19/09/2022 08:20 GMT+7

Nông nghiệp cần đổi mới, sáng tạo

DUY LINH thực hiện
DUY LINH thực hiện

TTO - Tân đại sứ Israel Yaron Mayer, người vừa trình quốc thư lên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm 10-8, cho biết Đông Nam Á không phải là nơi xa lạ với ông và được bổ nhiệm làm đại sứ tại Việt Nam là giấc mơ thành sự thật.

Nông nghiệp cần đổi mới, sáng tạo - Ảnh 1.

Các tu nghiệp sinh nông nghiệp Việt Nam đóng gói nho sau khi thu hoạch tại Moshav Ein Yahav, phía nam Israel - Ảnh: TTXVN

Đại sứ Mayer đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn riêng về quan hệ hai nước cùng những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ này, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác đổi mới, sáng tạo còn nhiều tiềm năng.

Tiềm năng phát triển giữa chúng ta rất lớn và chúng ta có thể cùng nhau làm được nhiều điều.

Đại sứ Israel tại Việt Nam YARON MAYER

* Việt Nam có phải là một trải nghiệm mới với đại sứ không?

- Tôi đã sống ở khu vực này từ lâu và dõi theo Việt Nam cũng như mối quan hệ của Việt Nam với các nước, trong đó có Israel. Tôi từng làm đại sứ ở Myanmar, Nepal và một thời gian phục vụ tại Đại sứ quán Israel ở Ấn Độ. Công việc chuyên trách của tôi khi trở lại Bộ Ngoại giao Israel cũng liên quan đến khu vực Đông Nam Á nên tôi đã đến thăm một vài nước. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam với tư cách chính thức.

Việt Nam là một "cường quốc khu vực trong ASEAN và trong nhóm các nước Mekong". Đó cũng là cách nhìn nhận của Israel khi tiếp cận Việt Nam. Khi tôi biết mình được bổ nhiệm làm đại sứ tại Việt Nam, cảm xúc giống như giấc mơ trở thành sự thật vậy.

Ưu tiên hiện nay của tôi là kỷ niệm 30 năm Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ vào năm 2023. Đó sẽ là một nền tảng cho rất nhiều hoạt động khác, chẳng hạn như hoạt động trao đổi đoàn các cấp. Trọng tâm vẫn là kinh tế, trong đó có việc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Israel. 

Nếu hiệp định này được ký kết và thực thi, thương mại giữa hai nước có thể tăng gấp ba lần và có thể trở thành cầu nối cho quan hệ Israel - ASEAN.

* Hai nước đã có nhiều hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông đánh giá đâu là điểm sáng nhất?

- Trong nhiều năm qua, Việt Nam và Israel đã hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều đoàn thực tập sinh Việt Nam được cử sang Israel học tập. Mới đây tôi cũng đã ra sân bay Nội Bài tiễn một nhóm sinh viên thực tập nông nghiệp sang Israel.

Tôi thấy có rất nhiều tiềm năng trong hợp tác đổi mới, sáng tạo và giáo dục giữa hai nước. Có nhiều ví dụ điển hình cho hợp tác đổi mới, sáng tạo giữa hai nước, chẳng hạn như VICAP - một chương trình tập hợp các sinh viên đến từ cả Israel và Việt Nam để cùng tìm giải pháp sáng tạo cho các vấn đề mà một doanh nghiệp gặp phải. 

Các bạn ấy đã làm việc cùng nhau qua mạng Internet ngay cả trong dịch COVID-19. Những công ty sẽ đến và nói vấn đề mà họ gặp phải, ví dụ đóng gói sản phẩm này như thế nào, trồng dâu tây ra sao hay cách giải quyết nạn côn trùng phá hoại...

Tại Israel, các nghiên cứu trong nông nghiệp thường có sự kết hợp và gắn liền giữa nông dân với các nhà nghiên cứu và chính phủ. Nông dân sẽ được tham gia vào các nghiên cứu nông nghiệp trên chính trang trại của họ.

Chương trình đưa thực tập sinh từ Việt Nam sang Israel không chỉ học hỏi kinh nghiệm về tưới tiêu hay giống cây trồng, động vật. Tôi nghĩ điều quan trọng là để các thực tập sinh này thấy được người nông dân thực sự làm chủ như thế nào, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề mà họ gặp phải ở trang trại của mình ra sao và sự phát triển của nền nông nghiệp có tính kết nối, sáng tạo là gì.

Nền nông nghiệp Israel gắn chặt với sự đổi mới và sáng tạo. Israel cũng có kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và chúng tôi mong những lĩnh vực này cũng có thể trở thành các điểm sáng hợp tác trong quan hệ hai nước.

Nông nghiệp cần đổi mới, sáng tạo - Ảnh 3.

Ông Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

* Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Là một quốc gia sử dụng năng lượng hiệu quả, Israel có thể hỗ trợ gì cho Việt Nam, thưa ông?

- Cả hai nước chúng ta đều có các cam kết tại hội nghị của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26) và đang cố gắng tuân thủ những quy định về giảm phát thải. 

Israel có rất nhiều ý tưởng về năng lượng và các giải pháp công nghệ cho năng lượng sạch mà tôi nghĩ có thể hữu ích với Việt Nam. Chẳng hạn như năng lượng mặt trời luôn gặp phải thách thức là làm thế nào để lưu trữ điện và giải pháp là những viên pin đặc biệt.

Israel đang chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh do Bộ Năng lượng Israel chủ trì xoay quanh câu hỏi làm thế nào để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Chúng tôi có một đặc sứ chuyên trách về hệ sinh thái và biến đổi khí hậu, người mà tôi đang nghĩ có thể đến Việt Nam để gặp gỡ những người đồng cấp và thảo luận về những vấn đề mà hai nước có thể phối hợp. 

Hiện tại hai bên vẫn chưa sắp xếp được ngày để đặc sứ sang nhưng tôi tin là sẽ diễn ra vào năm tới, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ.

Học tư duy Israel

Trải qua 17 năm, chương trình thực tập sinh nông nghiệp của Israel là một trong những điển hình cho hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam với Israel. Hằng năm có khoảng 700 sinh viên Việt Nam sang Israel theo chương trình này.

Các sinh viên trúng tuyển đều là những gương mặt sáng giá, được đại diện các trung tâm nông nghiệp của Israel kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và các trường đại học tuyển chọn kỹ lưỡng.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu về số lượng thực tập sinh nông nghiệp tại Israel. Trong thời gian một năm ở Israel, các sinh viên sẽ được học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận với làm nông công nghệ cao tại các hợp tác xã nông nghiệp kiểu Israel (Moshav) hoặc công xã hiện đại dựa vào nông nghiệp (Kibbutz).

Các thực tập sinh còn được kỳ vọng sẽ học cách tư duy, rèn luyện bản lĩnh và tinh thần của người Israel - những người đã vượt qua điều kiện tự nhiên khắc nghiệt để xây dựng đất nước trở thành quốc gia đi đầu về nông nghiệp công nghệ cao.

Hạn hán - mầm mống đói kém và hủy diệt - Kỳ cuối: Bí mật phép lạ nước từ sa mạc Israel Hạn hán - mầm mống đói kém và hủy diệt - Kỳ cuối: Bí mật phép lạ nước từ sa mạc Israel

TTO - Kỹ thuật tưới nhỏ giọt đã được thử nghiệm ban đầu tại Đức trong những năm 1920, tuy nhiên người ta lại thường nhắc đến cái tên Simcha Blass (1897-1982), nhà phát minh người Israel gốc Ba Lan.

DUY LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp