Măng cụt Lái Thiêu được nhiều người lựa chọn và bán giá khá cao - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Ông Huỳnh Phương Đông (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) cho biết đây là năm thứ 2 gia đình có măng cụt bán. Với diện tích khoảng 5.000m2, năm nay ông Đông thu hoạch được khoảng 800kg.
"Với diện tích này, năm ngoái chỉ thu về 500kg, vì mưa nên măng cụt bị thối và bị sượng. Năm nay mùa mưa đến trễ nên được mùa. Còn giá cả cũng cao hơn, tùy loại măng cụt, loại 1 - 2, loại to loại nhỏ, loại chớm chín, nhưng mức giá trung bình là 50.000- 60.000 đồng/kg".
Mùa vụ năm ngoái, ông Đông bán ra chỉ 30.000-40.000 đồng/kg.
Trong khi đó, ông Trần Văn Mặt, chủ nhiệm Tổ liên kết trồng cây xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng), cho rằng với cây măng cụt "tơ", năm nay được mùa, còn măng cụt trồng lâu năm lại mất mùa.
"Do măng cụt già năm như tôi trồng chục năm về trước, ra hoa sớm hơn măng cụt "tơ" nên dính trận mưa, rồi thất bại. Còn loại cây măng cụt "tơ" trồng mới đây, ra hoa muộn, né được đợt mưa, cũng như chín trước ngày 5-5 nên được giá, được mùa. Đa số sản lượng măng cụt mới trồng đều cao, kể cả măng cụt ở TP Thuận An", ông Mặt nói.
Ghi nhận thị trường măng cụt ở TP.HCM, giá cả bán lẻ cũng đa dạng. Với cửa hàng nhỏ, lẻ thì bán khoảng 90.000 đồng/kg cho trái loại trung; còn loại nhỏ, vỏ hơi dày thì tùy loại cuống tươi hay cuống héo, dao động giá 40.000-60.000 đồng/kg.
Ở những cửa hàng trái cây cao cấp, măng cụt "tuyển" được bán với giá khá cao. Chẳng hạn, măng cụt Lái Thiêu bán lẻ với giá 145.000 đồng/kg.
Măng cụt được trồng nhiều ở các tỉnh miền Đông, đặc biệt là măng cụt Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Gần đây, măng cụt Thái Lan cũng nhập vào Việt Nam, bán với giá khá cao, có thời điểm gần 200.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào mùa vụ, măng cụt Việt Nam được nhiều người ưa chuộng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận