Xịt thuốc trừ sâu trở thành thói quen của nông dân - Ảnh: C.Q
Đất không còn "trinh tiết". Đó là cách nói của tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, khi nói về thực trạng đất đai của Việt Nam có đáp ứng yêu cầu sản xuất hữu cơ hay không.
Ông Nghĩa nhận định, do phải thâm canh liên tục trong nhiều năm, mải chạy theo năng suất nên đất đai "nát bét rồi".
Vì vậy, ông đề nghị trước khi nghĩ đến hữu cơ, phải sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ để giảm thiểu sử dụng lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
"Tới năm 2050 mà chúng ta làm được chừng 30% diện tích sản xuất theo hướng này là quý lắm rồi" - TS Nghĩa nói.
Vòng luẩn quẩn
GS Võ Tòng Xuân - hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ - chỉ ra vòng luẩn quẩn ở đồng bằng phía Nam: cây lúa cần ít nhất 16 chất để tổng hợp trong thân phát triển, trong khi nông dân chỉ bón một loại phân URE, vài năm đầu cây lúa "tìm" những chất còn lại trong 16 chất này để tác động với URE mà tổng hợp, phát triển.
Mùa nào cũng như vậy nên đất bị chai đi, thiếu dưỡng chất và khi đất đã "nghèo" thì các loại vi sinh vật có lợi cho cây kháng sâu bệnh cũng sẽ bị thiếu theo. Để xử lý vấn đề này, nông dân phải bón phân hóa học, phun xịt thuốc BVTV.
"Do đó khi sử dụng phân vi sinh, phân sinh học, cây trồng, giống như con người được "tiêm chủng" bằng các loại chế phẩm sinh học, kèm theo một ít phân hóa học. Đó là xu hướng của thế giới đang lan tới Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cho lưu hành hơn 20 loại chế phẩm sinh học. Phải làm sao cho bà con nông dân áp dụng từ từ để trả lại dưỡng chất cho đất, cho cây trồng, khôi phục tình trạng ban đầu một cách tự nhiên.
Khi đó bà con không thấy sâu bệnh, mà không thấy sâu thì không xịt thuốc, từ đó hạ giá thành cây trồng.
Nếu dùng nhiều thuốc hóa học thì chi phí sản xuất cao, không cạnh tranh được với Thái Lan. Họ trồng xoài bón rất nhiều phân hữu cơ, vi sinh, rất ít bón phân hóa học" - GS Võ Tòng Xuân giải thích.
"Nói nông dân nghiện thuốc BVTV thì rất tội cho họ", đó là nhận định của TS Nguyễn Thị Phong Lan - trưởng bộ môn BVTV Viện lúa ĐBSCL.
Bà Lan dẫn chứng: thời những năm 1960, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đúng nghĩa là "nông nghiệp sạch", nhưng hiện nay bị ô nhiễm thuộc loại cao của thế giới, nguyên nhân là do nông dân đang bị áp lực của thâm canh, tăng vụ mà việc đó chính do chỉ tiêu năng suất, sản lượng từ cơ quan quản lý nhà nước.
"Chúng ta trách bà con nông dân tại sao phun xịt thuốc BVTV suốt ngày, nhưng thật ra họ không hề muốn làm như vậy. Tôi là người tiếp xúc rất nhiều nông dân ở ĐBSCL nên chia sẻ với bà con khó khăn này.
Sản xuất sạch đã được đặt ra từ những năm 1990 chứ không phải bây giờ, tuy nhiên áp lực của sự phát triển xã hội, của kinh tế đã đẩy nền nông nghiệp Việt Nam mỗi ngày bị lậm vào chuyện phải đạt năng suất trong điều kiện quá khó.
Ngày trước sản xuất lúa một vụ/năm, đất nghỉ thoải mái, vi sinh vật, sinh vật có lợi sinh sôi trở lại nên có sự cân bằng, còn nay bị suy thoái trầm trọng, vi sinh vật có ích gần như mất hết" - bà Lan chia sẻ.
Đa phần người tiêu dùng chưa hiểu nông sản hữu cơ là gì, miễn là họ thấy ăn ngon, giá cả phải chăng là mua. Vì vậy, nhiệm vụ của cơ quan chức năng là phải làm sao giúp người tiêu dùng tin sản phẩm nào đó là an toàn và có giải pháp đảm bảo đầu ra cho nhà sản xuất khi họ đi theo hướng sạch, an toàn.
GS.TS Nguyễn Đăng Nghĩa
Phải chữa căn bệnh chỉ tiêu, thành tích
Ông Lê Minh Hoan - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - khẳng định thực trạng của nền sản xuất như đã nêu trên không thể đẩy hết về phía người nông dân, mà "chính chúng ta không thể xem mình vô can trong câu chuyện này".
Ông Hoan chỉ rõ "chúng ta" ở đây là nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cả cơ quan truyền thông.
Ông cho rằng ông và nhà quản lý nợ nông dân khi có những vấn đề bà con đặt ra mà cơ quan chức năng chưa giải quyết được, trong khi nhà khoa học cũng nợ người dân và thậm chí người nông dân nợ người tiêu dùng, nợ chính mình và nợ con cháu vì sản xuất không sạch mà ảnh hưởng tới sức khỏe.
Do cùng "mắc nợ" như vậy nên muốn giải quyết vấn đề thực trạng sản xuất hiện nay và hướng tới nền sản xuất sạch, theo ông Hoan, "chúng ta gom nhau lại để giải quyết, khi nào cái tâm của mình thấy phải "trả nợ" thì khi đó vẫn có thể giải quyết được vấn đề rất phức tạp".
TS Nguyễn Thị Phong Lan cũng cho rằng muốn hướng tới nền sản xuất sạch, một trong những điều trước tiên là cơ quan quản lý phải giảm bệnh thành tích.
Ngoài ra, theo bà Lan, một trong những vấn đề nan giải hiện nay là trên thị trường có khoảng 80% phân hóa học, trong khi phân hữu cơ, phân vi sinh chỉ chiếm một lượng nhỏ khoảng 20% nên việc chuyển sang sản xuất sạch, hữu cơ phải làm dần dần, không thể làm trong ngày một ngày hai được.
Và muốn làm được thì cơ quan chức năng phải từng bước hướng dẫn bà con sản xuất an toàn hơn bằng sự chỉ đạo, quản lý đúng đắn.
Phát triển mô hình "du lịch nông nghiệp"
Vùng sản xuất ở An Giang được đê bao bảo vệ không thể đưa nước lũ vào tẩy rửa đồng ruộng, cung cấp phù sa làm tăng màu mỡ cho đất - Ảnh: C.QUỐC
Ông Nguyễn Hồng Quang, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông trại sinh thái Ecofarm, đề nghị hướng tới làm mô hình du lịch nông nghiệp, làm kinh tế nông nghiệp chứ không đơn thuần là sản xuất sản phẩm.
Cụ thể là sản xuất sạch, hữu cơ không dùng phân, thuốc hóa học kết hợp dịch vụ lưu trú homestay và chứng minh cho du khách thấy được sự an toàn khi sử dụng dịch vụ,họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho dịch vụ, cho nông sản.
Làm được như vậy lợi nhuận người nông dân thu được có thể gấp 5-10 lần sản xuất đơn thuần.
Ông Quang gợi ý từ những mô hình đã thành công ở Đà Lạt, Đồng Tháp có thể chọn làng hoa Sa Đéc hay các vùng trồng nhãn, quýt hồng để làm mô hình này, trong đó làng hoa Sa Đéc hoàn toàn có thể trở thành nơi du khách đến để mua hoa và ở lại trải nghiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận