trong kho đợi giá. Trong ảnh, nông dân Lê Mỹ Thành đang bảo quản hơn 80 tấn hành tây trong kho để đợi giá - Ảnh: Mai Vinh
MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp